Trước mắt, có ba trại gà thực hiện dự án này, nhắm đến mục tiêu chăn nuôi bền vững theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nâng cao khả năng cạnh tranh, xúc tiến xuất khẩu thịt gà ra thế giới...
Trại gà GlobalGAP đòi hỏi vận chuyển thức ăn bằng xe bồn và cho thức ăn vào silo để cho gà ăn bằng hệ thống tự động.
Trao “nhân quyền” cho… gà
Trại gà hơn 200.000 con của ông Nguyễn Văn Ngọc, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, là một trong số ba trại nằm trong dự án. Để được BELGA lựa chọn, các trại phải chấp thuận các điều kiện IFC đưa ra, gồm việc chỉnh sửa lại hạ tầng trại, thực hiện các tiêu chuẩn chăn nuôi GlobalGAP. Phần hạ tầng là phức tạp, tốn kém nhất, vì chi phí đội lên khoảng 20%, tương đương 400 triệu đồng/trại công suất 10.000 con.
Theo đó, chủ trại phải xây dựng lại hệ thống nước thải theo hướng an toàn sinh học, giảm triệt để gây ô nhiễm môi trường. Chung quanh trại đổ bêtông, trồng cây xanh. Mỗi trại đầu tư một silo (bồn chứa thức ăn), cho gà ăn bằng hệ thống tự động, không phải bằng tay. Cách vận chuyển thức ăn từ nhà máy về trại phải chở bằng xe bồn trút thẳng vào các silo. Nhà ăn công nhân cũng được xây lại, tách riêng với khu trại. Đặc biệt, mỗi khu trại phải có một lò thiêu, vốn đầu tư tròn 1 tỉ đồng tiêu huỷ xác gà, động vật chứ không làm theo cách truyền thống chôn hoặc cho cá ăn…
Giới chăn nuôi gà trắng công nghiệp “phong” cho ông Nguyễn Văn Ngọc là “cây đa, cây đề” trong ngành này, bởi ông là một trong số người gắn bó với con gà trắng đầu tiên ở Việt Nam. Ấy vậy mà ông kể, khi được nhân viên IFC đến trại thông báo sơ sơ kỹ thuật nuôi gà hướng đến “phúc lợi” cao nhất cho con gà, ông lại cảm thấy quá bỡ ngỡ. Lâu nay, để đạt công suất cao nhất cho mỗi trại gà, các chủ trại như ông Ngọc thường thả mật độ trung bình 15con/m2, nay, tiêu chuẩn GlobalGAP coi đó chẳng khác nào “ngục tù”, yêu cầu giảm xuống 10 con/m2, giúp con gà có sân chơi, có không gian thoải mái trong… “sinh hoạt”. Bên cạnh đó, mỗi chuồng nuôi, phải bố trí các cục rơm tròn, căng dây cách mặt sàn 40cm từ đầu này sang đầu kia lấy chỗ cho con gà bới, bay nhảy, đậu lên các dây. Nói chung là phải thiết kế làm sao để con gà sinh sống giống như tập tính, sở thích tự nhiên vốn có của nó, và sống như trong khách sạn năm sao.
“Vấn đề phúc lợi, sức khoẻ dành cho động vật được đặt ngang hàng với phúc lợi dành cho công nhân, cho cộng đồng chung quanh trại. Đây là một tiêu chuẩn quan trọng mà GlobalGAP quy định!”, ông Ngọc cho biết thêm.
Hướng đến xuất khẩu
Chưa tính khoản đầu tư tăng thêm 20% cho mỗi trại, kinh phí tư vấn kỹ thuật và cấp chứng nhận GlobalGAP mỗi khu hết khoảng 15.000 USD. Phần này do công ty De Heus, liên doanh nắm 49% cổ phần trong BELGA tài trợ.
Trên lý thuyết, chứng nhận GlobalGAP sẽ mang lại những lợi ích: (i) Tăng cường an toàn thực phẩm, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động của các trang trại; (ii) Cải thiện sức khoẻ thú y, hiệu quả hoạt động, và (iii) Tăng cường mối quan hệ hợp tác tiềm năng giữa các trang trại này với các nhà bán lẻ đa quốc gia, chuỗi nhà hàng và các công ty chế biến thực phẩm ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, hiệu quả dự án phụ thuộc vào độ chính xác ở các trại, mặt này, ông Nguyễn Minh Khanh, đại diện công ty De Heus, một trong ba mắt xích trong dự án, chịu trách nhiệm cung cấp thức ăn (BELGA cung cấp con giống) khẳng định việc áp dụng quy trình chăn nuôi GlobalGAP vào các trang trại gà không khó. Bởi các chủ trại, công nhân của ba trang trại trong dự án, công suất khoảng 1,7 triệu con, đã có bề dày kinh nghiệm nuôi gà ở Việt Nam. Ngay cả phần trang trại (có sẵn) cũng được bố trí ở khu biệt lập, đảm bảo vệ sinh môi trường, nên khi thiết kế lại cho phù hợp với tiêu chuẩn GlobalGAP cũng khá dễ dàng. Do đó, dự án chỉ còn bắt tay vào làm và hy vọng sẽ được cấp giấy chứng nhận trong vòng tám tháng tới.
“Kế hoạch của chúng tôi là xuất khẩu đi Nhật và các nước châu Âu”, ông Khanh nói. Mục tiêu của BELGA, như lời ông Khanh công bố, đang có nhiều lợi thế, vì ngày 22.6 vừa qua, cục Thú y Nhật đã có công thư đồng ý cho Koyu & Unitek được xuất khẩu gà vào Nhật. Lâu nay, liên doanh BELGA, De Heus vẫn là đối tác cung cấp gà giống, thức ăn cho hệ thống trang trại gà của Koyu & Unitek. Ngoài ra, De Heus thông qua BELGA cũng cung cấp 50% sản lượng gà lông cho Koyu & Unitek.
“Chúng tôi đang dần hoàn thiện chuỗi liên kết, trong đó BELGA chịu trách nhiệm con giống, De Heus cung cấp thức ăn, nông dân chịu phần trang trại, chăn nuôi, và cuối cùng là Koyu & Unitek đảm nhận đầu ra bằng việc giết mổ gà, chế biến, xuất khẩu”, ông Khanh tâm sự.
Ngành chăn nuôi vẫn đang ngụp lặn với khủng hoảng thịt heo, quả trứng, con gà… Tuy nhiên, với các doanh nghiệp FDI, cơ hội kiếm tiền của họ chưa bao giờ dừng lại. Họ luôn thay đổi để thích nghi, đúng như ông Nguyễn Văn Ngọc nói: trong khó khăn càng phải hoàn thiện, tạo ra sản phẩm có giá trị, có thương hiệu riêng biệt mới có thể cạnh tranh được.
Tác giả bài viết: Bảo Anh
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn