Một vườn cà phê chờ thu hoạch. Ảnh: Ngọc Hùng |
Trong thời quan qua, các hiệp hội ngành hàng nông, thủy sản liên tiếp có những kiến nghị được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) để giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và giảm được những doanh nghiệp xuất khẩu “ma” được lập ra để sống nhờ vào việc hoàn thuế VAT.
Vì thế, mới đây Bộ Tài chính đã cócông văn số 385/BTC-CST gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc miễn, giảm thuế VAT cho doanh nghiệp. Lý do để Bộ Tài chính có công văn này là do trước đó vào cuối tháng 12-2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều khoản của Luật thuế giá trị gia tăng.
Trước thông tin này, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu cà phê (không muốn nêu tên) nói rằng, nếu căn cứ trên những câu chữ của công văn 385, doanh nghiệp sẽ hiểu là nông dân trồng cà phê, hồ tiêu, hạt điều thô khi bán cho doanh nghiệp thì không phải chịu thuế VAT.
Tuy nhiên, theo ông này, vấn đề bây giờ là phải định nghĩa thế nào là nông sản thô để hiểu xem cà phê mới thu hoạch là sản phẩm thô hay hạt cà phê đã được phơi, tách vỏ có phải sản phẩm thô hay không. “Theo tôi, trong công văn 385 vẫn còn mập mờ nên tôi đã cho nhân viên hỏi cơ quan thuế nhưng được trả lời phải chờ hướng dẫn tiếp theo”, ông nói.
Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) lại hiểu rằng, nếu xét trên tinh thần của công văn là những sản phẩm thô, sơ chế sẽ không phải đóng thuế VAT, tức là với những sản phẩm như hạt điều thô, hạt điều tách vỏ lụa sẽ không chịu thuế VAT nhưng sau đó hạt điều được chế biến thành sản phẩm có giá trị gia tăng ở dạng hạt điều rang muối, tẩm mật ong thì phải chịu 5% thuế VAT.
Ông Giang cho rằng, việc không thu thuế VAT cho những sản phẩm nông sản, thủy sản thô, sơ chế thô ít nhiều giúp doanh nghiệp và nhà nước giảm đi được một nguồn lực đáng kể vì lâu nay doanh nghiệp phải nộp thuế VAT trước rồi sau khi xuất khẩu sẽ được hoàn lại thuế. Còn nay, miễn luôn thuế VAT thì cả doanh nghiệp và nhà nước sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn trong các thủ tục vì không còn phải trải qua hai khâu thủ nộp và hoàn thuế VAT nữa.
Theo quy định hiện hành, các sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu điều được miễn thuế VAT nhưng doanh nghiệp phải nộp thuế trước và chỉ được hoàn thuế này sau khi đã xuất khẩu nông sản đi.
Theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), chính việc thu trước và hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sau khi xuất khẩu nên trong thời gia qua đã xảy ra hiện tượng một số doanh nghiệp lợi dụng khe hở này để lập ra những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản “ma” để được hưởng lợi từ việc hoàn thuế VAT.
Đơn cử, tại một cuộc họp với Vicofa vào cuối năm 2013, một cán bộ của Sở Công Thương Đăk Lăk cho biết, thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chỉ tồn tại trên giấy tờ và sống nhờ hoàn thuế VAT, còn khi cơ quan thuế đi xác nhận địa chỉ đăng ký kinh doanh mới phát hiện doanh nghiệp này không tồn tại và văn phòng kinh doanh là một tiệm rửa xe máy trong một con hẻm.
Theo vị này, lâu nay doanh nghiệp này được hoàn thuế VAT nhờ các chứng từ, hóa đơn giả chứ không có hoạt động xuất khẩu nào nhưng vẫn được hoàn thế VAT dựa trên con số xuất khẩu cà phê trên giấy tờ nộp lên cho cơ quan thuế.
Ngọc Hùng - Thái Hằng
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn