Tiếp theo, đó là giá tiêu dùng sáu tháng chỉ tăng 0,86%, thấp “một trời một vực” so với cùng kỳ nhiều năm trước đây. Hai chỉ số này đương nhiên đồng nghĩa với thu nhập thực tế của dân cư tăng đáng khích lệ. Thế nhưng, trong bức tranh chung sáng sủa đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt là ngành nông nghiệp, là một mảng tối hết sức đáng ngại. Trước hết, các số liệu thống kê vừa được công bố cho thấy, tỷ trọng GDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sáu tháng vừa qua giảm xuống chỉ còn 16,73%, thay vì 18,12% như năm 2014. Trong đó, tỷ trọng của riêng ngành nông nghiệp giảm từ 13,63% xuống chỉ còn 12,84%. Nếu tính theo giá so sánh, trong khi nhịp độ tăng trưởng chung của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sáu tháng vừa qua còn đạt 2,36% thì của riêng ngành nông nghiệp chỉ đạt 1,9% (lâm nghiệp tăng 8,07%; thủy sản tăng 3,3%). Đó đều là những mức rất thấp, thậm chí thấp kỷ lục từ trước đến nay. Rõ ràng, với việc tụt dốc như vậy, nông nghiệp không chỉ là gánh nặng trong việc khôi phục tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế mà điều này còn đồng nghĩa với thu nhập của bộ phận dân cư trong ngành trồng trọt và chăn nuôi của nước ta gần như “giậm chân tại chỗ” trong khi thu nhập của hầu hết các bộ phận dân cư khác đã tăng tốc. Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, thực trạng này bắt nguồn từ ba nguyên nhân chủ yếu sau đây: - Thứ nhất, thủ phạm chính dẫn đến tình trạng này là giá hàng nông sản xuất khẩu đã giảm ngày càng sâu trong bốn năm liên tiếp. Trước hết, các số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 mặt hàng nông sản chủ yếu sáu tháng đầu năm nay chỉ đạt 13,3 tỉ đô la, so với cùng kỳ năm 2014 đã giảm gần 0,6 tỉ đô la. Các kết quả tính toán từ việc xuất khẩu 7 mặt hàng nông sản chủ yếu gồm: gạo, cà phê, điều nhân, sắn và sản phẩm sắn, cao su, hạt tiêu và chè cho thấy phần thua thiệt về giá xuất khẩu từ năm 2012 đến nay ngày càng lớn. Cụ thể, nếu cùng quy về giá năm 2011, năm 2012 Việt Nam đã bị thua thiệt về giá hơn 900 triệu đô la, còn sáu tháng đầu năm nay con số này lên tới gần 1,4 tỉ đô la.. Ở đây, cũng cần nhấn mạnh rằng, thua thiệt về giá nói trên không phải chỉ do những yếu kém trong hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, mà trước hết và chủ yếu là do những biến động của thị trường hàng nông sản thế giới. Các số liệu thống kê của FAO cho thấy, trong giai đoạn giao thời giữa hai thế kỷ và thiên niên kỷ vừa qua, giá hàng nông sản thế giới cũng đã từng giảm bốn năm liên tiếp, nhưng tổng mức giảm năm 2002 so với năm 1998 cũng chỉ lên tới 17,4%, còn mức giảm của năm nay so với năm 2011 đã đạt kỷ lục 25%. - Thứ hai, không chỉ bị thua thiệt ngày càng lớn trong xuất khẩu như nói trên, mà thua thiệt kép ở thị trường trong nước cũng không hề nhỏ. Cụ thể, các kết quả tính toán từ rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong nước cho thấy, so với năm 2011, nếu như giá của nhóm hàng lương thực, thực phẩm năm 2012 tăng được 6,91% thì giá của các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại tăng 10,21%, tức là mức tăng giá của nhóm hàng lương thực, thực phẩm chỉ bằng 67,7% mức tăng giá của các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại. Còn ba con số tương ứng này ở thời điểm hiện nay là 15,39%, 25,32% và 60,8%. Không những vậy, nếu chỉ so sánh giá của riêng mặt hàng lương thực với tất cả các nhóm hàng hóavà dịch vụ còn lại của rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thì khoảng cách này còn lớn hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là nông dân đã bị buộc phải bán những sản phẩm của mình với giá ngày càng rẻ, đồng thời phải mua các hàng hóa và dịch vụ khác với giá ngày càng đắt. Những điều nói trên có nghĩa là chênh lệch, tỷ giá giữa hàng nông sản với hàng công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là giữa hàng lương thực và các hàng hóa phi lương thực và dịch vụ đã xuất hiện từ năm 2012 và càng ngày càng doãng rộng, cho nên dân cư nông nghiệp nói chung và đặc biệt là nông dân sản xuất lương thực đã bị thua thiệt rất lớn. Những điều nói trên cũng hàm ý là, trong những thành tựu kiềm chế lạm phát thành công của nước ta từ năm 2012 đến nay, nông dân đã bị buộc phải “hy sinh” rất lớn. - Thứ ba, khi giá nông sản nhập khẩu giảm mạnh, nông dân sản xuất những hàng nông sản tương ứng phải đối mặt không chỉ với vấn nạn giá giảm, mà việc tiêu thụ cũng hết sức khó khăn. Nông dân trồng bắp ở nước ta là những người thấm thía nhất tình trạng này. Bởi lẽ, trong khi giá bắp nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2011 ở mức 321 đô la Mỹ/tấn, thì hiện nay chỉ còn 228 đô la/tấn, tức là đã giảm 29%, trong khi việc bán hàng cũng không hề thuận lợi. Theo những dự báo mới đây của WB và IMF, những khó khăn này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới. Do vậy, việc hỗ trợ khu vực kinh tế và bộ phận dân cư yếu thế này như thế nào vẫn là vấn đề cấp bách. theo thesaigontimes |