Đây là nhận định của ông Lê Kỳ Anh, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU vừa được tổ chức hồi cuối tháng 7/2019.
Theo ông Lê Kỳ Anh, EU đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Riêng sản phẩm tôm sang EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra chiếm 11% và 30-35% tỷ trọng các mặt hàng hải sản khác.
Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực..) sẽ được giảm thuế nhập khẩu ngay về 0% từ mức 20%. Các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh hiện chịu mức thuế 6-8%, cá cờ kiếm đang từ 7,5%, cá tra đang có mức thuế 9%, sẽ đều được giảm về 0% với lộ trình 3 năm.
Ngành nông, thủy sản sẽ trở thành sân chơi thu hút doanh nghiệp châu Âu hợp tác đầu tư.
Đối với ngành rau quả, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…
Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Như vậy, mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysai, Indonesia…
Bởi những lợi thế to lớn mà EVFTA cam kết mang lại cho Việt Nam trong nhóm ngành hàng nông, thủy sản như trên, đây sẽ là sân chơi hấp dẫn các doanh nghiệp trong khối EU tìm tới những công ty, doanh nghiệp Việt Nam có uy tín, trách nhiệm, làm ăn nghiêm túc để hợp tác, đem lại lợi ích cho cả hai phía.
Ông Lê Kỳ Anh cho biết: Hiện tại, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp chưa lớn; doang nghiệp, nông dân Việt Nam cần nhiều hơn nữa các kỹ năng, công nghệ, phương thức quản lý để đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Vì vậy, rất cần bắt tay với các doanh nghiệp uy tín trong thị trường EU đầu tư công nghệ, máy móc, quản trị hợp tác mạnh mẽ ở lĩnh vực này.
Doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài (Ảnh:)
Các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm; Cần xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nuôi trồng, chế biến và phân phối.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cần chủ động áp dụng công nghệ tự động hóa, sẽ giúp kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc, tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền chế biến sâu, tăng giá trị cho sản phẩm, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tác động có lợi của EVFTA không chỉ dừng ở thuế quan mà còn lan tỏa, giúp ích cho sự trưởng thành của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt Nam có khả năng quản lý tốt hơn, nâng cao trình độ của lao động Việt Nam, đặc biệt khi được hợp tác với các đối tác dày dạn kinh nghiệm và uy tín của thị trường lớn như EU.
Theo Phương Thảo/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/nong-thuy-san-co-thue-suat-0-thu-hut-doanh-nghiep-chau-au-1006306.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn