Tuy vậy, kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, muốn có được nền nông nghiệp 4.0 (NN4.0) trước hết phải có đội ngũ nông dân thông minh, năng động tham gia vận hành thành thạo thiết bị, quy trình ứng dụng khoa học 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Gắn với xu thế mới lực lượng nông dân kia còn được gọi là nông dân 4.0…
Thực tế trước đây, nhiều vùng quê Việt Nam đã có không ít sản phẩm phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp một cách tinh vi đến kỳ diệu, do người nông dân sáng chế, như ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lúc con cá tra, ba sa trở thành đế ngư, tức thì ở các vùng nuôi cá xuất hiện máy đào vét ao có công suất cao gấp nhiều lần so với cách làm cơ bắp.
Từ nhu cầu giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận trong canh tác lúa người nông dân đã sáng chế máy gặt đập liên hợp… Có nông dân còn tự thiết kế hệ thống phun tưới cho cây trồng bằng điện thoại thông minh; ứng dụng công nghệ đám mây điều hành sản xuất vườn cây ăn trái... Những nông dân chân đất, bỗng chốc trở thành những nhà sáng chế “bất đắc dĩ”, chỉ hiềm một nỗi, họ hăng say mày mò trên cái nền học vấn chưa vượt qua ngưỡng phổ thông trung học. Rõ là đã chạm tay vào cánh cổng CN4.0, nhưng để mở được cánh cổng ấy bước sâu vào không gian NN4.0 đâu chỉ có ngần ấy…
20 năm trước, những cánh đồng lúa ở ĐBSCL thường bị rầy nâu tấn công, có lúc trở thành đại dịch, thầy trò trường Đại học Cần Thơ sát cánh cùng người nông dân bám đồng ruộng đẩy lùi dịch bệnh hại lúa. Gạch nối gắn bó và sẻ chia giữa nhà khoa học và nông dân trên vựa lúa quốc gia như một truyền thống đẹp cho cây lúa đứng vững. Còn bây giờ, máy móc thiết bị phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp tại sao chỉ có người nông dân quan tâm?
Đất nước ta có đến 24.000 tiến sĩ. Những bậc thức giả này đang ở đoạn nào trong hành trình đi đến cuộc cách mạng công nghệ 4.0? Trong cuộc chuyển đổi mang tính bước ngoặc, người nông dân không thể đơn độc nhập cuộc, cho dù trước đó họ từng kỳ công sáng chế ra những công cụ vi diệu trên luống cày của mình.