Đô thị hóa ở TP Đà Nẵng ngày càng nhanh, các dự án xây dựng nhiều khiến đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp. Người nông dân phải chọn giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.
Mô hình trồng hoa, cây cảnh của ông Trần Viết Bửu (bên phải) |
Ông Trần Thiệt, nông dân phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn là nông dân điển hình vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống từ những mảnh đất nhỏ manh mún của dự án chưa triển khai. Tại vườn hoa cây cảnh của ông Thiệt có đủ loại hoa đang khoe sắc như cúc, đồng tiền, ly ly, hoa hồng, hoa lan, dạ yến thảo, mười giờ, mắt nai, cúc sao băng...
Ông Thiệt kể, trước đây ông có đất để sản xuất nông nghiệp nhưng sau này bị thu hồi làm dự án. Không còn đất, ông Thiệt “mượn” tạm đất của các dự án chưa triển khai để trồng nấm, hoa, cây cảnh... Ban đầu, mô hình nhỏ, về sau ông mạnh dạn vay vốn mở rộng trang trại, đầu tư thêm giống, phân... đầu tư vườn hoa, cung cấp ổn định cho các cửa hàng, các shop hoa trên địa bàn TP, thu nhập mỗi tháng gần 15 triệu đồng; tạo việc làm cho 3 - 4 lao động nữa.
Ông Trần Viết Bửu, hội viên nông dân ở tổ 63, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn cho hay, từ khu đất gần 1.500m2 dự án chưa triển khai xây dựng ở phường Mỹ An, ông đã kỳ công xây dựng vườn cây cảnh với hàng nghìn cây các loại. Tại đây, ông vừa ươm tạo, nhân giống, vừa kinh doanh.
Ông Bửu luôn tìm tòi, làm ra những cây cảnh ấn tượng nhất. Chỉ trong phạm vi hơn 1.000m2, tháng nào doanh số cây cảnh ông bán ra cũng xấp xỉ 200 triệu đồng, lãi ròng khoảng 15 triệu đồng...
Trong quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, việc lựa chọn chuyển đổi ngành nghề của nông dân bước đầu gặp không ít khó khăn, vướng mắc và phức tạp. Nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ cho vay vốn và chuyển giao KHKT của Hội Nông dân các cấp từ mà hàng trăm hộ nông dân giữa lòng đô thị Đà Nẵng mạnh dạn đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn