Trong khi đó, trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã lại buông lỏng quản lý khi để người dân tự ý đào ao hồ mà không nhắc nhở, khuyến cáo.
Trước đây, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ - tỉnh Bình Định) chỉ quy hoạch vùng nuôi tôm trong diện tích khoảng 70ha, thuộc vùng ven đầm hạ triều. Thế nhưng, nghề nuôi tôm mang lại lợi nhuận quá cao nên rất đông người dân bỏ vườn, làm hồ tôm khiến diện tích tăng gấp nhiều lần so với quy hoạch ban đầu.
Theo tìm hiểu của PV, việc nuôi tôm trên cát theo kiểu ồ ạt ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ được “tiếp sức” bởi sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền sở tại khi thiếu biện pháp khuyến cáo hoặc xử phạt mạnh tay.
Việc nuôi tôm ồ ạt ở xã Mỹ Thành đang gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: Dũ Tuấn.
Đa phần các hồ nuôi tôm ở đây đều không có hệ thống xử lý nước thải cho từng cụm, vùng mà thải trực tiếp ra sông, biển hoặc môi trường sống, làm cho nước mặn và chất thải thấm sâu vào đất, nguồn nước. Hậu quả là nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng, nhiễm mặn, nhiễm phèn không thể sử dụng được khiến nhiều hộ dân bức xúc.
“Việc nuôi tôm tự phát đã khiến nguồn nước ngầm ở địa phương đang bị cạn kiệt, những giếng nước ngọt trước đây bỗng chốc bị nhiễm mặn, có mùi tanh nên chỉ có thể sử dụng để giặt giũ, nước uống phải đi mua từng bình rất tốn kém. Dẫu biết hậu quả của việc nuôi tôm tự phát nhưng chúng tôi không thể can ngăn vì đây là kế sinh nhai của họ, nếu lời qua tiếng lại thì dẫn đến mâu thuẫn lối xóm”, bà N.T.N (45 tuổi, xã Mỹ Thanh) cho hay.
Đi dọc xã Mỹ Thành, hầu hết vườn tược, ruộng đồng đều “biến” thành hồ nuôi tôm san sát nhau, hàng trăm ao, hồ chen lẫn giữa những vườn cây, tiếng máy sục khí vang rền khắp xóm.
Nghề nuôi tôm đang gây ra ô nhiễm và ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt tại xã Mỹ Thành. Ảnh: Dũ Tuấn.
Anh Nguyễn Đức Bé, một hộ nuôi tôm cho biết, anh đào 2 hồ mỗi hồ diện tích 500m2 và thả 3 vụ/năm. Sau 1 vụ nuôi, anh xả hết nước thải của tôm ra biển và xung quanh sau đó vệ sinh hồ rồi lại tiếp tục đổ nước nuôi vụ mới.
Người dân địa phương cho rằng, một năm mỗi hộ nuôi 3 lứa tôm, đồng nghĩa với 3 lần vệ sinh hồ tôm và toàn bộ nước thải đổ thẳng ra biển hoặc xung quanh khu vực sinh sống khiến mùi hôi thối nồng nặc, đe dọa đến môi trường sống của hàng trăm hộ dân. Bên cạnh đó, việc đào giếng vô tội vạ lấy ngọt cho các hồ cũng khiến mạch nước ngầm cạn kiệt. Điều này khiến tình trạng nước nhiễm mặn, nhiễm phèn ở địa phương ngày một trầm trọng.
Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng thừa nhận, chính quyền địa phương đã nắm được sự việc trên nhưng rất khó xử lý bởi người dân tự đào hồ nuôi tôm trong vườn nhà.
“Có thời gian dài xã để cho người dân tự phát quá cao. Họ tận dụng đất trong vườn, trong nhà đào hồ nuôi tôm cho nên xử lý rất khó. Hiện tại, nếu một vài trường hợp thì dễ xử lý chứ lúc này người dân làm theo cả cộng đồng. Chính quyền đã khuyến cáo, lập biên bản nhắc nhở người dân, chứ cũng chưa dùng biện pháp mạnh được”, ông Dũng cho hay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn