Phát triển vai trò hạt nhân
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho hay, thời gian qua, đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nay nhìn lại thì DN tư nhân hoạt động trong khu vực này “còn rất mỏng”; trong số 500.000 DN hiện nay chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân, quy mô sản xuất hộ của ta rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới. “Ở Mỹ, một hộ có 500ha trở lên, nhưng chỉ 2 vợ chồng làm. Còn quê tôi Thái Bình, chỉ có khoảng 2.000 - 3.000m2 cho một hộ gia đình. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trong giai đoạn mới thì không chỉ phát huy vai trò kinh tế hộ như đã làm thời gian qua, mà cần phát huy vai trò hạt nhân của DN, chủ yếu là DN tư nhân”, ông Cao Đức Phát nói.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Trong 30 năm đổi mới và nhất là từ khi triển khai thực hiện và thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều chương trình, đề án và cơ chế chính sách đã được ban hành, trong đó tập trung và nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo ông Doanh, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và do nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, thời gian qua, sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã phát triển với nhiều nội dung, hình thức đa dạng.
Việc lựa chọn phương thức phát triển chuỗi giá trị các nhóm sản phẩm dựa trên các nguyên tắc: Lấy DN làm hạt nhân, liên kết với các thành phần trong chuỗi giá trị; bên cạnh vai trò dẫn dắt của DN lớn, Nhà nước đặc biệt lưu ý đến phát triển DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp, các tổ chức của nông dân; lấy đây làm nền tảng và khâu trung gian quan trọng để kết nối nông hộ nhỏ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp một cách toàn diện và bền vững.
Bên cạnh đó, các bộ ngành đang xây dựng liên kết chuỗi giá trị đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ để kết nối với thị trường toàn cầu, thị trường khu vực và thị trường nội địa; đẩy mạnh áp dụng quy trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo năng lực cạnh tranh theo yêu cầu thị trường ở tất cả các công đoạn.
“Tuy vậy, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới, như chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm thấp nên năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp hạn chế; thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa thiếu ổn định...”, ông Doanh nói.
Sản xuất quy trình an toàn, “sợi dây” liên kết chuỗi
Việt Nam hiện có khoảng 20.000 HTX đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng HTX đưa được nông sản vào chuỗi bán lẻ nông sản hàng hoá an toàn chưa nhiều.
Chia sẻ với phóng viên, bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc thu mua miền Bắc của Siêu thị Big C, cho biết: Nhiều HTX, hộ kinh tế cá thể chưa thực hiện sản xuất theo quy trình rau, quả an toàn. Khi đưa nông sản vào chuỗi bán lẻ Big C phải thực hiện qua 5 bước. Trong đó có duyệt hồ sơ, kiểm tra sản xuất và đàm phán tiến tới ký kết hợp đồng, đơn vị thu mua nông sản tạo dữ liệu cho HTX khi đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ, đặt hàng và giao hàng.
Hệ thống siêu thị Big C có loại nhiều hàng hóa nông sản. Theo đó, nếu HTX, hộ sản xuất không thực hiện sản xuất quy trình an toàn, sẽ bị loại ra ngay từ bước duyệt hồ sơ.
Bộ hồ sơ đưa hàng vào chuỗi gồm: Đăng ký kinh doanh, thông báo tài khoản ngân hàng, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm và công bố chất lượng hàng hoá của cơ quan chức năng nhà nước sản xuất theo quy trình an toàn, báo giá và hàng mẫu…
Sau bước duyệt hồ sơ, Big C và các đơn vị thu mua nông sản vào chuỗi cung ứng đều đến HTX xem thực tế quy trình sản xuất, sơ chế nông sản của đơn vị xem có đúng như hồ sơ cung cấp. Trên cơ sở hồ sơ và thực tế, đơn vị mới quyết định thu mua hàng hoá hay không.
Khâu quan trọng để hàng hoá được khách hàng nhận diện thương hiệu và để HTX khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng không chỉ có chất lượng mà ngay từ ban đầu phải có bao bì, nhãn mác rõ ràng, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, từ đó người dân yên tâm tiêu dùng.
Ông Phùng Văn Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Núi Bé (Chương Mỹ - Hà Nội), chia sẻ: HTX có 12 thành viên phụ trách 15,5ha bưởi Diễn. Trước kia không sản xuất theo quy trình an toàn, bà con gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2017, HTX thực hiện đúng theo quy trình VietGap. Trái bưởi có chất lượng thơm ngon, ngọt, không tồn dư chất hóa học, có tem truy xuất nguồn gốc nên đã cung cấp cho hệ thống siêu thị Fivimart và các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội.
Người tiêu dùng ngày nay đã hướng đến tiêu dùng an toàn cho sức khỏe. Nông sản có truy xuất nguồn gốc sẽ là sự lựa chọn trước, sau đó mới đến giá cả.
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Oánh (Chương Mỹ, Hà Nội) sản xuất bưởi hữu cơ, truy xuất được nguồn gốc nên không có hàng bán ra thị trường. Toàn bộ sản phẩm được DN thu mua xuất khẩu. DN này cũng kiểm soát quy trình sản xuất tại vườn từ khi cây ra trái đến khi thu hái, đóng gói. Hiện nay, ông Oánh đang mở rộng sản xuất bưởi hữu cơ theo nhu cầu đặt hàng từ phía DN.
Như vậy, liên kết sản xuất nông sản an toàn mở ra cơ hội phát triển cho nhiều HTX, hộ sản xuất. Chỉ có sản xuất sản phẩm đạt chuẩn các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về an toàn hay hữu cơ, truy xuất nguồn gốc mới có cơ hội vào chuỗi cung ứng hàng hoá hiện đại và xuất khẩu, cải thiện thu nhập cho nông dân.
Cơ hội mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao
Thực tế, sản xuất theo chuỗi giá trị không chỉ giải quyết bài toán phát triển, nâng cao hiệu quả của HTX, mà còn là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp trong xu thế hội nhập. Liên kết theo chuỗi giúp nâng cao lợi ích cho chủ thể tham gia, đặc biệt đối với nông dân; hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa...
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nhấn mạnh, để phát triển nền nông nghiệp, rất cần vai trò “kích hoạt” của Nhà nước về đổi mới sáng tạo trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ chính sách (thuế, đất đai…) đến các dịch vụ công đi kèm và DN, HTX chính là những đầu tàu dẫn dắt kết nối toàn bộ chuỗi giá trị.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, HTXđóng vai trò rất quan trọng, HTX chính là cầu nối liên kết nông dân, tập hợp và định hướng sản xuất cho nông dân.
Với vai trò đó, thời gian qua, Liên minh HTX TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm đến phát triển, nhân rộng HTX sản xuất theo chuỗi liên kết, giá trị.
Theo Phó chủ tịch Liên minh HTX TP. Hà Nội Nguyễn Trung Thành, để nhân rộng HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, Liên minh tiếp tục hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa HTX nông nghiệp với DN có năng lực tiêu thụ nông sản; tạo điều kiện cho HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; đề xuất hỗ trợ đặc thù cho hoạt động xúc tiến thương mại...
Như vậy, có thể thấy, DN và HTX chính là “chìa khóa” để thúc đẩy sản xuất lớn, bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn có cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường, tạo chuỗi giá trị phát triển.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), để gia tăng giá trị của nông sản Việt, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm thay đổi thói quen của các hợp tác xã, tổ hợp tác, người sản xuất trong việc sản xuất phải gắn với nhu cầu của thị trường; sản xuất các sản phẩm an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững. Hỗ trợ nông dân kiến thức về sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định (Vietgap, Globalgap, Organic…) nhằm sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. “Quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng, diện tích và địa điểm, các điều kiện nhập khẩu sang thị trường đã chấp nhận. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký và bảo hộ thương hiệu, nhất là thương hiệu quốc gia, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể; hướng dẫn các địa phương rà soát, lựa chọn các sản phẩm nông sản chủ lực để xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý”, ông Trung cho hay. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn