Tôm chết vì dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm và thiếu mặn khiến nông dân lo lắng.
Ông Huỳnh Thanh Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết: Toàn xã hiện có 320 ha diện tích thâm canh tôm, trong đó 15 ha nuôi tôm chân trắng bán thâm canh và 305 ha nuôi tôm sú xen với cá, tôm. Tuy nhiên, những năm gần đây tôm ở các hồ của người dân thường xuyên bị dịch bệnh do nguồn nước bị ngọt hóa, không đảm bảo độ mặn cho tôm phát triển.
Năm 2014, có khoảng 2/3 diện tích tôm của người dân bị mất trắng, có những hộ thua lỗ đến hàng trăm triệu đồng. Năm 2015, xã tiến hành phối hợp với Chi cục Thú y tổ chức hai lớp tập huấn quản lý tình hình dịch bệnh, phổ biến một số thông tư hướng dẫn nhận biết bệnh của tôm, phương pháp hướng dẫn xử lý ao… gần 100 người tham gia.
Hiện, vẫn chưa có một báo cáo nào về đánh giá ô nhiễm nguồn nước cũng như phương án để khắc phục triệt để cho dân. Dù đã hết tháng ba, chậm với lịch gần một tháng nhưng người dân vẫn chưa thể thả giống do độ mặn không đảm bảo. “Mình chỉ hạn chế chứ không có cách gì giải quyết. Nếu hạn chế nguồn nước ngọt về đê đập thì lại ảnh hưởng đến đất nông nghiệp”, ông Vương nói.
Ông Trần Tiến Long (56 tuổi, thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) hiện có 1ha hồ nuôi tôm nhưng vẫn chưa dám thả giống vì độ mặn chưa đạt. Hơn nữa, mấy năm nay hồ tôm mất mùa nên ông cũng “run tay”. Năm ngoái gia đình ông Long lỗ tới hai mùa, thất thu hơn 300 triệu đồng. “Nuôi tôm cũng may rủi hên xui à. Thu thì năm được năm mất, nhưng thời gian gần đây lỗ nhiều hơn được thành ra nợ cứ dai dẳng” - ông Long nói.
Theo: nongthonviet.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn