Là một trong những huyện đi đầu TP về ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào nông nghiệp, song huyện Đan Phượng vẫn đang gặp không ít khó khăn do phần lớn diện tích đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch đô thị và vùng không gian thoát lũ.
Huyện Đan Phượng có hơn 1.730ha đất nông nghiệp vùng đồng và gần 533ha đất bãi sông Hồng. Đáng nói, vùng đồng của 5 xã (Tân Hội, Tân Lập, Liên Trung, Liên Hồng, Liên Hà) nằm trong quy hoạch đô thị nên mặc dù các xã có diện tích đất nông nghiệp lớn (từ 91ha đến 398,5ha) nhưng nông dân không dám đầu tư phát triển nông nghiệp chuyên canh và ứng dụng CNC. Còn vùng bãi sông Hồng của 7 xã (Thọ An, Thọ Xuân, Trung Châu, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung) nằm trong khu vực thoát lũ (quy định tại Quyết định số 257/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ) nên nông dân chủ yếu trồng cây ngắn ngày như ngô, chuối, dong riềng... cho giá trị kinh tế thấp.
Chăm sóc hoa lan tại Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng. |
Theo số liệu khảo sát, đánh giá nhiều năm của các cơ quan chức năng huyện Đan Phượng, khu bãi giữa sông Hồng và khu Lòng Đầm xã Trung Châu là khu vực tương đối ổn định. Các bãi sông có lượng phù sa lớn, điều kiện tự nhiên phù hợp để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo chủ trương của TP. Vì vậy, huyện đã cho phép khảo sát, lập dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC trên diện tích 11,8ha bãi sông Hồng và 5,7ha khu Lòng Đầm; quy hoạch trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh tại 1,58ha đất vùng bãi thuộc địa bàn xã Thọ An. Hiện, UBND huyện đã xin ý kiến chấp thuận của Sở NN&PTNT Hà Nội và đang chờ cấp thẩm quyền xem xét.
Trên cơ sở đề xuất của huyện Đan Phượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhận định, do vị trí đề xuất nằm ở khu vực bãi sông, trong khu vực thoát lũ nên việc thực hiện các dự án phải đáp ứng các yêu cầu: Được sự chấp thuận của Bộ NN&PTNT; các hoạt động tại đây không ảnh hưởng đến thoát lũ sông Hồng; quản lý, sử dụng đất trên cơ sở nguyên trạng; không chứa chất phân bón, thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất có thể gây phát tán, ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước; phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải theo quy định, không xả thải trực tiếp ra sông Hồng...
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, huyện mong muốn các dự án phát triển nông nghiệp CNC ở vùng bãi sông Hồng sớm được cơ quan thẩm quyền cho phép thực hiện. Bởi, đây sẽ là cơ sở để địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra vùng sản xuất có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân. Huyện cũng cam kết quá trình triển khai dự án sẽ chỉ đạo các xã tuân thủ các quy định về đê điều, phòng, chống thiên tai; các hoạt động sản xuất tại khu vực bảo đảm vệ sinh môi trường và xây dựng phương án bảo đảm an toàn khi xảy ra mưa lũ.
Theo Kinh tế đô thị