Quý lợn như bạn
Giữa trưa, anh Phạm Văn Hội ở thôn Địch Trong, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) ngồi yên lặng như pho tượng, bỏ cả cơm. Đứa con gái lớn của anh muốn động viên bố, nhưng không biết dùng từ ngữ nào cho phải, nên chỉ hỏi nhỏ: “Lợn nhà mình đâu rồi?”. Với cô bé, cuộc sống chỉ quanh quẩn ở nhà, những con lợn cũng được coi là bạn.
Anh Tiến đau xót khi đứng trong chuồng lợn 198 con đợi tiêu hủy. Ảnh: G.T
Hiện, các hộ có lợn bị tiêu hủy bởi dịch tả châu Phi được hỗ trợ bằng cân với tối thiểu 80% giá thị trường. Các địa phương căn cứ vào giá thực tế tại địa phương vào thời điểm hỗ trợ để xác nhận mức hỗ trợ cụ thể. Mức hỗ trợ cho lực lượng tham gia tiêu hủy lợn bị bệnh bằng với mức thuê nhân công ở địa phương có thể nâng lên 300.000 - 500.000 đồng/người/ngày. |
Uống ngụm nước như còn mắc nghẹn, sau nhiều phút bình tĩnh, anh Hội vào câu chuyện: “Tôi làm đủ thứ nghề từ gò hàn đến xây dựng, nhưng tất cả mọi công việc đều phải xa gia đình. Vì mẹ già ốm, con cái lại không được khôn ngoan nên quyết định quay về nuôi lợn. Đợt dịch này nhà tôi bị tiêu hủy 33 con, trong đó có 10 con lợn cà (lợn đực lấy giống) chuyên đi lấy giống cho bà con trong vùng. Mỗi con lợn cà trị giá hơn 40 triệu đồng. Người ta bảo ngu như lợn, nhưng tôi thấy loài vật này rất khôn, mình nói gì nó hiểu và làm theo hết”.
Gia đình anh Hội làm nghề nuôi lợn phối giống rất uy tín ở địa phương, có lúc đàn lợn giống lên đến 16 con. Chú lợn nào được lựa chọn đi làm nhiệm vụ gieo tinh đều rất thành thục, chỉ cần mở chuồng ra, vỗ vào mông là tự biết đi ra, tìm đúng xe kéo của nhà rồi trèo lên nằm im. Anh Hội chỉ việc ra đóng nắp xe, rồi kéo những anh lợn cà đi gặp nhà gái đã liên hệ sẵn. Mỗi lần đi phối giống, gia chủ trả công cho anh Hội 100.000 đồng. Xong việc, lợn lại trèo lên xe, nằm im đợi chủ đưa về nhà dưỡng sức.
Bất kể chú lợn cà nào mua ở trại giống về, sau 9 tháng khi đạt trọng lượng từ 90kg trở lên là đến độ tuổi gieo giống, cứ vào tay anh Hội chỉ độ 3 tháng là sẽ thành những chiến binh gieo giống cho đàn lợn của vùng. Nhưng để làm được tất cả những việc đó, anh Hội phải chăm sóc những chú lợn của mình rất cẩn thận, hàng ngày phải tắm rửa vệ sinh, nơi nằm phải bằng phẳng, thời gian nghỉ ngơi của lợn sau mỗi lần làm việc được anh đặc biệt chú ý.
Anh Hội cho biết: “Cách cho lợn đực giống ăn rất quan trọng, ngoài chế độ ăn bình thường, lợn còn được bồi dưỡng thêm trứng gà, giá đỗ để nâng cao chất lượng tinh trùng, đảm bảo tỷ lệ phối giống đạt kết quả cao”.
Sau khi say sưa kể những con lợn mà mình nuôi đến thuộc cả tính cả nết, anh Hội nói: “Từ hôm nhận kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn của gia đình, tôi không ăn không ngủ được. Sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi lợn cà, bây giờ phải tiêu hủy cả đàn, tôi xót xa vô cùng. Lúc người ta dùng kích điện hạ gục những con lợn mà mình ngày đêm chăm sóc, tôi đau không dám nhìn, phải bỏ đi chỗ khác để đoàn công tác làm việc. Họ cân lợn thế nào tôi cũng mặc kệ, mong họ làm thật nhanh để khỏi phải nhìn thấy cảnh lợn nhà mình bị đưa xuống hố chôn”.
Với việc tiêu hủy 10 con lợn cà, anh Hội nhẩm tính với giá thị trường bây giờ anh thiệt hại gần 500 triệu đồng. Cùng với đàn lợn nái nữa, gia đình anh mất khoảng 800 triệu đồng vì dịch. Cộng với số tiền anh nợ của đại lý cám lên đến con số vài trăm triệu chưa biết bao giờ anh trả được.
“Giam mình cùng đàn lợn”
Hàng xóm nhà anh Hội, anh Trần Văn Tiến (51 tuổi) mới được kiểm đếm 192 con lợn để tiêu hủy. Vẫn còn nguyên vẻ thất thần, anh Tiến nói: “Bình thường nếu lợn nhà tôi chưa bị dịch, không ai có thể vào được khu vực này, vì chúng tôi đều là những hộ chăn nuôi có ý thức giữ cho nhau lắm. Tuy là anh em chòm xóm, nhưng từ khi xảy ra dịch lợn tả châu Phi, chúng tôi bảo nhau, không ai qua lại nhà nhau, ai cũng tự giam mình cùng đàn lợn. Khi đến lịch trực đi rải vôi phòng dịch trong xóm, chúng tôi tự giác đi. Hơn 10 năm làm nghề chăn nuôi lợn với quy mô lớn, trải qua nhiều trận dịch và cả tình hình bão giá, chưa bao giờ chúng tôi hoang mang, kiệt quệ như thế này”.
Nhà anh Tiến nhận phần đất hoang hóa thùng vũng để xây cất lên dãy chuồng lợn quy mô hàng trăm con, tổng chi phí đầu tư lên đến 2 tỷ đồng. Với số tiền lớn như vậy, người ta xây nhà lớn để ở, còn anh Tiến đầu tư hết vào chuồng lợn, con anh và gia đình vẫn sống trong căn nhà lụp xụp.
Chỉ tay vào những vỏ chai nước đang được treo trên nóc chuồng, anh Tiến nói: “Chúng tôi truyền nước trợ lực cho lợn như thế này cơ mà, lợn ốm, lợn mệt là túc trực như con ốm, vì nó là cả cơ nghiệp của mình”. Lúc nhận kết quả lợn dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi, anh không tin vào tai mình vì đã áp dụng tất cả các biện pháp hướng dẫn phòng dịch rồi. Ngay cả khi mỗi lần xe chở cám tới, anh cũng phun tiêu độc khử trùng kỹ mới đưa vào khu vực kho.
Anh Tiến chia sẻ thêm: “Thôi đành động viên nhau đi qua khó khăn này, nếu bỏ chăn nuôi cắt sắt đi bán được 5.000 đồng/kg, đập chuồng đi thì thành đống gạch vỡ nên không để chuồng hoang được. Tuy thua lỗ, chúng tôi vẫn quyết tâm chờ đợi lúc nào được phép thì tái đàn bằng mọi giá. Nhờ chính sách hỗ trợ bà con chăn nuôi của Nhà nước, khi nhận được tiền hỗ trợ, tôi sẽ tiếp tục đầu tư tái đàn”.
Theo Gia Tưởng/ Dân Việt
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn