Hiện các doanh nghiệp đang tích cực mua gạo để giao cho các đơn hàng đã ký cũng như chuẩn bị cho các đơn hàng mới. Giá lúa trong nước theo đó cũng tăng lên kỷ lục.
Nông dân vui...
Còn hơn nửa tháng nữa là đến vụ thu hoạch lúa hè thu năm nay nhưng bà Dương Thị Hoa (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) rất phấn khởi vì giá lúa trên thị trường đang tăng lên từng ngày.
"Đầu vụ đông xuân tôi bán lúa tươi chỉ có 5.200 đồng/kg mà đến cuối vụ đã lên tới 5.700 đồng/kg. Nay giá lúa lên nữa mà không có bán", bà Hoa cho biết.
Với gần 6ha, vụ đông xuân vừa qua gia đình bà Hoa thu hoạch được gần 50 tấn lúa. Với giá bán lúa tươi tại ruộng trung bình 5.500 đồng/kg, bà Hoa thu được trên 250 triệu đồng, trừ chi phí có lời hơn 70 triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao nhất trong hơn ba năm qua vì năm nay lúa trúng mùa được giá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hiếu, nông dân ở Thoại Sơn (An Giang), lại tỏ ra tiếc nuối vì lúa vụ đông xuân giá cao nhưng thu nhập không được như ý vì dịch bệnh.
"Tiếc quá chú ơi, mấy năm nay mới bán được giá lúa tươi tại ruộng gần 6.000 đồng/kg như hiện nay mà bị muỗi hành (sâu năn) phá dữ quá. Tính ra vụ đông xuân vừa rồi sản lượng lúa nhà tôi và nhiều gia đình khác trong vùng giảm đến 40-50% năng suất", ông Hiếu cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Bạch, thương lái lúa ở Chợ Mới, vụ đông xuân năm nay người tham gia làm lúa gạo đều có lời vì giá lúa tăng từ đầu vụ đến cuối vụ.
Trong đó nông dân là người có lợi nhuận nhiều nhất, các thương lái cũng kiếm lời nhiều hơn các năm trước.
"Vụ hè thu chuẩn bị thu hoạch. Với đặt hàng của các nhà máy như hiện nay, giá lúa sẽ còn giữ ở mức cao", ông Bạch cho biết.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo năm nay hứa hẹn có nhiều khởi sắc, giá lúa gạo trong nước sẽ tiếp tục giữ ở mức cao trong thời gian tới.
Nhiều nước tăng nhập khẩu gạo Việt Nam
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm nay tăng mạnh.
Việt Nam liên tiếp trúng thầu cung cấp gạo cho Indonesia, Philippines trong những tháng vừa qua và các hợp đồng từ cuối năm 2017 chuyển sang đã đẩy các doanh nghiệp vào thế chạy đua mua gạo trong nước.
Giá lúa gạo trong nước tăng nhanh và hiện đã cao hơn giá gạo của Thái Lan.
Ông Phạm Thái Bình, giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết với tình hình cung cầu gạo của thế giới, nhu cầu gạo từ các thị trường nhập khẩu thì có thể khẳng định dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm là khá lớn.
Hiện hầu hết các thị trường đều có nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam mà Việt Nam có thể không đủ khả năng đáp ứng.
Đó là các thị trường tập trung lớn như Philippines, Indonesia, Trung Quốc... đến các thị trường cao cấp hơn như Hàn Quốc, Úc đều đang tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, phó chủ tịch VFA, giá gạo Việt Nam chào bán trên thị trường cũng đã cao hơn so với gạo Thái Lan là 10-15 USD/kg nên giá lúa gạo trong nước khó có khả năng tăng cao nữa.
Tuy nhiên, nhu cầu của các đơn hàng đã ký cũng như tiềm năng ký các đơn hàng mới trong thời gian tới vẫn khá cao.
"Ngoài Philippines gạo thơm đi châu Phi đang rất tốt, thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu trở lại khá cao", ông Kiên cho hay và nhận định: dù khó tăng thêm nhưng giá lúa gạo ở trong nước sắp tới có thể vẫn giữ được ở mức cao như hiện nay.
Nông dân có lời khoảng 45%
Bộ NN&PTNT cho biết xuất khẩu gạo Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đạt khoảng 2,16 triệu tấn với giá trị 1,1 tỉ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 37,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Theo tính toán, chi phí giống, phân bón, nhân công làm lúa đông xuân vừa qua vào khoảng 2.200 đồng/kg, nếu cộng thêm tiền thuê đất 1.200 đồng/kg, giá thành ở mức 3.400 đồng/kg.
Giá thành lúa vụ hè thu cao hơn vụ đông xuân, nếu tính lên 4.000 đồng/kg thì với giá bán ra ở mức hiện nay là 5.800 đồng/kg, nông dân vẫn có lời đến 45%.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn