Trong quá trình đô thị hóa, nông thôn và đô thị là một tổng thể không thể tách rời, bổ trợ nhau trong quá trình phát triển.
Theo các chuyên gia, Hà Nội có nhiều vùng nông thôn gắn liền với các làng nghề truyền thống, do vậy, quá trình quy hoạch phát triển cần phải tránh những làng nghề và không xen lấn việc xây dựng đô thị với làng nghề truyền thống.
Đô thị hóa tất yếu để phát triển
Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, quá trình đô thị hóa được coi là tất yếu của phát triển. Trong quá trình đô thị hóa, Hà Nội đã chứng kiến sự mất đi của những làng nghề truyền thống, điển hình có thể kể đến là làng Ngọc Hà, do nằm trong khu đô thị lõi.
Những làng nghề từ vành đai 3 trở ra cần phải được bảo tồn toàn ven (Ảnh: Lê Bích) |
Nếu như Hà Nội chỉ là một trung tâm hành chính thì sẽ “sống” dựa hoàn toàn vào nguồn ngân sách của Nhà nước. Vì vậy, phát triển kinh tế được coi là yếu tố then chốt để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, muốn vậy phải đẩy nhanh quá trình đô thị hóa để kinh tế mới phát triển.
Trong định hướng phát triển của Hà Nội bao hàm nội dung “văn hiến” nó là những giá trị văn hóa truyền thống đã tồn tại theo suốt chiều dài lịch sử hơn 1000 năm của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Ngay cả khi yêu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao, không gian đô thị hóa ngày càng lan tỏa thì Hà Nội vẫn phải giữ lại những nét văn hóa truyền thống.
Thực tế đã chứng minh, quá trình đô thị hóa đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, chỉ số kinh tế tăng trưởng đều theo các năm, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng nhanh. Bộ mặt kiến trúc đô thị đã có nhiều thay đổi, những thay đổi này phải nhìn một cách tổng thể, chứ không thể đứng riêng ở một khu vực một góc độ để đánh giá.
"Quá trình đô thị hóa nó phải “ôm” làng lại. Nhưng “ôm” lại không có nghĩa là phá bỏ nó đi mà làng và đô thị nó tràn vào với nhau." - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính |
“Thủ đô Hà Nội có đặc trưng riêng biệt so với nhiều Thủ đô trên thế giới, sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội có rất nhiều làng nghề truyền thống như làng dệt, làng đúc đồng, làng chụp ảnh, làng mộc, làng rèn… Những làng nghề mang tính truyền thống như vậy rất cần phải giữ gìn, cần phải có những quy hoạch cụ thể để tránh sự xâm lấn của đô thị hóa vào những làng nghề này” - ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh. Phát triển hạ tầng để… giữ làng
Theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 diện tích đất xây dựng đô thị chỉ chiếm khoảng 28,3% diện tích với gần 95.000 ha tăng hơn 22.000ha so với hiện nay và vẫn còn gần 65.000ha đất xây dựng nông thôn. Trong tổng số dân Thủ đô 9,0 – 9,2 triệu thì chỉ khoảng 65 – 68% sống trong đô thị còn lại sống trong các điểm dân cư nông thôn.
Làng lồng chim Canh Hoạch (còn gọi là làng Vác) nằm ở phố Vác, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội 30km về phía Tây Nam. Ảnh: NSNA Văn Phúc – Ngọc Văn (CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội). |
Thực tế này cho thấy để đô thị phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt, có kiến trúc tiên tiến giàu bản sắc, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, khu vực và quốc tế thì vấn đề cần được quan tâm không chỉ là nội đô mà cần nghiên cứu định hướng cho phát triển các điểm dân cư nông thôn trong mỗi đô thị.
Ông Trần Ngọc Chính nhìn nhận: Các làng nghề từ khu vực Vành đai 3, đặc biệt là Vành đai 3,5 trở ra, việc phát triển như thế nào thì đã có quy hoạch rồi. Do đó những làng nghề truyền thống trong khu vực này thì không nên đưa đô thị hóa vào nó sẽ làm biến mất những làng nghề này.
Hiện nay, Hà Nội và cả nước đang thực hiện chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bao gồm việc thực hiện cả quy hoạch xây dựng kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa mới, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để tạo lập tổng thể đô thị phát triển bền vững, mang đến sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.
"Muốn để cho các làng nghề được tồn tại cần phải đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được tốt hơn, các làng nghề truyền thống vùng nông thôn nếu trước đây từng nhà thì bây giờ tạo thành từng cụm để tập trung sản xuất và có thể giải quyết được những vấn đề về hạ tầng đi kèm. Trong quá trình phát triển, nông thôn và đô thị là tổng thể không thể tách rời, nhưng phải biết tạo dựng sự hài hòa giữa làng nghề với đô thị hóa” - ông Trần Ngọc Chính nói.