Một thế hệ nữ nông dân trẻ tuổi đang quyết tâm hiện đại hóa các trang trại trong bối cảnh nền nông nghiệp Úc đối diện với nhiều thay đổi.
Từ nhiều năm nay, biến đổi khí hậu và sự phát triển công nghệ kỹ thuật khiến nền nông nghiệp Úc, nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới và đang nuôi kỳ vọng trở thành “kho thực phẩm” của thị trường châu Á - Thái Bình Dương, phải tìm cách thay đổi. Mô hình trang trại được quản lý theo kiểu cha truyền cho con trai với các phương pháp canh tác truyền thống không còn phù hợp. “Việc vận dụng công nghệ mới rất quan trọng để nước Úc duy trì khả năng cạnh tranh trong ngành nông nghiệp toàn cầu. Nếu chúng ta không vận dụng công nghệ mới, chúng ta nên từ bỏ tham vọng trở thành kho thực phẩm của châu Á”, tờ The Sydney Morning Herald dẫn lời chuyên gia Luke Matthews của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nhận định.
Trong bối cảnh đó, nhiều nông trang trở thành đất dụng võ cho những cô gái trẻ được đào tạo bài bản và luôn nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ mới hướng đến nền nông nghiệp hiện đại hóa và phát triển bền vững.
Vượt qua thách thức
Một trường hợp điển hình là Anika Molesworth (29 tuổi), nghiên cứu sinh đang bảo vệ luận án tiến sĩ về khoa học khí hậu nông nghiệp. Hiện cô vừa làm giảng viên về phát triển nông nghiệp bền vững vừa nỗ lực phát triển nông trại 4.000 ha ở ngoại ô TP.Broken Hill, bang New South Wales. Theo tờ The Guardian, ban đầu sống ở TP.Melbourne, gia đình Molesworth mua nông trại vào năm 2000 rồi chuyển về Broken Hill lập nghiệp, nhưng không may, đó lại là thời điểm bắt đầu đợt đại hạn hán kéo dài suốt 10 năm. “Chúng tôi từng nghĩ là đâm đầu vào chỗ chết khi chứng kiến hạn hán kéo dài, đất đai nứt nẻ và các hồ nước bốc hơi. Tất cả nông dân ở Broken Hill đều phải hứng chịu hậu quả”, Molesworth kể. Tuy nhiên, cô nông dân trẻ vẫn không nản chí và tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ, giống gia súc mới, thiết lập dây chuyền tự động hóa… để vượt qua thách thức. Hiện cô đang thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) để thay thế chó chăn cừu truyền thống. “Chúng tôi đang nghiên cứu để tận dụng UAV trong chăn nuôi, điều khiển thiết bị theo dõi vị trí đàn cừu và dê”, Molesworth nói với The Guardian. Cô còn vừa thành lập khu bảo tồn tự nhiên chuyên nghiên cứu và cung cấp giống cừu châu Phi được lai tạo phù hợp với điều kiện môi trường ngày càng khắc nghiệt.
Theo các chuyên gia, những phụ nữ trẻ như Molesworth đang đóng vai trò then chốt trong nông nghiệp. Số liệu thống kê của chính phủ Úc cho thấy gần 50% thu nhập của các nông trang cả nước là nhờ đóng góp của phụ nữ. Tỷ lệ nữ giới đăng ký học ngành nông nghiệp bậc đại học đã vượt qua nam giới kể từ năm 2003 và họ thật sự đang mang lại làn gió mới cho ngành nông nghiệp Úc. Phần lớn các nông trại do nữ điều hành đang ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh để vẽ bản đồ đất đai, qua đó quyết định giải pháp canh tác tối ưu và được kỳ vọng có thể giúp tăng đến 14% sản lượng.
“Vô hình”
Bà Lynne Strong, nhà sáng lập Tổ chức Art4Agriculture chuyên khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ dấn thân vào nghề nông, thuộc thế hệ thứ sáu của một dòng họ nông gia truyền thống nhưng là phụ nữ đầu tiên của gia đình tiếp quản nông trại. Bà cho biết bất chấp xu hướng mới, truyền thống trọng nam trong nông nghiệp vẫn còn đè nặng tại Úc và đóng góp của phụ nữ vẫn chưa được công nhận xứng đáng.
Tương tự, bà Liza Dale-Hallett, điều phối viên dự án “Người nông dân vô hình” ở bang Victoria, nhận định: “Thật đáng tiếc khi phụ nữ đóng vai trò quan trọng nhưng trong mắt đa số thì họ vẫn chỉ là những nông dân vô hình. Gương mặt đại diện in trên bao bì sản phẩm từ các nông trại vẫn là của cha hay anh họ”.
Dù vậy, The Guardian dẫn lời cô nông dân trẻ Katrina Sasse ở bang Tây Úc cho rằng tình hình chắc chắn sẽ thay đổi vì ngày càng nhiều con trai các gia đình làm nông truyền thống bỏ lên thành phố lập nghiệp và vai trò quản lý chủ chốt toàn bộ nông trại gia đình do em hay chị gái họ gánh vác. Sasse, 29 tuổi, vừa giành được học bổng Học giả nông nghiệp Nuffield năm 2017 để nghiên cứu chuyên sâu về vai trò thủ lĩnh của phụ nữ đối với sự tồn vong của trang trại.
Dù có sự nghiệp thành công tại một ngân hàng khuyến nông, nhưng cô đã bỏ việc về tiếp quản 4 nông trại của gia đình, với tổng diện tích 8.200 ha. “Tôi không thể làm việc nặng như cha và anh trai. Thế nhưng mỗi người một việc và tôi đóng góp kinh nghiệm quản lý, nhất là về tài chính và ứng dụng công nghệ mới, chẳng hạn các loại máy móc để thu hoạch”, Sasse chia sẻ.
Mặt khác, theo chuyên gia Strong, thế hệ nữ nông dân trẻ có xu hướng đam mê công việc, không ngừng nghiên cứu và sáng tạo, chứ không chỉ đơn giản là “làm việc kiếm tiền”.
Phúc Duy/ Thanh niên