08:41 EST Thứ năm, 28/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Nuôi tôm bằng... công nghệ

Thứ ba - 16/01/2018 10:30
Với mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD, phấn đấu đạt khoảng 10% GDP cả nước, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuất Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam hồi đầu tháng 2.2017, đã xuất hiện những động thái tích cực từ phía các doanh nghiệp ngành tôm. Trong đó, nâng tầm tôm Việt bằng việc đầu tư công nghệ để Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới, đang là động lực để nhiều doanh nghiệp tại “vựa tôm” ĐBSCL hướng tới...

Việc nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính giúp mang lại hiệu quả lâu dài và góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu con tôm. Ảnh: V.U

Đầu năm 2018, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với tổng diện tích 418 ha, đã nên dạng hình hài.

Là đơn vị được giao diện tích 315 hecta tại đây, Tập đoàn Việt – Úc đã mạnh tay đầu tư cả 1.000 tỷ đồng để hình thành khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao. Tại khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, xây dựng bằng nhà thép Lysaght Agrished (nhãn hiệu về giải pháp chuồng trại cho nông nghiệp nông nghệ cao thuộc công ty NS BlueScope Lysaght Vietnam), mái che nhập từ Israel, bạt phủ ao nhập từ Đài Loan... tất cả đã sẵn sàng để những lứa tôm con được thả xuống...

Bắt nhịp thay đổi của thị trường

Một chuyến tham quan thực tế để phóng viên nhiều cơ quan báo, đài có dịp mắt thấy tai nghe về cách làm tôm của Bạc Liêu đang được tổ chức theo hướng căn cơ, bài bản. Bởi thực ra, những lý giải về nguyên nhân chỉ một doanh nghiệp như Việt – Úc chi mạnh tay cho con tôm, đã phần nào được chia sẻ, luận bàn tại hội thảo về kinh nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), cũng như trong cuộc tiếp xúc của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu diễn ra trước đó: tăng lợi thế cạnh tranh mới trên thị trường tôm, mà vụ thể ở đây là con tôm nước lợ.

Thực tế, tôm sú và tôm thẻ chân trắng hiện là mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam. Chỉ sau 10 năm thực hiện chương trình 224 và nghị quyết 09 (2000-2010), diện tích nuôi tôm cả nước đã tăng từ 228.610 ha lên 639.115 ha (gấp 2,8 lần), sản lượng tôm tăng từ 97,628 tấn lên 443,714 tấn (gấp 4,5 lần).

Theo số liệu công bố cuối tháng 12.2017 của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2017 đạt trên 8,3 tỉ USD mà đóng góp lớn nhất là mặt hàng tôm, với giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỉ USD (mức tăng trưởng trên 21%). Điều đáng lưu ý là hiện kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản với tỷ lệ khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch. Là giống ngoại lai (được cho phép nhập và nuôi tại Việt Nam từ năm 2005) nhưng đến năm 2013, tôm thẻ chân trắng đã vượt tôm sú về sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Con tôm hiện lên “sáng nước” trong bức tranh chung của ngành thuỷ sản. Tuy nhiên, đằng sau những con số đáng khích lệ ấy, nhiều người cũng bình tĩnh đưa ra những cảnh bảo về nguy cơ và thách thức với ngành tôm trong tương lai. Bởi những yêu cầu, tiêu chuẩn mới của thị trường thế giới đã và đang kéo theo sự thay đổi trong phương thức nuôi và chế biến tôm. Và người làm tôm ở Việt Nam khi bước vào cuộc chơi ấy, không có cách nào khác cũng phải tự chuyển mình. “Tôm là sản phẩm có giá trị và là mặt hàng thực phẩm được ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 7 tỷ người, vô cùng tiềm năng. Tôm xuất khẩu chủ yếu sang các nước giàu và họ luôn đòi hỏi những tiêu chuẩn cao. Không chỉ chất lượng sạch – ngon mà những tiêu chí đi kèm cũng rất đáng chú ý: sản xuất tôm có tàn phá môi trường không? Hiệu quả sử dụng nước như thế nào?” - ông Trương Quốc Phú, trưởng khoa Thuỷ sản, trường ĐH Cần Thơ, nhận định.

Theo ông Phú, không phủ nhận sự phát triển của ngành tôm Việt Nam, trong việc mạnh tay đầu tư quy trình công nghệ nuôi mà nhiều doanh nghiệp đã và đang thực hiện, tuy nhiên vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ nên khó khăn trong việc kiểm soát con giống, truy xuất nguồn gốc. Đã vậy, với cách nuôi truyền thống dễ phát sinh ra dịch bệnh (như bệnh đốm trắng năm 1994). Khi tôm phát bệnh, dùng thuốc, hoá chất để chữa lại kéo theo nhiều hệ luỵ như lượng tồn dư kháng sinh dẫn đến tôm xuất khẩu bị trả về. Ứng dụng NNCNC là xu thế phải theo nhưng từ quan sát của một nhà làm chuyên môn, ông Phú nhìn ra một thực tế là nghiên cứu ở Việt Nam chủ yếu là nghiên cứu tình thế trước mắt. Muốn áp dụng công nghệ cao, đầu tư bền vững cho tương lai phải có những chương trình nghiên cứu lâu dài: “Nên có sự hợp tác giữa cơ quan hữu quan nhà nước với các doanh nghiệp để có những chương trình nghiên cứu dài hơi và hiệu quả”.

Trại nuôi tôm sử dụng giải pháp khung nhà thép của Lysaght Agrished, nhà màng từ Israel, công nghệ cho ăn tự động, công nghệ lọc nước tuần hoàn... của của Tập Đoàn Việt - Úc tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu sắp đi vào hoạt động. Ảnh: Trung Dũng

Cũng đánh giá về những bất cập của ngành tôm Việt Nam, ông Vũ Duyên Hải, vụ phó vụ khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (tổng cục Thuỷ sản), cũng chỉ ra: công nghệ phụ trợ, thuốc hoá chất, chất xử lý cải tạo môi trường đặc biệt là thức ăn vẫn chủ yếu là nhập khẩu. Trong đó, thức ăn nhập nguyên liệu và do các doanh nghiệp FDI sản xuất, dẫn đến giá thành tôm thương phẩm đội giá cao. Hay chuyện con tôm giống, hiện chủ yếu cũng nhập khẩu, từ ISI (Mỹ), SIS (Singapore), CP (Thái Lan)... “Điều này ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm tôm làm ra”, ông Hải đánh giá.

Cũng theo ông Hải, việc nuôi tôm tự phát, không theo quy hoạch, quy trình công nghệ... rất cần được kiểm soát. Đầu tiên là kiểm soát về chất lượng tôm thương phẩm. Bài học nhãn tiền của Ấn Độ, một nước sản xuất tôm lớn thứ hai trên thế giới và nước xuất khẩu tôm lớn nhất (hơn 416.000 tấn năm 2016) đã gặp rắc rối với EU vì không tuân thủ các quy tắc của EU (Chỉ thị của Hội đồng số 96/23/EC) về sự hiện diện của dư lượng kháng sinh trong các lô hàng tôm xuất khẩu...

Kế đến là chủ động được vùng nguyên liệu, sản lượng tôm ổn định cho thị trường. Ý kiến này nhận được nhiều đồng tình bởi trước đó, đại diện một doanh nghiệp thuỷ sản chia sẻ, do không chủ động được nguồn hàng dẫn đến sản phẩm mất cơ hội đầu ra. Cụ thể, một tập đoàn đa quốc gia thời điểm ấy đang chuẩn bị tung ra thị trường một sản phẩm đồ ăn nhanh, nguyên liệu chính là tôm. Khi đặt vấn đề cung ứng tôm với những tiêu chuẩn rất cao như chất lượng tôm ngon, sạch thì doanh nghiệp này đảm bảo được. Nhưng về số lượng, size tôm đồng đều thì chỉ biết lắc đầu trong tiếc nuối với phía đối tác. Vì vậy theo ông Hải: “Muốn bắt nhịp với những đòi hỏi mới của thị trường, không cách nào khác là phải công nghệ hoá trong việc sản xuất tôm, hình thành chuỗi giá trị tôm bền vững”.

Từ góc nhìn của đơn vị tư vấn giải pháp và cung cấp ra thị trường các sản phẩm chuồng trại cho NNCNC, ông Phùng Quốc Điền, tổng giám đốc của Công ty NS BlueScope Lysaght, đánh giá việc chủ động đầu tư chuồng trại bài bản ngay từ đầu cũng là lời giải cho việc tận dụng lợi thế của điều kiện tự nhiên, gia tăng giá trị của con tôm... Ông Điền nhìn nhân: “Ngành nông nghiệp Việt Nam đang cần thay đổi nhanh để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh mới, nên xu hướng và nhu cầu đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp của giới doanh nghiệp đang rất lớn. Tuy nhiên, do còn khá mới mẻ nên các doanh nghiệp nông nghiệp còn khá nhiều bỡ ngỡ và sai lầm trong cách thức đầu tư trang trại, phổ biến nhất là chọn giải pháp và vật liệu không trên cơ sở khoa học nông nghiệp và tính toán hợp lý. Hệ quả tất yếu là rủi ro, thất thoát lớn và hiệu suất đầu tư thấp”.

Theo ông Điền, chọn vật liệu chuẩn thì tuổi thọ công trình phục vụ nuôi tôm có thể lên tới hơn 10 năm, nhưng nếu chọn vật liệu không chuẩn thì chỉ được 2-3 năm là công trình xuống cấp, khó phục vụ được việc nuôi tôm hiệu quả. Đã vậy, do không thể kiểm soát thấu đáo nên chuồng trại kiểu cũ sẽ là môi trường dễ phát sinh dịch bệnh và khó để ứng phó hiệu quả… Theo tính toán của ông Điền thì trong mô hình kính (nhà màng) nuôi tôm siêu thâm canh chi phí mỗi mét vuông diện tích nuôi tôm chỉ tốn khoảng 500.000 đồng.

Đại diện là doanh nghiệp ngành tôm tại hội thảo, ông Đặng Quốc Tuấn, phó tổng giám đốc Tập đoàn Việt – Úc, một đơn vị dẫn đầu ngành về tôm giống, đưa ra những lý giải về mức độ “chịu chi” của doanh nghiệp này, khi không ngừng cải thiện chất lượng con giống bằng cách đầu tư vào công nghệ và con người, là nhằm hiện mục tiêu “Nâng tầm tôm Việt”. Đại diện của tập đoàn có 16 năm kinh nghiệm làm tôm này cho rằng, cần phải xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm mà đột phá đầu tiên phải bắt đầu từ con tôm giống: “Tôm giống đóng góp vào 55% thành công của nuôi tôm nhưng hiện nay Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu tôm giống, thậm chí trước đây nhập 100%”.

Cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Việt – Úc kiểm tra chất lượng tôm giống. Ảnh: Trung Dũng

Kế đến là việc chủ động nguồn thức ăn, đầu tư phát triển công nghệ phụ trợ. Đó là lý do mà Tập đoàn Việt - Úc đã hợp tác với nhiều đối tác chiến lược lớn trên thế giới như CSIRO (viện nghiên cứu thủy sản hàng đầu thế giới của chính phủ Úc), MBD và cả các đối tác trong nước nhằm mục đích nghiên cứu những giải pháp tối ưu cho từng phân khúc của ngành. Ông Tuấn cho biết, tập đoàn đã triển khai mô hình nuôi siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính đầu tiên tại Việt Nam được triển khai rất thành công với quy mô 50 ha tại Bạc Liêu. Đây là mô hình nuôi được sử dụng giải pháp khung nhà thép của Lysaght Agrished, nhà màng từ Israel, công nghệ cho ăn tự động, công nghệ lọc nước tuần hoàn...

“Sau Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại ấp Giồng Nhãn (Bạc Liêu), chúng tôi cũng đang tiếp tục đầu tư tại các vùng trọng điểm của nhiều địa phương khác trên cả nước như Bình Định (300 hecta), Quảng Ninh (300 hecta)… nhằm cung cấp cho thị trường nguồn sản phẩm tối ưu cả về chất lượng và sản lượng. Không chỉ vậy, chúng tôi cũng đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ với bà con nuôi tôm cả nước và các đối tác chiến lược của Việt - Úc”, ông Tuấn cho biết.

Thương hiệu quốc gia

Với mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD, phấn đấu đạt khoảng 10% GDP cả nước, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuất Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam hồi đầu tháng 2.2017, đã có những chuyển biến tích cực của ngành tôm. Đó là việc xuất hiện những mô hình đầu tư nuôi tôm bằng công nghệ cao trên cả nước, thậm chí Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu tại “vựa tôm” ĐBSCL cũng đã hình thành. Chia sẻ tầm nhìn phát triển kinh tế tỉnh nhà, ông Dương Thành Trung, chủ tịch UBND Bạc Liêu, cho biết sẽ đưa Bạc Liêu trở thành "thủ phủ" ngành tôm. Con tôm sẽ là thương hiệu địa phương.

Một trại tôm thẻ chân trắng của Việt - Úc tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu. Ảnh: T.Dũng

Theo ông Trung, nuôi tôm là thế mạnh lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu với sản lượng tôm hàng năm khoảng 105.000 tấn (đứng thứ hai cả nước, chỉ sau tỉnh Cà Mau), mang lại giá trị gần 11.500 tỷ đồng. Để biến con tôm thành dấu chỉ địa lý của xứ công tử Bạc Liêu, câu chuyện lại bắt đầu từ việc đánh giá và lựa chọn thị trường: “Chúng tôi bắt đầu từ việc chinh phục thị trường Úc từ đó mở rộng ra các thị trường khác”.

Cách tiếp cận này xuất phát từ nguyên nhân, Úc là thị trường khó tính, với hàng rào tiêu chuẩn nhập khẩu cao mà nếu chinh phục được thì sẽ dễ đưa con tôm qua các thị trường khác. Quan trọng hơn, đây cũng là thị trường tiềm năng của con tôm. Thực tế, nhóm hàng thủy sản đang rất có tiềm năng xuất khẩu sang Australia vì hằng năm Australia tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn hải sản. Hiện Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ tư của Australia sau Thái Lan, New Zealand và Trung Quốc nhưng chỉ chiếm khoảng 11% thị phần. Riêng với mặt hàng tôm, Việt Nam là nguồn cung lớn nhất cho Australia với kim ngạch chiếm khoảng trên 35% thị phần.

Nhưng nhìn nhận từ bài học Bạc Liêu đã từng thành công rồi thất bại với con tôm, ông Trung cho biết không “nóng ruột” phát động nuôi tôm trở thành phong trào ồ ạt dẫn đến mất kiểm soát. Hiện Bạc Liêu có 7 doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao và cũng đã chuyển giao kỹ thuật tiến bộ 100 mô hình cho các hộ nông dân áp dụng. Tuy nhiên, những thành tựu từ Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu sắp đi vào hoạt động, mới là lựa chọn ưu tiên để từ đó tạo vết dầu loang trong việc nuôi tôm bền vững ra bên ngoài. “Có 20 doanh nghiệp đăng ký vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm nhưng chúng tôi đã cân nhắc, chỉ chọn 6 doanh nghiệp bởi tiềm lực và kinh nghiệm của họ đáp ứng được yêu cầu tỉnh đề ra”, ông Trung cho biết.

Tập đoàn Việt – Úc là đơn vị được giao diện tích đất lớn nhất (315 ha) để hình thành khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao, gồm: khu sản xuất giống, nhà máy chế biến thức ăn, khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính và nhà máy chế biến tôm xuất khẩu. Sở dĩ có lựa chọn này, vì Việt - Úc là một trong những đơn vị sẽ lĩnh sứ mệnh nâng tầm và xây dựng thương hiệu cho con tôm Bạc Liêu. Ngoài ra, lựa chọn ấy còn xuất phát từ hiệu quả mà tập đoàn này đã chứng minh. Trong ba năm qua, Việt – Úc cung cấp lượng giống đạt 25% thị phần tôm giống cả nước. Hiện nay, tập đoàn này có hệ thống 9 công ty giống quy mô lớn trải dài từ Bắc đến Nam: Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau với tổng công suất trên 50 tỷ Post/năm.

Nuôi tôm thâm canh công nghệ cao cho hiệu quả cao với vòng đời 90 ngày, 34 con/kg. Ảnh: Trung Dũng

Thuyết phục hơn chính là thành công từ chương trình nuôi tôm Việt Úc được triển khai đầu tiên tại chi nhánh công ty tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) với diện tích 50 ha, tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng, đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng. Theo đó, diện tích thả nuôi gần 21 ha với 70 ao nuôi sau hơn ba tháng thả giống với mật độ 200 – 500 con/m2, tôm nuôi trong 70 ao đều phát triển tốt, đạt hiệu quả 100%. Kết quả, năng suất đạt 2-4 tấn/ao, tương đương 40-80 tấn/ha/vụ (120 -140 tấn/ha/năm). Nhìn nhận hiệu quả mô hình này, có nhiều giá trị gia tăng thiết thực cho con tôm được thống kê, như: truy xuất nguồn gốc được đảm bảo hoàn toàn từ nguồn tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn; Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do quy trình nuôi ứng dụng công nghệ vi sinh, không sử dụng chất kháng sinh giúp xuất khẩu vào bất kỳ thị trường nào khó tính nhất; Có năng suất cao, ổn định và giảm diện tích đất sử dụng; Công nghệ nhà kính giúp kiểm soát được vùng nuôi và dịch bệnh, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đến môi trường xung quanh...

Theo ông Trung, Bạc Liêu và doanh nghiệp nuôi tôm của tỉnh này đang đàm phán với đối tác lớn từ Úc để trong tương lai sẽ xuất khẩu mặt hàng tôm tươi qua thị trường này. Đó là viễn cảnh sáng sau những nỗ lực kiến tạo và hành động.

Cơ hội nào cho hộ nông dân?

Mặc dù ghi nhận những hiệu quả từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính và điều này còn được kiểm chứng bởi ông Tạ Hoàng Nhiệm - Phó giám đốc sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, một trong năm hộ được tỉnh lựa chọn để nuôi thử nghiệm công nghệ nuôi tôm được chuyển giao từ Việt - Úc (quy mô 2 ao, 100 m2/ao, thả bốn vụ với mật độ 400 – 500 con giống/m2, thu hoạch 1,6 tấn – 2,5 tấn/vụ) nhưng để các hộ nông dân tiếp cận mô hình này vẫn đang gặp nhiều rào cản.

Theo ông Niệm, đây là mô hình có thể giúp người dân thoát nghèo bởi hiệu quả của việc nuôi tôm thấy rõ nhưng chi phí đầu tư ban đầu là một thách thức. Chẳng hạn, với 200m2 ao nuôi cũng phải đầu tư 70 triệu – 80 triệu đồng, trong khi người dân đang còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Thừa nhận đây cũng là điều tỉnh đang trăn trở, ông Dương Thành Trung, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết bản thân ông cũng như đội ngũ lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc với phía ngân hàng. Thực tế là nhiều ngân hàng không mặn mà bởi nhìn thấy những rủi ro về khả năng chi trả của người vay. Không ít người dân, "sổ đỏ" đang nằm ở ngân hàng và vì vậy không có tài sản để thế chấp. Mặc dù thừa nhận đây là bài toán khó, tuy nhiên theo ông Trung, cũng không phải là không có hướng ra: “Chúng tôi đã nghĩ đến phương án vận động các doanh nghiệp đứng ra bảo lãnh, bao tiêu sản phẩm cho người dân và ngân hàng sẽ giải ngân vốn vay qua doanh nghiệp. Một số ngân hàng đã đồng hành. Vay vốn qua đó, tất nhiên những người vay nuôi tôm cũng phải tuân thủ quy trình, công nghệ nuôi để đảm bảo tôm sạch, chất lượng cao. Mới là bước đầu nhưng đó cũng là ánh sáng cuối đường hầm”.

Trọng Văn/ Người Đô Thị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: ngành tôm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 215

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 214


Hôm nayHôm nay : 38847

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1345152

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71572467