Thưa ông, nhiều người ngạc nhiên khi những năm gần đây, Quảng Ninh - một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại - lại dành sự quan tâm đặc biệt cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân? Vì sao tỉnh có sự chuyển hướng như vậy?
- Nếu biết được những lợi thế tự nhiên của Quảng Ninh trong lĩnh vực này, bất cứ ai cũng đồng ý và cho rằng, sự quan tâm đó của chúng tôi là hoàn toàn đúng. Với vị trí địa lý đa dạng, có vùng núi, vùng biển và vùng đồng bằng, với nhiều hình thái khí hậu khác nhau, Quảng Ninh là vùng đất giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em, do vậy ở các làng quê có nhiều sản phẩm đặc sản đặc trưng như: Trà hoa vàng, ba kích Ba Chẽ; nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô…
Ông Đặng Huy Hậu kiểm tra các sản phẩm tại Trung tâm Giới thiệu và bán sản phẩm nông sản OCOP ở huyện Hoành Bồ. Ảnh: MINH TUẤN
Bên cạnh đó, Quảng Ninh có thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn, hàng năm cung cấp lương thực, thực phẩm cho trên 8 triệu khách du lịch, trên 200.000 lao động ngành than, xi măng, nhiệt điện và nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, kinh tế khu vực nông thôn phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Trong nhiều năm thu nhập và đời sống người dân nông thôn còn thấp, sản xuất nhỏ quy mô hộ gia đình là chủ yếu, năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích còn thấp, các sản phẩm chủ yếu là sơ chế, chưa được chế biến sâu, bao bì mẫu mã sản phẩm đơn giản chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương, số doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít lại chưa đạt điều kiện nhà sản xuất...
Ông Đặng Huy Hậu cho biết, Quảng Ninh đang tích cực tập trung giải quyết những vấn đề: Nghiêm túc thực hiện chu trình OCOP để thúc đẩy sự tham gia của các hộ sản xuất; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, vận dụng cơ chế chính sách cho chương trình. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác. Thúc đẩy phát triển sản phẩm quy mô lớn để đáp ứng sản lượng (đối với các đơn hàng lớn) và chất lượng sản phẩm, hỗ trợ tiêu chuẩn hoá sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. |
Vậy xuất phát từ ý tưởng nào để hình thành nên một OCOP riêng có của Quảng Ninh như hiện nay?
- Trong những chuyến đi nghiên cứu học tập kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... trong phát triển nông thôn, chúng tôi nhận thấy các phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan là những cách làm hay, phù hợp, đáng để học hỏi. Mục tiêu và nội dung chính của Chương trình là tập trung phát triển sản phẩm từ những lợi thế về tài nguyên, văn hóa, lao động ở khu vực nông thôn bằng chính sự tổ chức của cộng đồng, nói cách khác gọi là phát triển kinh tế theo hướng nội sinh, thông qua đó nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn và phát triển một cách bền vững.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh cũng xác định tái cấu trúc ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ việc xác định lợi thế của các địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường, cải cách hành chính, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp ngoài địa bàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn.
Từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan,... trong phát triển nông thôn, điển hình là phong trào OVOP, OTOP, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt triển khai Chương trình OCOP, với mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Bộ máy OCOP từ tỉnh đến các huyện, thị được thành lập và vận hành như thế nào?
- UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Ban điều hành OCOP cấp tỉnh, giao Ban xây dựng nông thôn mới làm cơ quan thường trực, UBND cấp huyện thành lập Ban điều hành đề án OCOP cấp huyện gắn với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, các huyện bố trí từ 1 - 2 cán bộ chuyên trách về OCOP. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh triển khai Chương trình OCOP dưới dạng đề án, triển khai thực nghiệm giai đoạn 2013 - 2016 nhằm rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả để triển khai tiếp giai đoạn sau.
Về chặng đường của OCOP Quảng Ninh hơn 3 năm qua, theo ông thành quả nổi bật là gì?
- Nếu đến bất kỳ xã, phường nào ở Quảng Ninh vào thời điểm này, gặp bất kỳ ai để hỏi đặc sản của địa phương là gì, bạn sẽ nhanh chóng được giới thiệu một sản phẩm OCOP. Như vậy có thể thấy, nhận thức của nhân dân về khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, góp phần phục vụ phát triển kinh tế đã được nâng lên rõ rệt.
Hiện đã có 180 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở hộ sản xuất tham gia đề án mỗi xã, phường một sản phẩm (mục tiêu ban đầu từ 20 – 30 đơn vị). Đã có 103 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm OCOP được thực hiện; 210 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP (kết quả phân hạng có 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao); Cấp giấy chứng nhận cho 39 sản phẩm...
Trong 3 năm, doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất đạt 672.296 triệu đồng (mục tiêu Đề án đề ra 200.000 triệu đồng) nhờ gia tăng về quy mô sản xuất và giá bán, góp phần tăng thu nhập của nhân dân.
Nếu có tỉnh nào đó xin “thỉnh giáo” về cách làm OCOP, ông sẽ nói gì?
- Cần xác định OCOP là một hình thức phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực đô thị. Do vậy triển khai thực hiện OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân.
Các chương trình OVOP và OTOP cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, học tập về nguyên tắc chứ không rập khuôn máy móc, có sự đánh giá và điều chỉnh từng bước trong quá trình thực hiện cho phù hợp thực tiễn kinh tế thị trường trong nước và địa phương.
Chương trình phải được tổ chức quản lý khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện. Thiết lập được tính pháp lý của toàn bộ chương trình. Xây dựng được hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, HTX, hỗ trợ phát triển sản phẩm trên nền tảng hỗ trợ phát triển nghiên cứu, ứng dụng KHCN, công tác hướng dẫn lập và quản lý các dự án đầu tư, các dự án sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Quý/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn