Dự án xây dựng mô hình nuôi ong chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền trung Tây Nguyên được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt theo quyết định số 5518/QĐ-BNN-KHCN ngày 31.12.2015. Dự án hình thành trong bối cảnh Việt Nam là 1 trong những nước xuất khẩu mật ong lớn nhất thế giới.
Năm 2014, tổng sản lượng mật ong nước ta sản xuất là 53.000 tấn, trong đó xuất khẩu đạt 49.000 tấn, tương đương 92% kim ngạch xuất khẩu 120 triệu USD (Cục Chăn nuôi). Những lợi thế về thương mại và đặc thù sản phẩm của mật ong cho thấy tiềm năng lớn của mật ong Việt Nam khi tham gia hội nhập thị trường quốc tế, trái ngược với những sản phẩm vật nuôi khác như gia súc, gia cầm đang gặp khó khăn trong xu thế hội nhập.
Hội thảo xây dựng mô hình ong mật chất lượng cao trong nông hộ được tổ chức tại Mộc Châu.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: “Dự án thành công sẽ giúp người dân xoá bỏ được tập quán nuôi ong tự phát, giảm được tình trạng lây lan dịch bệnh, giúp nâng cao chất lượng mật ong. Đồng thời, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt do được đàn ong thụ phấn cho hoa. Hạn chế việc khai thác khoáng sản, khai thác rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái".
"Dự án có mục tiêu nhằm phát triển nuôi ong theo hướng VietGAHP trong nông hộ, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào nghề nuôi ong để nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi, góp phần xây dựng nông thôn mới dần tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật, phấn hoa; người dân chủ động được thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy việc xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc có khả năng mở rộng cao và đem lại hiệu quả kinh tế lớn, giúp bà con vươn lên làm giàu” - bà Hạnh cho biết thêm.
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Hội thảo.
Theo số liệu thống kê của Hội Nuôi ong Việt Nam, ước tính nước ta có trên 1.500.000 đàn ong gồm các giống Ý và ong nội, trong đó số đàn ong nội đạt 350.000 đàn chiếm 23,33%, ong ngoại đạt 1.150.000 đàn chiếm 76,67%. Số người nuôi ong khoảng 34.000 người, trong đó số người nuôi ong chuyên nghiệp khoảng 6.350 người chiếm 18,67%.
Hiện nay, nghề nuôi ong mật đã đem lại nguồn thu nhập cao cho các nông hộ vươn lên làm giàu.
Tại Hội thảo ông Phạm Văn Cường, chuyên gia chất lượng sản phẩm ong, cho biết: “Muốn ong mật phát triển, cần tìm địa điểm nuôi ong mật phù hợp như không gian khô ráo, không có khói bụi, xa nơi sản xuất đường, bánh kẹo, nước ngọt, đặt thùng ong cách nhau 2m, cửa tổ quay về các hướng khác nhau. Dụng cụ nuôi và khai thác sản phẩm ong phải đầy đủ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm".
"Đặc biệt, thức ăn và nước uống bổ sung cho đàn ong phải đảm bảo các yếu tố sạch, rõ nguồn gốc, không để lại tồn dư trong sản phẩm ong. Thức ăn thay phấn hoa phải là phấn hoa khô trộn với đường, tỷ lệ 1:1 hoặc pha thêm bột đậu tương đã khử béo, tỷ lệ 1:1:2 (về khối lượng) cho nước vừa đủ, trộn hỗn hợp ở dạng sệt. Bên cạnh đó người nuôi ong phải theo dõi sức khỏe và có số ghi chép và cách phòng bệnh, có như vậy mới đề ra được khẩu phần ăn chuẩn xác và nâng cao chất lượng mật ong đến với người tiêu dùng” - ông Cường nói.
Số lượng đàn ong mật trong những năm qua không ngừng tăng lên.
Các hộ dân chăm chú lắng nghe chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong tại Hội thảo.
Anh Bùi Văn Hiếu, tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), cho hay: Tôi nuôi ong ngoại từ năm 2005 đến nay đã có tổng số 120 đàn, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Qua Hội thảo tập huấn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La tổ chức, tôi đã nắm thêm nhiều kiến thức mới cũng như kỹ năng chăm sóc, phòng bệnh cho ong... Thời gian tới, tôi sẽ nhân rộng đàn ong hiện có lên 300 đàn để nâng cao thu nhập.
Tại Hội thảo đã diễn ra nhiều chuyên đề hướng dẫn các nông hộ về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh trong chăn nuôi ong mật.
Để nâng cao hiệu quả và giá trị mật ong xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước, yêu cầu cấp thiết đặt ra với ngành nuôi ong cũng như các đơn vị chuyên môn là phải kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt là tồn dư thuốc kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật trong mật ong. Cần triển khai xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm tái cơ cấu ngành ong theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đẩy mạnh áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt( VietGAPHP) trong chăn nuôi an toàn, GMP trong chế biến, đóng gói mật ong xuất khẩu và mở rộng liên kết sản xuất với các đối tác trong ngành ong.
Tại vùng sản xuất cần xây dựng tổ hợp tác, HTX, câu lạc bộ nuôi ong, liên kết giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến, xuất khẩu, tiêu dùng thành chuỗi hàng hóa khăng khít với nhau. Đầu tư cho nghiên cứu công nghệ, khuyến nông để phát triển bền vững nghề ong theo hướng xuất khẩu uy tín, quảng bá sản phẩm ong mật đến với các khách hàng trong và ngoài nước.
Theo http://danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn