“Phải phân tích hết thực tế để bàn giải đến tận cùng, bởi chúng ta hoàn toàn có lời giải chứ không phải không” nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng mở đầu.
Ông Hồ Xuân Hùng. Ảnh: Phạm Hiếu. |
Chúng tôi bắt đầu cuộc đối thoại bằng chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong bối cảnh Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp của nhân dân để kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh với thời gian miễn thuế là 10 năm (từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2030). Có nhiều ý kiến cho rằng, với một lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro như nông nghiệp thì chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp vẫn còn là quá ít ỏi. Nên chăng cần miễn hẳn thay vì có thời hạn như hiện nay.
Ông Hồ Xuân Hùng kể rằng, 23 năm trước, khi còn làm Chủ tịch tỉnh Nghệ An, để phát triển mía đường ở huyện Quỳ Hợp, bản thân ông và lãnh đạo Nghệ An thời kỳ đó đã từng có quyết định: Nếu ai trồng mía sẽ được miễn toàn bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp. Mặc dù số tiền không nhiều nhưng người dân họ cảm thấy được quan tâm nên rất phấn khởi, ủng hộ.
Tuy nhiên, quyết định trên đã bị một số cơ quan Trung ương đã nhắc nhở nên buộc phải sửa “đầu tư trở lại 100% tiền thuế đất nông nghiệp cho người trồng mía”. Nhờ quyết sách đó, Nghệ An mới có được vùng mía như vậy. Sau đó, mặc dù vẫn còn là một tỉnh nghèo nhưng Nghệ An tiên phong kêu gọi miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Nói thế để khẳng định, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một chính sách cực kỳ đúng đắn. Vì số lượng thu được từ thuế sử dụng đất nông nghiệp không đáng kể so với tổng thu của Nhà nước ta, kể cả trong những giai đoạn khó khăn trước đây. Bây giờ lại càng thấp bé, thống kê các năm 2018, 2019 tổng thuế miễn, giảm bình quân chỉ hơn 7.000 tỷ đồng, chỉ phần nhỏ của một vụ “đại án” nào đó thôi.
Đối với người nông dân, số tiền trên nếu chia cho hơn 12 triệu hộ không đáng bao nhiêu vì diện tích đất trên đầu hộ của chúng ta thấp. Còn đối với doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp đã tích tụ được diện tích lớn thì họ cũng đã phải bỏ ra một khoản tiền quá lớn để làm điều đó. Đảng và nhà nước đang tích cực kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong bối cảnh lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, việc bảo hiểm đang ở giai đoạn thí điểm thì việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là một sự khuyến khích, hỗ trợ trực tiếp.
“Vì thế, theo tôi nên quyết định bãi bỏ hẳn thuế sử dụng đất nông nghiệp”, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiến nghị.
Thưa ông, từ chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có thể thấy rằng, suốt một quá trình rất dài, tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp cực thấp, ngoài những nguyên nhân đã được phân tích rất nhiều về sự rủi ro, về thị trường... thì những chính sách để thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế cũng là một nguyên nhân căn cốt. Ông nghĩ sao?
Trước hết phải khẳng định, chúng ta vui mừng vì những năm gần đây làn sóng đầu tư vào nông nghiệp đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Đặc biệt là các đại gia, các doanh nghiệp lớn lâu nay chưa từng tham gia vào nông nghiệp nhưng bây giờ họ cũng đổ tiền đầu tư khá mạnh mẽ.
Ông Hồ Xuân Hùng trò chuyện cùng PV báo NNVN. Ảnh: Phạm Hiếu. |
Nguyên nhân, theo tôi đã đến lúc các doanh nghiệp nhìn thấy được lợi thế của đất nước mình. Phải khẳng định lại một lần nữa, lợi thế của Việt Nam vẫn là nông nghiệp, bởi vì các lĩnh vực khác như công nghiệp, khoa học công nghệ, dịch vụ... chúng ta đã đi sau thế giới quá xa.
Những điều kiện tự nhiên như đất đai, khí hậu có thể cho phép nông nghiệp Việt Nam phát huy được hết lợi thế của mình. Trong bối cảnh nhu cầu thế giới ngày càng tăng, đặc biệt là sở hữu những sản phẩm đặc sản không phải quốc gia nào cũng có thì những lợi thế ấy càng rõ.
Những năm gần đây, cùng với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới thì Chính phủ quyết định tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng lợi thế so sánh và hiệu quả. Chúng ta vốn từ một nền văn minh lúa nước, tự sản tự tiêu, chuyển sang nền kinh tế hàng hóa, theo hướng hội nhập nên các chính sách cho lĩnh vực nông nghiệp cũng rõ hơn. Đặc biệt là việc coi trọng kinh tế nhiều thành phần, khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân...
Xu hướng của kinh tế hội nhập khiến nhu cầu tăng vọt, sự giao lưu kinh tế hàng hóa giữa quốc gia này và quốc gia kia là tất yếu, số lượng doanh nghiệp tăng lên, tuy nhiên nếu so so sánh với các lĩnh vực khác thì tỷ lệ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn chiếm quá thấp. Tôi cho rằng, về bản chất, doanh nghiệp đầu tư bao giờ cũng phải tính toán hiệu quả, không thể đầu tư bằng mọi giá được, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Đầu tư vào nông nghiệp lại càng phải tính toán bởi thực tế còn nhiều rào cản.
Nền nông nghiệp Việt Nam vấp phải hai mâu thuẫn lớn kéo dài từ nhiều chục năm nay chưa giải quyết được. Thứ nhất là sản xuất vẫn còn manh mún trong khi thị trường ngày càng lớn. Mâu thuẫn đó chậm được khắc phục, chưa giải quyết được mặc dù chúng ta phát hiện ra từ lâu.
Mâu thuẫn lớn thứ hai, đa phần các quốc gia chịu sự tác động của biến đổi khí hậu đều vấp phải là hiệu quả thấp và rủi ro cao. Vấn đề này Việt Nam còn chịu nặng nề hơn vì chúng ta chậm hơn các nước phát triển một bước trong quá trình gia nhập kinh tế thị trường.
Một nguyên nhân nữa, cần phải nhìn thẳng vào sự thật, mãi cho đến gần đây Đảng và Nhà nước mới khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân. Trước đó, trong một thời kỳ dài kinh tế tư nhân rụt rè, cân nhắc, thậm chí là sợ, là yếu thế hơn so với kinh tế Nhà nước.
Chúng ta nói về chính sách, rõ ràng, so với nhiều lĩnh vực khác, chính sách cho nông nghiệp không chỉ còn hạn chế về lượng mà cả về chất. Với một lĩnh vực đặc thù như ông đã phân tích thì tất nhiên cũng cần những chính sách đặc thù. Nhưng có nhiều rào cản mà chính sách vẫn chưa thể nào vượt qua, thưa ông?
Có 3 yếu tố căn cơ để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Đất đai, lao động và khoa học công nghệ thì cả 3 đều đang đối mặt những thực tế khó khăn.
Vấn đề lớn nhất là đất đai. Chúng ta nói quá nhiều rồi, sửa Luật Đất đai rồi, Chính phủ cũng đã có Nghị định xử lý những vấn đề mà luật chưa giải quyết được, thế nhưng...
Nhiều năm nay chúng ta dày công cho dồn điền đổi thửa nhằm tạo rao quy mô sản xuất lớn, tạo ra cho người dân có những thửa ruộng lớn hơn trên cánh đồng của họ nhưng đến giờ vẫn chưa xong. Tôi nghĩ là do việc dồn điền đổi thửa có thể cần đối với người này, có lợi đối với người này nhưng chưa chắc đã phù hợp với người kia.
Có những người nông dân cần nhiều thửa ruộng để đa dạng sản phẩm, để phân bổ ngày công rải rác cả 4 mùa thì họ không cần dồn về một thửa, không thể hài hòa lợi ích cho tất cả. Cộng với thực tế hiện nay, quá trình dồn điền đổi thửa không ít nơi cán bộ cơ sở tiêu cực, miếng ngon lấy cho gia đình, anh em họ hàng mình còn những người yếu thế thì bị đẩy ra những vùng khó khăn nên mâu thuẫn, không nhận được sự ủng hộ.
Người dân phấn khởi cấy lúa trên thửa ruộng rộng lớn, bằng phẳng. |
Hay tích tụ đất đai chẳng hạn. Thử hỏi tại sao doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cứ loay hoay mãi vì không gom được đất? Đến mức có những điển hình rất tốt, gom được cả nghìn ha như ông Huy "chuối" ở Long An lại phải làm theo kiểu lách luật, cho dù ông ấy đang làm lợi rất nhiều cho những người nông dân chuyển đất cho mình. Bởi vì cho tới bây giờ chúng ta vẫn chưa thừa nhận thị trường đất đai trong nông nghiệp, chưa coi đất là tài sản của người nông dân… nên chưa thể tích tụ được.
“Mình đang kêu gọi doanh nghiệp vào nên cũng đừng sợ họ nhiều đất, sợ miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho họ nhiều quá. Giả sử họ được phép mua đất nông nghiệp đi chăng nữa thì khi mua tiền đầu tư ban đầu quá lớn, tiền lãi họ phải chịu hơn hẳn tiền thuế nông nghiệp phải chịu chứ”, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng. |
Thực tiễn, phương thức khả thi nhất, phổ biến nhất hiện nay là liên kết tập trung. Tôi, anh và nhiều người khác cùng làm một sản phẩm trên một vùng đất, liên kết với nhau, hoặc doanh nghiệp, HTX đứng ra đầu tư giống, vật tư và thu mua sản phẩm, nông dân góp đất hoặc vốn…
Nhưng pháp lý đi theo hình thức này lại không đảm bảo. Không có gì ràng buộc giữa sự liên kết này để bắt người ta nghiêm túc nên mới có tình trạng được mùa, được giá dân bán ra ngoài hết, mất mùa mất giá mới bán cho doanh nghiệp liên kết. Ngược lại, khi xảy ra mâu thuẫn, kiện cáo, thông thường chính quyền đứng về phía doanh nghiệp nên người dân họ rất ngán.
Yếu tố thứ hai là lao động. Từ 10 năm nay chúng ta tập trung đào tạo rất nhiều cho nông dân, nhưng thực tế cần phải nhìn thẳng là đa phần chưa đào tạo được cái doanh nghiệp họ cần. Nói cách khác, sau 10 năm có chính sách đào tạo thì nông dân Việt Nam vẫn thiếu chuyên nghiệp trong chính nghề nông của mình.
Thứ ba là khoa học công nghệ, một trong những mục tiêu cần thiết của khoa học công nghệ cao phải tiếp cận được công nghệ mới, tuy nhiên trong một thời kỳ dài Việt Nam gặp phải vấn đề “cũ người mới ta”.
Ngoài 3 yếu tố căn cơ đang có những rào cản nhất định đó thì giai đoạn hội nhập đòi hỏi những thông tin thị trường và vấn đề minh bạch thị trường cần phải có. Với thực tế hiện nay có thể khẳng định thị trường chúng ta vẫn chưa minh bạch. Thực trạng thằng giả phá thằng thật tràn lan. Phân bón giả, giống giả, thức ăn chăn nuôi giả, thuốc bảo vệ thực vật giả, bẩn thì bảo sạch... Chính vì không minh bạch thị trường, yếu tố quản lý nhà nước về thị trường yếu cho nên lòng tin của người tiêu dùng đối với nông sản Việt Nam trong một thời gian dài rất hoang mang.
Đấy là những thách thức thực sự mà các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp phải đối mặt. Chúng ta cứ nói quan trọng ở đâu, khuyến khích ở đâu chứ những cái rất quan trọng và rất cụ thể lại không thấy làm. Đó là những vấn đề theo tôi là then chốt.
Thưa ông, từ câu chuyện vai trò kinh tế tư nhân đã được khẳng định và vai trò của nông nghiệp lớn dần lên sau những đóp góp về GDP, về giá trị xuất khẩu và vai trò bệ đỡ của nền kinh tế... Tiềm năng, lợi thế được phân tích rõ, liệu rằng, về chính sách cần những sự đầu tư mạnh mẽ hơn, sau một thời gian dài lép về so với những lĩnh vực khác?
Trong những năm qua Đảng và Nhà nước rất cố gắng để thay đổi chính sách theo hướng ngày một tốt hơn cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, tôi ngồi với nhiều doanh nghiệp, họ nói rằng có nhiều chính sách chưa đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của họ. Bởi vì bên cạnh chính sách phát triển, sự định hướng thì cần quan tâm những vấn đề cụ thể, đặc biệt là các lĩnh vực chủ lực mũi nhọn. Nông nghiệp càng cần những đặc thù.
Xây dựng được chủ lực rồi nên tập trung chính sách định hướng phát triển. Đôi khi chúng ta phải nhìn ra các nước để học hỏi họ làm.
Cần có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (Ảnh minh họa). |
Ví dụ chính sách phát triển mây tre đan của Trung Quốc chẳng hạn. Họ đề ra chính sách chỉ cho 2 tỉnh phát triển mây tre đan. Chính sách chỉ 2 dòng. Một là miễn thuế 100% cho bất cứ ai sản xuất mây tre đan, kể cả xuất khẩu. Hai là những doanh nghiệp nào sử dụng nhập khẩu máy móc thiết bị nông nghiệp công nghệ cao thì nhà nước giảm lãi suất ngân hàng 50% trong 10 năm đầu. Tức là cần phải có những ưu đãi thiết thực, ưu đãi đúng cái doanh nghiệp cần chứ đừng đưa ra quá nhiều mà không được gì.
Phải lựa chọn được những vấn đề cần đầu tư có tác động cho cả lĩnh vực đó. Chúng ta thử mạnh dạn hỗ trợ một số lĩnh vực cho các doanh nghiệp, gọi là hậu đầu tư. Nhiều doanh nghiệp hiện nay có những viện nghiên cứu để phục vụ cho chính họ. Họ không xin xỏ gì vì biết xin rất khó khăn, thủ tục hành chính loằng ngoằng… Mình thử đầu tư xem, khi họ thành công rồi chỉ cần kiểm tra xem xét cái gì tự nghiên cứu, cái gì chuyển giao bên ngoài vào. Thực ra mình có rồi nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được, chưa hiệu quả. Hãy nghe thêm doanh nghiệp về những chính sách. Có tiền không lấy được, hoặc lấy 1 đồng mất 6 - 7 hào rồi.
Tôi có hỏi một số chuyên gia Trung Quốc là tại sao bên họ có các chính sách đưa doanh nghiệp đi nước ngoài nhiều thế, họ trả lời, đưa đi để các doanh nghiệp biết đến bây giờ chúng ta đang đứng ở đâu, đã làm được những cái gì, phải học hỏi gì, phải phát huy gì, đi như thế nào… Cần phải tạo ra những doanh nghiệp đầu đàn, hạt nhân, lâu nay chúng ta hay đi hàng ngang quá.
Nhiều người nói, làm nông nghiệp rủi ro cao, đòi hỏi sự đầu tư dài hơi, lợi nhuận thấp nên không có chuyện đánh quả như công nghiệp hay đô thị. Nhưng nếu nói về an sinh xã hội, về quyền lợi người nông dân thì có lẽ nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư đảm bảo nhất, thưa ông? Bởi thực tiễn cho thấy công nghiệp, đô thị, hoành tráng đi nào chăng nữa thì vẫn đầy rẫy “dân oan”, đầy rẫy những khiếu kiện…?
Chắc chắn là như vậy. Nhìn tổng thể cả quốc gia, tâm lý, trách nhiệm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang còn rất hạn chế. Chính quyền các địa phương, trong nhiều năm trước đi kêu gọi đầu tư bao giờ cũng vậy, chủ yếu là công nghiệp, bất động sản, đô thị, còn nông nghiệp thì rất ít. Bằng chứng rõ ràng nhất là khi phát triển công nghiệp, khu công nghiệp, đô thị, khu đô thị… địa phương nào cũng có trung tâm quỹ đất cả, nhưng riêng nông nghiệp thì không.
“Thương hiệu một doanh nghiệp có thể làm rạng rỡ một quốc gia. Ta hay làm ngược, xây dựng thương hiệu quốc gia. Chỉ có điều, trong câu chuyện xây dựng thương hiệu, đến bây giờ thế nào là hàng Việt Nam còn chưa định được, lạ lùng đến thế là cùng”, ông Hồ Xuân Hùng. |
Chúng ta thử nhìn kỹ mà xem, nền tảng của Đảng ta trong suốt cả thời kỳ xây dựng, bảo vệ đất nước này vẫn là liên minh công nông và trí thức. Cho tới bây giờ, với tư cách là một người con nông dân tôi phải nói thật, giai cấp nông dân vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi nhất. Xu hướng phát triển thế giới đương nhiên là giai cấp nông dân ngày một giảm đi, công nhân ngày một tăng lên. Nhưng bài toán là làm sao đời sống người nông dân cũng phải được nâng lên, làm sao để họ muốn sống ở quê hương họ.
Rất nhiều nước trong quá trình phát triển chịu hậu quả rất lớn, nông thôn hoang vắng nhưng sau đó họ nhìn nhận và có những chính sách tái thiết nông thôn để thực hiện mục tiêu “ly nông bất ly hương”.
Để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh thì cũng cần phải giải quyết được vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi” đó. Để làm sao nông dân có chốn sớm đi chiều về thay vì lao ra phố vạ vật.
Thực tế là chúng ta đã từng có những chính sách rất lớn về đào tạo nghề, chính sách giảm lao động trong nông nghiệp, chính sách hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển sản xuất... Chúng ta cũng đang ở trong một giai đoạn “dân số vàng”… nhưng thực tế là nông thôn bây giờ vắng hoe vắng hoét. “Dân số vàng” chạy vạy vay mượn để xuất khẩu lao động như bước đường cùng, nhan nhản những vụ tai nạn thương tâm phải bỏ mạng xứ người trong khi doanh nghiệp vẫn phải đi thuê lao động có tay nghề nước ngoài…? Ông nói rằng “nông dân vẫn thiếu chuyên nghiệp”, rõ ràng, nhưng không thể phủ nhận lỗi chính sách, thưa ông?
Hơn 10 năm trước, khi xây dựng Nghị quyết về nông nghiệp - nông dân - nông thôn chúng tôi thảo luận khủng khiếp về vấn đề này. Tôi báo cáo với ông Nguyễn Sinh Hùng là dứt khoát đến năm 2020 phải giảm lao động xuống còn 30%. Bằng mọi giá phải cơ giới hóa để rút lao động ra khỏi nông nghiệp, đưa ngành nghề khác vào để giảm bớt số lượng nông dân trên những cánh đồng.
Thực tế, không một đất nước nào nông dân đông như ở mình. Quốc gia nào cũng vậy thôi, muốn phát triển đều phải giảm lao động trong nông nghiệp. Nhìn Mỹ mà xem, một nền nông nghiệp tầm cỡ như họ nhưng chỉ chưa đầy 5% dân số là nông dân.
Đúng là trước đây chúng ta nói rằng đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp, tuy nhiên, mấy năm nay ít ai nhắc đến vấn đề này nữa rồi.
Đúng là chúng ta từng có chính sách đào tạo nghề tốn rất nhiều tiền của nhưng như tôi đã nói là nông dân vẫn thiếu chuyên nghiệp trong chính nghề nông.
Một con bù nhìn của vụ trước còn sót lại trên thửa ruộng hoang ở xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh, Phú Thọ). |
Cần phải quan niệm lại lao động nông nghiệp. Trước đây là lão nông tri điền còn bây giờ phải thanh nông tri điền. Trước sự phát triển của KHCN như hiện nay thì phải đào tạo cho họ những cái họ đang thiếu thật. Không thể một xã đào tạo mấy chục người thiến lợn, mấy chục người sửa xe máy nữa, đó chỉ là cách làm theo kiểu tiêu tiền Nhà nước thôi. |
Giải pháp rút lao động trong nông nghiệp của chúng ta là đưa công nghiệp về nông thôn, công nghiệp hóa hiện đại hóa nền nông nghiệp. Giải pháp đúng, nhưng chúng ta vẫn luôn nhầm lẫn việc đô thị hóa nông thôn và phát triển đô thị trong nông thôn. Chúng ta lấy đất làm đô thị rất nhiều, xây dựng các khu công nghiệp khu đô thị ở nông thôn cũng rất nhiều. Việc xây dựng đô thị trong lòng nông thôn, cụm công nghiệp trong lòng nông thôn, xây dựng phố trong làng… để rồi sau đó tách ra khỏi nông thôn, để không còn là nông thôn nữa.
Và cũng không nên nhầm lẫn giữa rút lao động khỏi nông nghiệp với ra khỏi nông thôn. Không rút người ta cũng đi hết rồi. Có hộ khẩu đăng ký đấy thôi nhưng có ở đâu. 10 năm rồi chúng ta nói nhiều đến thành tích như vậy nhưng sao ruộng vẫn bỏ hoang, sao nói nông thôn đẹp, nông thôn trù phú thế mà lại hoang vắng?
Có những mục tiêu không thành và bị lờ đi như thế thì liệu chúng ta có tiếp tục đề ra mục tiêu nữa hay không? Hay lại phải thay đổi?
Năm ngoái tôi 2 lần sang Mỹ, làm việc với 2 viện, trường khác nhau để tìm câu trả lời họ đào tạo nông dân thế nào, mục tiêu đào tạo cuối cùng của họ là gì.
Nhìn tổng thể, cơ bản nông nghiệp có những nét tương đồng, nhưng chính sách khác nhau đã tạo ra những kết quả khác nhau. Nhà nước họ đào tạo nông dân trở thành chủ doanh nghiệp nông nghiệp và chủ trang trại chứ không đào tạo nông dân trở thành... người nông dân như chúng ta.
Ở họ, việc đào tạo nông dân trở thành người làm thuê là vai trò của các doanh nghiệp.
Từ thực tiễn này có thể thấy rõ, những chính sách tích tụ, tập trung đất đai chưa chắc đã là nhu cầu của người nông dân mà là nhu cầu của doanh nghiệp. Trong bối cảnh có quá nhiều ràng buộc khiến người nông dân không thể lớn do họ không đủ tích lũy (tiền bạc, kiến thức…) thì chỉ đến khi đào tạo người nông dân trở thành chủ doanh nghiệp thì lúc đó những chính sách cho doanh nghiệp mới phù hợp với họ.
Trở lại vấn đề đất đai, yếu tố căn cốt đấy, chỉ có cách luật pháp thừa nhận quyền tài sản về đất đai của người dân để từ đó hình thành nên thị trường và hoạt động theo cơ chế thị trường. Đây không phải là sở hữu đất đai mà là sở hữu quyền sử dụng. Đất đai vẫn là sở hữu nhà nước nhưng tôi có quyền bán quyền sử dụng cho người có nhu cầu theo thỏa thuận và không bị giới hạn bởi hạn điền.
Xin cảm ơn ông!
Rõ ràng càng ngày người ta càng thấy lợi thế của Việt Nam là nông nghiệp và đất đai sẽ là được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người có tiền. Vì vậy chính sách cần phải thay đổi để giải quyết được các thực trạng doanh nghiệp phải sử dụng những giải pháp bất đắc dĩ để gom đất, không lách luật thì không phát triển được… Tất nhiên kèm theo đó là những chế tài để kiểm soát, xử lý những “ông chủ” mua đất, ôm đất, giữ đất và bỏ hoang hoặc chờ thời để chuyển mục đích. Giải quyết tình trạng những người không muốn sản xuất, để hoang ruộng nhưng vẫn không thể chuyển nhượng vì chính sách chưa có. Nếu không giải quyết được vấn đề này là một sự lãng phí vô cùng về tài nguyên của quốc gia này. Ông Hồ Xuân Hùng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn