14:02 EST Thứ sáu, 10/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Nông hộ nuôi cá tra “teo tóp”

Chủ nhật - 13/12/2015 19:30
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ ngày càng mất dần vị thế khi phần lớn diện tích trở thành vùng nuôi cá nguyên liệu của doanh nghiệp. Trước tình trạng này, các hộ nuôi cá tra nhỏ chỉ còn cách liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác và hình thành liên kết giữa bốn nhà (hộ nuôi cá, nhà máy sản xuất thức ăn, ngân hàng, nhà máy chế biến xuất khẩu) để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ ngày càng mất dần vị thế của mình khi phần lớn diện tích nuôi cá tra của họ đã trở thành vùng nuôi của doanh nghiệp (ảnh chụp tại xã Phú Phong, Cai Lậy, Tiền Giang).

Hộ nuôi cá tra dần biến mất

Trong thời kỳ “vàng son” của nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu, vai trò của các bên trong chuỗi ngành hàng cá tra đã được phân định rõ, trong đó nông dân lo nuôi cá, còn doanh nghiệp (DN) đảm nhận khâu chế biến và tìm thị thường xuất khẩu. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi ngành hàng cá tra “xuống dốc”, để chủ động nguyên liệu, tiết giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận, các DN đua nhau thực hiện mô hình sản xuất khép kín. Điều này đã dần đẩy các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ ra khỏi “sân chơi” mà trước đây thị trường đã “phân công” cho họ.

Theo báo cáo nghề nuôi cá tra của một số tỉnh khu vực ĐBSCL gần đây, Đồng Tháp (địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất nước) hiện có 1.939ha nuôi cá tra, trong đó vùng nuôi của DN chiếm hơn 66%,  diện tích nuôi gia công cho DN chiếm 11%, chỉ còn lại 23% diện tích là của các hộ nuôi độc lập. Tại An Giang, diện tích nuôi cá tra của tỉnh đạt khoảng 820-830ha, trong đó vùng nuôi của DN lên đến 600ha, chiếm hơn 70%. Còn tại Tiền Giang, trong tổng diện tích nuôi cá tra là hơn 122ha có tới 57,9ha là vùng nuôi của DN; 64,2ha là của hộ nuôi, trong đó không ít ao nuôi của hộ dân đang tạm nghỉ.

Về thay đổi cơ cấu nghề nuôi cá tra vùng ĐBSCL, theo kết quả điều tra của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, năm 2012, các hộ nuôi cá tra thả nuôi 1.748ha (chiếm 48,7% tổng diện tích nuôi), DN nuôi 1.761ha (chiếm 49,1%), còn lại 2,2% là của hợp tác xã. Bước sang năm 2013, số liệu của Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho thấy, tỷ trọng diện tích nuôi cá tra của hộ dân đơn lẻ chỉ còn 35,5%; trong khi diện tích nuôi cá tra của DN tăng lên 59,9% và diện tích nuôi cá tra của hợp tác xã là 4,6%. Thậm chí, theo kết quả đăng ký nuôi cá tra theo Nghị định 36/NĐ-CP đến ngày 18/7/2015 của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, diện tích đăng ký nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL là 1.225ha, trong đó chỉ riêng DN đã đăng ký nuôi 1.080ha (chiếm 88,1%), còn hộ nuôi cá tra chỉ đăng ký nuôi 145ha (chiếm 11,9%).

Thực tế cho thấy, những hộ nuôi cá tra hiện nay còn tồn tại hầu như là những hộ nuôi quy mô lớn, có tiềm lực kinh tế và liên kết được với DN chế biến xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Đời, ấp Tân An, xã Tân Phong (Cai Lậy - Tiền Giang) cho biết, từ năm 2008 đến nay, dù phần lớn thời gian giá cá tra nằm ở mức thấp, nông dân nuôi cá thua lỗ nhưng ông vẫn lãi đều.

“Nhờ có nhiều ao cá nuôi rải vụ, cá thu hoạch nhiều thời điểm trong năm, ao này bù lỗ cho ao kia nên trong hơn 10 năm nuôi cá tra tôi chưa bao giờ lỗ. Điểm mốc đáng nhớ gần đây nhất là năm 2008, tôi có ao nuôi cá tra quá lứa với sản lượng hàng trăm tấn nhưng nhờ dịp may, tôi ký được hợp đồng bán cá cho DN với giá 15.500 đồng/kg, trong khi giá thị trường chỉ 12.000 đồng/kg. Còn các ao nuôi cá tra khác cố gắng cầm cự đến cuối tháng 9 năm đó thì giá tăng vọt lên 25.000-26.000 đồng/kg và tôi thu hồi được vốn đã bỏ ra. Ngoài ra, những năm giá cá quá thấp thì nhờ nuôi gia công cho DN nên tôi cũng thoát lỗ”, ông Đời chia sẻ.

Sự phát triển ngược trong chuỗi

Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, để nuôi 1ha cá tra cần vốn đầu tư lên đến cả chục tỷ đồng nên khi giá cá tra rẻ hơn giá thành sản xuất, thị trường tiêu thụ bấp bênh thì các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ không đủ sức cầm cự, buộc phải “treo ao”, bỏ nghề, làm thuê trên chính ao nuôi của mình hay nuôi gia công cho DN.

Trong thời gian tới, xu hướng khép kín sản xuất tiếp tục được các DN chế biến cá tra xuất khẩu chú trọng và các tổ chức này đang dần hoàn thiện, hình thành dây chuyền khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, giống, nuôi thương phẩm đến chế biến xuất khẩu và chế biến các phụ phẩm như: bột cá, dầu cá, collagen… nhằm đem lại lợi nhuận tối ưu cho DN. Hơn nữa, khi DN chủ động được phần lớn nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu thì khi thị trường tiêu thụ thu hẹp đương nhiên phải ưu tiên thu hoạch cá của DN, việc không tiêu thụ hay ép giá cá tra nguyên liệu của nông dân là không tránh khỏi. Đây cũng là lý do chính khiến cơ cấu sản xuất cá tra ngày càng có sự thay đổi lớn như hiện nay.

Sự phát triển của chuỗi ngành hàng cá tra  theo hướng khép kín như hiện nay được Hiệp hội Cá tra Việt Nam gọi là “sự phát triển ngược trong chuỗi”, bởi thay vì phát triển hội nhập dọc theo chuỗi để phát triển thị trường, cạnh tranh ở nước ngoài thì ngành cá tra hội nhập ngược trở lại trong chuỗi. Các DN chế biến cá tra xuất khẩu đua nhau mở rộng vùng nuôi, nhà máy sản xuất thức ăn cá, gia tăng cạnh tranh trong nước. Những diễn biến này đã dẫn đến thu hẹp thị trường ở nước ngoài, gia tăng cạnh tranh trong nước, suy giảm lợi nhuận toàn chuỗi, suy kiệt tài nguyên, gia tăng các xung đột.

Các chuyên gia ngành cá tra cho biết, hiện nay mối liên kết sản xuất giữa hộ nuôi cá tra với DN chế biến còn rất lỏng lẻo, nhiều bất cập. Gần đây, DN không ký hợp đồng đầu vụ với hộ nuôi mà chỉ ký hợp đồng nguyên tắc mang tính tham khảo, đến khi mua cá của hộ nuôi, DN mới ký hợp đồng với giá cả cụ thể. Tuy nhiên, hợp đồng này được ký mơ hồ khi có tranh chấp xảy ra thì không có tính pháp lý và thường gây bất lợi cho người dân. Chẳng hạn, thời hạn hợp đồng trả tiền bán cá của DN được ghi trong hợp đồng là sau 30 ngày kể từ ngày bán cá thì 3 tháng cũng là sau 30 ngày, mà 3 năm cũng là sau 30 ngày.

Ông Trần Thanh Hồng Hải có ao nuôi cá tra diện tích 8.000m2 ở ấp Tân An (xã Tân Phong) cho biết, năm 2013, ông nuôi gia công cho một công ty chế biến cá tra xuất khẩu, theo đó DN cung cấp thức ăn theo hệ số 1,6; sau thu hoạch công ty bắt toàn bộ cá với mức khoán chi phí con giống, thuốc men, nhân công, tiền thuê ao là 5.000 đồng/kg cá. Sau khi thu hoạch, tính ra còn lãi 2.500 đồng/kg cá nhưng hơn 1 năm sau ông mới nhận được hết tiền.

Cần tăng cường liên kết ngang - dọc

Với vị thế ngày càng thấp, các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ vốn đã khó khăn lại tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức hơn trên chặng đường phát triển sản xuất phía trước, nhất là trong vấn đề ổn định đầu ra cho cá tra nguyên liệu và đàm phán giá cả với DN chế biến.

Để người nuôi cá tra độc lập tiếp tục trụ lại với nghề và phát triển bền vững trong thời gian tới, theo một chuyên gia ngành nông nghiệp Tiền Giang, giải pháp quan trọng được đưa ra là các hộ nuôi cá tra phải liên kết ngang theo mô hình hợp tác xã nhằm tạo ra nguồn cung cá tra nguyên liệu đủ lớn để kiểm soát giá bán tốt hơn. Đồng thời, xây dựng liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà “hộ nuôi cá, nhà máy sản xuất thức ăn, ngân hàng, nhà máy chế biến xuất khẩu” để cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ con cá tra.

Mặt khác, nhà nước cần phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, đẩy nhanh tiến độ thay thế đàn cá tra bố mẹ để tạo con giống chất lượng tốt, sạch bệnh, tăng sức đề kháng; sớm quy định giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý chất lượng giống, chất lượng thức ăn, thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi với thời gian vay trung hạn hoặc dài hạn để người nuôi cá tra có nguồn vốn tiếp tục tái sản xuất.

Mỹ thắt chặt nhập khẩu cá ba sa và cá tra Việt Nam

Theo Đạo luật Farm Bill (có hiệu lực từ tháng 3/2016), cá tra trơn (catfish) thuộc bộ Silurifoesm dù nuôi nội địa hay nhập khẩu sẽ chuyển việc kiểm soát từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (FDA) sang Ban quản lý thực phẩm nông nghiệp an toàn và dịch vụ kiểm soát thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (FSIS).

Như vậy, cá tra (kể cả ba sa) Việt Nam khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải tuân thủ theo những yêu cầu và quy định rất nghiêm ngặt, chỉ được nhập khẩu vào Hoa Kỳ nếu chứng minh được sự tương đồng về nuôi tại Việt Nam với việc nuôi tại Hoa Kỳ. Dù các quy định của FDA trước đây đã khắt khe nhưng cách làm của FSIS còn nghiêm ngặt hơn về thời gian rà soát, các tiêu chuẩn về con giống, kiểm soát kháng sinh, chất tồn dư thuốc thú y, vận chuyển, nhà máy…

Từ nay đến tháng 3 năm sau, phía Việt Nam phải gửi danh sách công ty đang và mong muốn xuất khẩu vào Hoa Kỳ (tên, số lượng dự kiến). DN muốn xuất khẩu nên có danh sách chung hoặc rút gọn thông qua Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) để kiểm tra tại chỗ về sự tương đồng phía Việt Nam. Nộp bộ hồ sơ chứng minh đáp ứng quy định của FDA để chứng minh đủ điều kiện xuất khẩu giai đoạn chuyển tiếp. Đây chưa phải là hồ sơ chứng minh về sự tương đồng. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ thẩm tra và đưa ra các bên liên quan góp ý kiến.

Thành Công
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: hộ nuôi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 218


Hôm nayHôm nay : 53124

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 377526

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73424497