LTS: Từ 16-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt đầu chuyến thăm Nhật. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của mình, Chủ tịch nước đã đến thăm các cơ sở sản xuất nông nghiệp được đánh giá là hiện đại, quy mô thứ hai của Nhật ở tỉnh Ibaraki.
Tại đây Chủ tịch nước đã nhấn mạnh vấn đề hợp tác nông nghiệp Việt-Nhật và thẳng thắn: “Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực mà tôi hết sức quan tâm bởi đó là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam”.
Nhìn một cách tổng quát về ngành nông nghiệp thì cả hai quốc gia Việt Nam và Nhật đều đang đứng trước những thách thức rất lớn. Trong khi nông sản Việt Nam phải vật lộn với làn sóng giá rẻ, bán ế do các hạn chế trong chuỗi sản xuất và cung ứng (bao gồm chất lượng nông sản chưa đạt, thương hiệu chưa đủ, vấn đề độc quyền và nhóm lợi ích xuất khẩu) thì Nhật đang phải đối diện với nguy cơ mất khả năng cung ứng lương thực nội bộ.
Nông nghiệp Việt-Nhật đang rất cần nhau
Thông tin từ Bộ Nông-Lâm-Thủy sản Nhật cho thấy trong vòng 50 năm trở lại đây, tỉ trọng GDP của nông nghiệp Nhật giảm từ 9% xuống 1%, tỉ trọng nhân lực cắt giảm từ 28% xuống thấp hơn 3%, 25% diện tích đất canh tác đã bị thu hẹp… Chưa dừng ở đó, trước thềm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Nhật và 11 quốc gia khác, việc dỡ bỏ thuế quan có thể khiến khả năng tự cung lương thực của Nhật giảm mạnh từ 40% xuống 14%.
Thế nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác, thế mạnh của Việt Nam và Nhật có thể bổ sung cho nhau. Những hạn chế về kỹ thuật sản xuất và xuất khẩu, vấn đề mở cửa thị trường còn hạn chế trong ngành nông sản của Việt Nam sẽ được “lấp lỗ” nếu doanh nghiệp Nhật đưa quy trình sản xuất, công nghệ của họ theo “dòng chảy TPP” vào ứng dụng. Ngược lại, nguồn nhân lực và giá cả sản xuất nông sản rẻ gấp nhiều lần của Việt Nam sẽ là ưu thế để Nhật có thể tận dụng tái xuất khẩu về đất nước của họ, nơi người dân “thiếu cơm” nhưng không còn mặn mà, không còn sức lực cạnh tranh trong việc sản xuất nông nghiệp.
Như vậy trước, trong và sau khi TPP được hoàn thành sẽ tồn tại một mối hợp tác mang cơ chế “ổ khóa-chìa khóa”. Việc còn lại là cả hai sẽ chọn mô hình nào để hợp tác và đặc biệt là hai nước sẽ quyết liệt với vấn đề hợp tác đến đâu.
Kỹ thuật nâng cao giá trị sản phẩm của Nhật sẽ giúp nông sản Việt Nam thoát khỏi ám ảnh giá rẻ. Ảnh minh họa: pujiangforum.org
Học cách tăng chất lượng nông sản
Từng trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, nhận định Việt Nam đang có những cơ hội hợp tác với những quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới, trong đó có Nhật. Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam có nhiều kịch bản cho quan hệ hợp tác, trong đó Nhật luôn đóng vai trò là bên chuyển giao quy trình, công nghệ và đồng thời là nhà nhập khẩu nông sản.
GS Võ Tòng Xuân chia sẻ: “Các doanh nghiệp Nhật đang tiếp cận với Việt Nam để có thể trồng lúa tại đây với những giống lúa mang từ Nhật sang. Chưa kể các giống hoa, cây trồng đặc sản chất lượng của Nhật sẽ có mặt tại Việt Nam. Công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản hiện đại của Nhật sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận, học hỏi hưởng lợi rất nhiều”.
Đơn cử trong ngành lúa nước, nếu sử dụng mô hình thuê ngoài, các doanh nghiệp Nhật sẽ mang theo quy trình sản xuất, công nghệ và các chuẩn đầu ra của hạt gạo Nhật vốn rất nổi tiếng sang Việt Nam. Nghĩa là nông dân Việt Nam sẽ được tiếp cận với các kỹ thuật canh tác mới có sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ cao. Hiện nay việc sạ lúa, cấy lúa, thu hoạch và chế biến lúa gạo tại Việt Nam vẫn còn đang dựa nhiều vào sức người với hiệu suất lao động rất kém. Trong khi đó tại Nhật, dù ruộng đất rất manh mún và nhỏ lẻ nhưng gần như 100% các hoạt động này đều sử dụng máy móc thay cho sức người, đảm bảo được mức độ hiệu quả về mặt chất lượng công việc lẫn tiết kiệm thời gian.
Tương tự, ngành trồng hoa cũng là một trong những trọng điểm trong tuyên bố hợp tác nông nghiệp Việt-Nhật trong chuyến thăm hiện nay của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Nhật. Nhiều năm qua, người trồng hoa tại Đà Lạt và nhiều nơi khác phải chật vật với cuộc sống do giá hoa “rẻ như cho” dù họ nắm trong tay lượng đất đai rộng và hưởng khí hậu thuận lợi.
Trong khi đó, theo kênh truyền hình Nông nghiệp Nông thôn VTC16 thì tại tỉnh Gunma, Nhật, có khi năm gia đình góp đất lại mới được 0,7 ha để làm nhà kính trồng hoa hồng. Ông Tabei Kashi, một đại diện các hộ trồng hoa nhấn mạnh kỹ thuật chăm sóc: “Hoa được trồng trong chậu, chúng tôi sử dụng toàn bộ là phân bón hữu cơ vi sinh lên men. Nếu có phun thuốc thì cũng là thuốc trừ sâu sinh học chứ tuyệt đối không sử dụng hóa chất vì nó sẽ làm hỏng đất, hỏng màu hoa. Làm thủ công vẫn hay hơn. Phần nữa, hữu cơ thì chi phí đầu vào rất rẻ, không phải mua bất kỳ loại phân bón nào cả”.
Ông Tabei còn chia sẻ thêm để đảm bảo độ mịn cũng như màu sắc của hoa, độ ẩm là yếu tố quan trọng. Vậy nên ông Tabei dùng hệ thống nhỏ giọt và quạt gió tản nước để tạo môi trường ẩm tốt nhất cho hoa sinh trưởng. Kèm theo đó là các nhiệt kế trong vườn để có thể kiểm soát nhiệt độ, tránh làm ẩu.
Tăng giá trị nông sản để dân tăng thu nhập
Các sản phẩm nông sản được sản xuất theo mô hình Nhật vốn đã được công nhận chất lượng cao, mang về giá bán có lợi cho người nông dân. Tuy nhiên, cách người Nhật nâng cao giá trị nông sản từ ngoài ruộng vào tới siêu thị cũng là điều mà Việt Nam sẽ được tiếp cận.
Điển hình ông Kasuya Oay, đại diện cửa hiệu Huiya, chuyên kinh doanh nông sản bao gồm rau, củ, quả tại Tokyo, Nhật, chia sẻ trên VTC16 rằng: “Chúng tôi tổ chức mua đấu giá ở chợ đầu mối OTA để có được các loại nông sản chất lượng nhất. Tuy nhiên, chúng tôi phải tạo ra thêm những giá trị mới cho sản phẩm của riêng mình, đó là “ăn đúng lúc và chế biến đúng cách”… Nếu một gia đình gồm người già và trẻ em đến cửa hàng thì mỗi người được phục vụ theo một cách thức và tiêu chí riêng nhằm mang lại hiệu quả cao nhất”.
Việc đấu giá nông sản được áp dụng phổ biến tại Nhật. Theo đó, nhà phân phối và tiêu thụ sẽ mua đấu giá và phản hồi với doanh nghiệp về chất lượng. Từ đây, cả hai sẽ nghiên cứu và thống nhất về chất lượng và quy trình sản xuất, rồi chuyển cho nông dân nhằm sản xuất những sản phẩm nông sản hoàn thiện nhất, có giá trị cao nhất theo nhu cầu thị trường. Đặc biệt, các sản phẩm chế biến từ nông sản rất đa dạng chứ không dừng ở việc bán thô, xuất khẩu thô nên giá trị cũng được nâng lên đáng kể.
Nhờ kỹ thuật “thổi giá trị” sản phẩm, nông sản Nhật không chỉ có giá trị mà giá cả cũng rất hấp dẫn cho nông dân. Người Việt khi sang Nhật sẽ không khỏi ngạc nhiên khi tại các cửa hiệu chế biến thực phẩm nông sản, giá một trái táo bình thường có khi lên đến hàng trăm ngàn đồng, một ký gạo bình thường có khi được bán với giá vài trăm ngàn đồng. Các cửa hàng tạp hóa nhỏ bán một quả chuối bình thường với giá trên dưới 20.000 đồng và tương tự cho các loại nông sản khác. Thậm chí tại các cửa hàng cao cấp, sau khi đấu giá các sản phẩm nông sản chất lượng cao, giá một trái táo, trái dưa lưới… có khi lên đến hàng triệu đồng, có loại nông sản còn lên đến hàng trăm triệu đồng.
ĐỖ THIỆN
Minh bạch thị trường, kỷ luật làm việc Để khâu sản xuất, cung ứng trở nên hiệu quả, người Nhật rất tôn trọng nguyên tắc cung-cầu của thị trường, nghĩa là tìm hiểu nguồn cầu rồi tạo nguồn cung phù hợp để tránh giá cả bấp bênh. Theo đó, các doanh nghiệp tiếp nhận, thu mua sản phẩm nông sản luôn cung cấp công khai, minh bạch cho nông dân thông tin cụ thể về nhu cầu bao gồm chất lượng, số lượng tương ứng để từ đó hạn chế lượng hàng dư thừa. Về phía nông dân, tính kỷ luật lại được đề cao trên hết. Ông Tabei Kashi cho biết: “Các xe hoa sẽ thu gom hoa về chợ đầu mối từ lúc 6 giờ 30 sáng nên chúng tôi phải tuyệt đối đúng giờ”. Các cuộc trò chuyện xung quanh quy trình sản xuất, các chuyên gia Nhật cũng luôn nhấn mạnh yếu tố đúng giờ, tuân thủ kỷ luật nếu muốn đạt hiệu quả tối ưu. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn