Đó là đánh giá tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp “Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi ong tại các tỉnh miền núi phía Bắc”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Cục Chăn nuôi, Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày 10/10.
Nuôi ong VietGAHP không lo đầu ra
Trước khi diễn ra diễn đàn, chiều 9/10, các đại biểu đã đến thăm mô hình nuôi ong của ông Trần Văn Hưng (ở phố Ngọc, xã Trung Minh, TP.Hòa Bình). Hiện ông Hưng sở hữu số lượng đàn ong lớn nhất thành phố, mỗi năm sản xuất vài tấn mật ong đạt tiêu chuẩn VietGAHP.
Ông Trần Văn Hưng giới thiệu cách nuôi ong và sản phẩm từ nuôi ong với đoàn đại biểu tham quan. Ảnh: T.V
"Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng nêu khuyến nghị, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi ong, đặc biệt là các hộ nuôi ong ngoại với mục đích xuất khẩu. Ngoài ra, các địa phương cần khuyến khích hình thành các tổ hợp tác nuôi ong để tập trung cho khai thác hợp lý, lâu dài và hình thành thương hiệu”. Bà Hạ Thúy Hạnh |
Ông Hưng vốn là thợ sửa ôtô có tiếng và kiếm sống rất ổn nhờ nghề này. Tuy nhiên, xuất thân ở nông thôn, yêu thích nghề nông nên ông vẫn luôn đau đáu với việc trồng cây gì, nuôi con gì.
Trong những lúc nhàn rỗi, ông hay ra vườn chăm sóc cây. Chiều chiều nghe tiếng ong rừng vo ve về làm tổ ở trong vườn, ông nghĩ đất nhà rộng, tại sao mình lại không làm vài thùng ong. Từ ý tưởng đó, ông đã mua ong về nuôi...
Sau 6 năm gây dựng đàn ong, đến nay ông Hưng đã có gần 200 đàn ong, mỗi năm cho thu hoạch trên 2.000 lít mật và bán rất chạy. Từ khi nuôi ong đến giờ, đời sống gia đình ông khấm khá lên hẳn.
“Mỗi năm kiếm trăm triệu là trong tầm tay. Các cụ bảo nuôi ong tay áo, chứ tôi nuôi ong lại thu được khối tiền”- ông Hưng cho biết.
Theo ông Hưng, để sản xuất mật ong theo tiêu chuẩn VietGAHP, hàng ngày ông phải ghi chép đầy đủ nhật ký về giờ ăn của ong, loại thức ăn cho ăn thêm. Ngoài ra, không dùng thức ăn có chứa kháng sinh, khi cho ong ăn đường thì không được thu mật.
“Để đảm bảo mật ong tự nhiên 100%, vào đầu vụ khi quay mật lần đầu tiên không nên bán, vì mật ong vẫn còn dư lượng đường, mà sẽ cất đi để cuối vụ cho ong ăn” - ông Hưng lý giải.
Tập huấn kỹ thuật cho nông dân
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, năm 2018 cả nước có trên 12.258 đàn ong. Nghề nuôi ong phổ biến rải rác khắp cả nước, nhưng tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL.
Ngày 10/11/2015, Bộ NNPTNT đã ban hành quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho nuôi ong mật tại Việt Nam (VietGAHP nuôi ong mật). Quy trình này áp dụng để thực hành nuôi ong tốt nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm chính của ong (mật, phấn hoa, sữa nuôi ong chúa, keo và sáp ong). Đối tượng áp dụng là chủ các cơ sở nuôi ong mật; tổ chức, cá nhân chứng nhận VietGAHP nuôi ong trên lãnh thổ Việt Nam.
Ông Trần Văn Hưng giới thiệu cách nuôi ong và sản phẩm từ nuôi ong với đoàn đại biểu thăm quan. Ảnh: Thuần Việt
Chia sẻ tại diễn đàn - ông Lê Quang Trung - đại diện Viện An toàn thực phẩm khẳng định, nuôi ong theo quy trình VietGAHP là việc rất cấp thiết. Chỉ khi nào mật ong đạt tiêu chuẩn mới xuất khẩu được. Quy trình VietGAHP cho chăn nuôi đã được Bộ NNPTNT ban hành năm 2018. Khi đó Trung tâm Nghiên cứu và phát triển ong đã tiến hành tập huấn, hướng dẫn cho hàng nghìn lượt người ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên… Sau tập huấn, cả trăm trại ong đã đăng ký thực hiện theo tiêu chuẩn này.
Việc vận động người nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAHP là rất cần thiết. “Các tổ chức trong ngành ong, người nuôi ong với sự chung tay của Nhà nước cần đưa ra giải pháp với người trồng trọt như chia sẻ lợi nhuận để nuôi ong hiệu quả. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần thống nhất các văn bản hướng dẫn liên quan đến áp dụng, chứng nhận tiêu chuẩn VietGAHP cho sản phẩm ong mật” - ông Trung cho biết.
Tại diễn đàn, chủ đề “nóng” nhất vẫn là việc tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong khi giá xuống thấp, khó bán. Ông Lê Chung – một hộ nuôi ong có kinh nghiệm hơn 30 năm ở Lào Cai, hỏi: Người nuôi ong phải làm gì để sản phẩm mật ong xuất khẩu được nhiều hơn nữa?
Về vấn đề này, ông Chử Văn Tuất - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương I khẳng định: “Chất lượng mật ong sẽ quyết định tới việc có xuất khẩu được mật hay không. Do vậy, người nuôi ong mà làm ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn, việc xuất khẩu sẽ thuận lợi và hanh thông. Chất lượng mật ong bao gồm các thông số về lý hóa, màu sắc, mùi vị và không có chất tồn dư (chất tồn dư nằm trong giới hạn cho phép). Để nâng cao chất lượng mật ong, cần có các giải pháp và hợp tác chặt chẽ trên các mặt sản xuất (người nuôi ong, chế biến), cơ quan quản lý, thị trường (người kinh doanh và tiêu thụ) và Hội Nuôi ong Việt Nam nhằm đảm bảo chất lượng trong cả chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ”.
Tổng kết diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia khẳng định, việc hiến kế tìm ra các giải pháp giúp bà con nuôi ong phát triển và nhân rộng đàn ong là rất thiết thực. Muốn vậy, các cơ quan chức năng phải cùng vào cuộc: Cần hướng dẫn, kiểm tra, giám sát người nuôi ong vệ tinh về kỹ thuật nuôi ong, kỹ thuật phòng trị bệnh và ký sinh trên ong.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn như Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Hội Nuôi ong Việt Nam… cùng nhau vào cuộc để giúp người nuôi ong nhập con giống chuẩn, đảm bảo chất lượng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con cách chế biến bảo quản sản phẩm mật ong.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn