Sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt từ các loại cây trồng bị dư thừa, thiếu thị trường tiêu thụ, mất giá thường xuyên xảy ra. Làm gì để giải quyết căn cơ tình trạng trên đang là vấn đề cấp bách và là bài toán đòi hỏi bản thân người nông dân và cơ quan quản lý Nhà nước cùng vào cuộc, chung tay tìm lời giải.
Bài 1: Thất bại bởi phát triển manh mún, tự phát
Vấn đề nổi cộm nhất đang tồn tại trong nền nông nghiệp ở Đồng Nai là tình trạng manh mún, tự phát trong đầu tư; sản xuất mang tính tức thời, thiếu ổn định, không bền vững. Điều này đang không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn gây khó khăn trong quản lý, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Năm 2017, giá chuối già hương cấy mô tại Đồng Nai rớt thê thảm, xuống còn 1.000 đồng/kg. Hàng nghìn tấn chuối của người dân đến kỳ thu hoạch nhưng không biết bán cho ai, đành phải vứt bỏ hoặc làm thức ăn cho gia súc.
Thực trạng này khiến người trồng chuối thua lỗ nặng nề, cơ quan chức năng phải vào cuộc, kêu gọi cộng đồng chung tay mua chuối giúp nông dân.
Những tháng đầu năm 2018, giá chuối già hương cấy mô bất ngờ tăng cao, có lúc lên đến 17.000 đồng/kg. Lúc này, giá thuê đất trồng chuối cũng tăng mạnh, cao hơn gấp đôi so với năm 2017, song với suy nghĩ “năm mất, năm được”, nhiều nông dân vẫn bất chấp rủi ro, đổ xô thuê đất để trồng loại cây này.
Ông Nguyễn Công Tạo, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: Thấy giá chuối cao nên gia đình ông quyết định thuê 2ha đất, mỗi héc ta có giá 60 triệu đồng/năm (năm 2017 mỗi héc ta chỉ 25 triệu đồng/năm), trồng chuối già hương cấy mô. Hiện chuối sắp đến thời kỳ thu hoạch, nhưng ông Tạo đang lo âu vì người dân thấy giá tăng nên trồng rất nhiều, việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
“Tôi chỉ mong chuối duy trì giá cao như đầu năm 2018, nếu rớt giá như năm trước, tôi lỗ nặng vì năm nay chi phí đầu tư tăng gấp đôi”, ông Tạo tâm tư.
Với cây tiêu, theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vào năm 2020, Đồng Nai sẽ có 7.000 ha hồ tiêu, còn theo quy hoạch của tỉnh, đến cùng thời điểm trên, diện tích loại cây này trong tỉnh là 10.000 ha. Tuy nhiên, cuối tháng 6/2018, toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 18.000 ha hồ tiêu. Diện tích hồ tiêu ở Đồng Nai tăng mạnh là do giai đoạn 2013 – 2015 giá nông sản này luôn duy trì mức cao, có khi lên đến 230.000 đồng/kg, nông dân trồng ồ ạt. Vì nguồn cung lớn, trong khi nhu cầu thị trường không đổi nên hơn 2 năm qua, hồ tiêu rớt giá, hiện chỉ còn hơn 50.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thanh Thủy, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2014, khi giá hồ tiêu đang cao, chị chặt bỏ 1 ha chôm chôm đang thời kỳ thu hoạch chuyển sang trồng tiêu. Mỗi héc ta hồ tiêu từ khi trồng đến khi thu hoạch là 3 năm, phải đầu tư hàng trăm triệu đồng. Năm 2017, chị thu hoạch vụ tiêu đầu tiên, nhưng do giá thấp nên lỗ.
“Năm nay giá tiếp tục giảm sâu, tôi lỗ nặng hơn. Hiện trồng sầu riêng đang thu lợi nhuận cao, tôi đang tính chặt bỏ một ít tiêu, chuyển qua trồng sầu riêng”, chị Thủy tâm sự.
Trước đây, gia đình ông Lê Hoàng Oánh, xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai có 2 ha ca cao trồng xen dưới tán điều. Do ca cao giá không ổn định nên năm 2016 ông Oánh chặt bỏ toàn bộ ca cao để chú tâm chăm sóc cho cây điều. Song hơn 2 năm qua, thời tiết thay đổi, điều của gia đình ông bị sâu bệnh hoành hành, mỗi năm chỉ thu được khoảng 30 triệu đồng/ha.
Ông Oánh tiếc nuối: “Mấy năm gần đây ca cao có giá, nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật nên việc trồng xen ca cao dưới tán điều cho lợi nhuận cao. Tôi thấy việc chặt bỏ ca cao lúc trước là sai lầm, giờ đang tính mua cây giống ca cao về tiếp tục trồng xen”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, bất cập của ngành nông nghiệp Đồng Nai là tình trạng nông dân sản xuất theo phong trào, chỉ thấy cái lợi trước mắt, không tuân thủ quy hoạch, bỏ qua khuyến cáo của ngành chức năng.
Từ năm 2014, Đồng Nai phê duyệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tỉnh đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để nông dân có thể sản xuất và làm giàu bền vững thông qua việc xác định một số loại cây trồng, vật nuôi chủ lực ở từng địa phương.
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, theo quy hoạch nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai, diện tích hồ tiêu đến năm 2020 là 10.000 ha, sản lượng từ 17.000 – 18.000 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh cũng quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả với diện tích cụ thể, tuy nhiên, hiện nay hồ tiêu đã vượt gần gấp đôi so với quy hoạch, các loại cây khác như chuối, sầu riêng, bưởi, điều, ca cao nông dân chặt, trồng không theo quy hoạch, thấy cây nào có lợi nhuận cao thì đổ xô trồng.
Theo ông Vinh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chưa có chế tài để bắt buộc doanh nghiệp, đặc biệt là nông dân phải tuân theo khuyến cáo, quy hoạch. Mục tiêu hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững chưa thể thực hiện được.
Bài cuối: Liên kết đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn