Những trang trại nuôi heo an toàn sinh học vẫn an toàn trong thời điểm dịch tả lợn hoành hành. |
Là chủ trang trại heo quy mô 2.000 con, hơn ai hết, ông Nguyễn Hải Đảo ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), rất sợ đàn heo của mình bị “dính” các loại dịch bệnh trên gia súc, nhất là DTLCP đang hoành hành. Do đó, trong công cuộc chăn nuôi heo quy mô lớn, ông Đảo đã quyết định đầu tư chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo.
“2.000 con heo là tài sản lớn của gia đình, nên tôi luôn phòng dịch từ xa, nhất là khi DTLCP đang xảy ra. Chuồng trại nuôi heo được tôi đầu tư xây dựng bài bản, kiên cố. Hàng ngày, nhân công trước khi đi vào khu vực chăn nuôi tất cả đều phải qua nhiều lượt tiêu độc sát trùng. Các ô chuồng nuôi heo luôn được vệ sinh sạch bóng; nước thải, chất thải chăn nuôi được đưa qua hầm biogas để xử lý. Đàn heo luôn được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin và có chế độ ăn uống hợp lý, đặc biệt là không sử dụng bất cứ một một loại thuốc hoặc chất tăng trọng nào. Nhờ đó, đàn heo kháng được các loại dịch bệnh”, ông Đảo bộc bạch.
Với tổng đàn heo gần 300.000 con, huyện Hoài Ân xác định chăn nuôi heo là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Từ đó, Hoài Ân đã phối hợp cùng ngành chức năng của tỉnh thực hiện vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh quy mô toàn huyện, thu hút trên 29.000 hộ gia đình tham gia.
Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, ngành chức năng huyện này thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TĂCN) cũng như việc sử dụng thức ăn cho gia súc của người chăn nuôi.
“Hiện trên địa bàn huyện có 120 cơ sở kinh doanh TĂCN và rất nhiều chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tự nguyện ký cam kết không mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quy định của Bộ NN-PTNT”, ông Khúc cho hay.
Ông Lê Xuân Quang ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn), cũng là người tâm đắc với hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Do đó, ông đã xây dựng trang trại chăn nuôi heo xa khu dân cư và thực hiện quy trình nuôi khép kín, đồng thời ứng dụng các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi.
Ông Quang cho biết: “Mỗi năm tôi thả nuôi 2 lứa heo thịt, mỗi lứa 1.500 con. Nhờ áp dụng nghiêm túc quy trình đầu tư chăm sóc, nên trang trại của tôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ nuôi heo hơn 200 triệu đồng”.
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương hình thành, phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; vận động người dân và các cơ sở SXKD TĂCN không sử dụng các loại chất cấm.
“Tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình dự án, chúng tôi hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng các công trình khí sinh học biogas để xử lý chất thải chăn nuôi; chuyển giao quy trình kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm vi sinh”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, ngành nông nghiệp Bình Định và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững.
Đơn cử như thỏa thuận hợp tác sản xuất và cung ứng thịt gia súc, gia cầm an toàn thực phẩm giữa Sở NN-PTNT Bình Định và Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng được thực hiện từ năm 2018. Thỏa thuận này nhằm xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm an toàn từ nơi chăn nuôi đến cửa hàng tiêu thụ ở TP Đà Nẵng.
“Trong thời gian qua, DTLCP trên địa bàn Bình Định chỉ tấn công các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các trang trại “hở” chưa đáp ứng đầy đủ các yếu tố an toàn sinh học, những trang trại “kín” với quy mô chăn nuôi lớn và khép kín hiện vẫn được an toàn”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn