Mô hình nuôi tôm công nghiệp của anh Lê Thanh Nghị |
Cũng theo ông Tốt, mặc dù nuôi công nghiệp có nhiều lợi thế nhưng đặc thù con tôm là loài nhạy cảm, dễ bị tác động bởi môi trường và dịch bệnh, địa phương khuyến cáo người dân chỉ nên triển khai đầu tư 2 vụ chính trong năm.
Những năm qua, UBND xã Hoằng Yến thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tổ chức các lớp tập huấn nâng cao, củng cố kiến thức cho các hộ nuôi để chủ động phương pháp ứng phó mỗi khi gặp sự cố. Hiệu quả mang lại là điều không phải bàn cãi, thực tế cho thấy tình trạng tôm bị dịch bệnh rất hiếm khi xảy ra, nếu có cũng chỉ rải rác với số lượng không đáng kể, việc xử lý không quá khó khăn.
Nhận xét từ các hộ nuôi, mô hình nuôi tôm công nghiệp cho giá trị kinh tế lớn nhưng chi phí đầu tư khá tốn kém, mỗi ao tôm diện tích từ 2.000 - 2.500m2 ngốn không dưới 300 triệu đồng. Thế nên, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng thì nguy cơ “mất cả chì lẫn chài” là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
“Xuất phát từ nhu cầu thực tế, các gia đình đã đóng góp kinh phí, tiến hành xây dựng 5 trạm điện có công suất 150 - 320kW phục vụ sản xuất. Kể từ khi tham gia mô hình, ý thức của các hộ đã có sự chuyển biến rõ rệt”, ông Tốt khẳng định.
Qua ghi nhận thực tế PV nhận thấy, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công bước đầu phát huy giá trị, trực tiếp mở ra cơ hội đổi đời cho nhiều hộ gia đình. Với mức thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, các hộ không những trang trải hết nợ nần mà còn tích lũy được lưng vốn khá.
Lấy trường hợp của anh Lê Thanh Nghị (trú tại thôn 6) làm ví dụ. Ngót nghét chục năm trời gắn bó với con tôm sú, từng lao tâm khổ tứ, bao nhiêu công sức, vốn liếng dồn hết cả vào ao đầm nhưng đổi lại chỉ là con số không. Tuy nhiên chỉ sau chưa đầy 2 năm áp dụng mô hình mới, giờ đây gia đình anh đã có thể xoa tay hài lòng với thành quả đạt được
“Ngày trước nuôi tôm sú mỗi năm chỉ triển khai được một vụ, dịch bệnh lại xuất hiện liên miên nên chẳng đâu vào đâu. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, năm 2015 tôi quyết định chuyển sang nuôi tôm công nghiệp trên 2 ao đầm với tổng diện tích 4.000m2, bước đầu cho tín hiệu vô cùng khả quan”, anh Nghị chia sẻ.
Anh còn tiết lộ, khi tiến hành nuôi tôm công nghiệp, các hộ nuôi phải xây dựng hệ thống ao lắng để xử lý mầm bệnh và hóa chất độc hại trong nguồn nước trước khi bơm sang các ao nuôi chính. Khác với tôm sú, khi nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao (từ 100 con/m2 trở lên) cần đặc biệt lưu ý quá trình làm sạch đáy ao, hàng tuần, thậm chí hàng ngày (khi tôm lớn) phải tích cực xả cặn bã tại các vị trí thu gom hoặc tiến hành bơm hút sang các ao trữ để xử lý. Các ao nuôi chính phải đảm bảo lắp đặt đầy đủ hệ thống quạt khí, sục khí đáy và trải bạt ni lông. Độ sâu, mực nước thích hợp khi nuôi là 1,5 - 2m.
Áp dụng mô hình mới dù phát sinh khá nhiều chi phí đầu tư nhưng quá trình theo dõi, xử lý lại thuận lợi hơn nhiều, điều này giúp cho các hộ nuôi hạn chế tối đa rủi ro, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Chỉ riêng vụ 2 năm nay (tôm thả từ tháng 7 đến tháng 9), gia đình anh Nghị thắng lớn 1 ao tôm với tổng sản lượng thu hoạch trên 4,6 tấn. Với mức giá 130.000 - 140.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí, vợ chồng anh thu về khoảng 250 triệu đồng.
Năm nay mùa đông đến muộn, nhiệt độ ấm hơn cùng kỳ, anh Nghị quyết định thả 38 vạn con tôm giống tiếp tục triển khai vụ 3. Sau 2 tháng tôm trong ao đạt trọng lượng 100 - 120 con/kg, dự kiến 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch.
“Thông thường nuôi tôm vụ chính sau 60 - 65 ngày là có thể xuất bán. Lúc này là thời điểm trái vụ, điều kiện thời tiết không thực sự thuận lợi nên chu kỳ có thể kéo dài thêm một tháng hoặc hơn. Hiện nguồn tôm thương phẩm khan hiếm nên thương lái đẩy giá rất cao, tôm trọng lượng 60 - 70 con/kg có giá trên 180.000 đồng/kg, gia đình tôi đang đếm ngược chờ đến ngày thu hoạch”, anh Nghị hồ hởi nói. |