Điểm BĐVHX đã có nhiều chuyển biến
Như ICTnews đã đưa tin, tại TP Đà Nẵng, mặc dù các điểm BĐVHX hoạt động không hiệu quả nhưng Bưu điện và chính quyền địa phương không muốn khai tử vì sợ ảnh hưởng đến tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, nhằm phục vụ xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã sử dụng kinh phí 3,4 tỷ đồng để nâng cao hiệu quả hoạt động điểm BĐVHX trong giai đoạn 2012 – 2015.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên, Phó Giám đốc Sở TT&TT Quảng Nam: “Triển khai từ năm 2013 đến nay, đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm BĐVHX phục vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2012-2015” đã đạt được một số kết quả quan trọng. Năm 2013, đã đầu tư 1,3 tỷ đồng cho nhiều hạng mục như: sách, báo, trang bị máy tính, sửa chữa cơ sở vật chất, thù lao cho nhân viên BĐVHX. Cụ thể, mỗi điểm BĐVHX nằm trong dự án được đầu tư 30 đầu sách; Mức thù lao cho nhân viên BĐVHX được hỗ trợ, tăng lên 1 triệu đồng/tháng; Dự án cũng khôi phục hoạt động đối với 4 điểm tạm ngưng trong số 50 điểm thuộc đề án”.
“Việc trang bị hệ thống máy tính tại các điểm BĐVHX đã tạo kênh tiếp cận thông tin, giúp cho người dân nắm bắt được các tiến bộ khoa học kịp thời, góp phần rất lớn trong quá trình hoạt động kinh doanh và sản xuất. Bên cạnh đó, hệ thống máy tính hỗ trợ cho các điểm BĐVHX kinh doanh dịch vụ Internet, tạo ra nguồn thu qua đó cải thiện phần nào doanh thu của nhân viên hệ thống điểm BĐVHX tại các điểm của dự án”, bà Quyên phân tích.
Ông Trần Văn Địch, Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Nam cho biết: “Cùng với sự hỗ trợ của địa phương trong việc đầu tư cho các điểm BĐVHX, trong thời gian qua, Bưu điện tỉnh Quảng Nam cũng đã thực hiện việc khảo sát thực tế các điểm BĐVHX; Phối hợp với các cơ quan liên quan, triển khai các chương trình theo hướng dẫn của Tổng công ty Bưu điện; Thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động tại điểm BĐVHX; Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu để thu hút nhân dân đến đọc sách, báo tại điểm BĐVHX… Nhờ đó, hiệu quả hoạt động của nhiều điểm BĐVHX chuyển biến rõ nét. Năm 2013, doanh thu tính lương của lực lượng bán hàng tại những điểm BĐVHX tăng 312% so với năm 2012, trong đó các điểm BĐVHX của TP Hội An, TP Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình, Đại Lộc có những điểm kinh doanh dịch vụ internet góp tỷ trọng doanh thu cao”.
Xây dựng mô hình Điểm cung cấp thông tin cộng đồng
Theo thống kê của Bưu điện tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 3/2014, toàn tỉnh có 136 điểm BĐVHX đang hoạt động, 26 điểm đã tạm dừng. Tuy nhiên, một số điểm BĐVHX, đặc biệt là các điểm vùng sâu, vùng xa đang xuống cấp trầm trọng, do thiếu kinh phí nên Bưu điện tỉnh Quảng Nam chưa đầu tư, nâng cấp được.
Trao đổi với PV ICTnews, bà Quyên cho biết: “Để củng cố và duy trì hoạt động của một số điểm BĐVHX còn lại, Sở TT&TT Quảng Nam đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt đề án “Phát triển điểm BĐVHX thành Điểm cung cấp thông tin cộng đồng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” nhằm thực hiện đạt kết quả các chỉ tiêu đặt ra đối với ngành thông tin và truyền thông về xây dựng nông thôn mới”.
Các điểm BĐVHX tại Quảng Nam sẽ được phát triển thành Điểm cung cấp thông tin cộng đồng từ 2015 - 2020 |
“Mục tiêu của Đề án đặt ra là phấn đấu đến năm 2015 có 45% số xã có điểm BĐVHX và Internet đạt chuẩn, đến năm 2020 đạt 70% số xã có Điểm BĐVHX và Internet đạt chuẩn. Theo đó, sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển điểm BĐVHX thành Điểm cung cấp thông tin cộng đồng đáp ứng tiêu chí số 8 về xây dựng nông thôn mới ngành thông tin và truyền thông. Điểm BĐVHX sẽ trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi thông tin, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật của người dân; là điểm tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến của nhà nước và các cơ quan quản lý; là nơi người dân có thể tiếp cận thông tin, trao đổi và mua sắm hàng hóa trên mạng Internet được cung cấp tại điểm BĐVHX, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần nhân dân toàn tỉnh” bà Phạm Thị Ngọc Quyên nói thêm.
Đề án sẽ thực hiện việc nâng cấp, tu sữa, duy trì hoạt động ổn định hệ thống điểm BĐVHX; Trang bị bàn ghế đọc sách, tủ sách nhằm xây dựng thư viện nhỏ tại các điểm BĐVHX, nâng tổng số đầu sách bình quân tại các điểm BĐVHX lên 500 đầu sách vào năm 2020, và nâng tổng số người đọc sách, báo bình quân tại các điểm sinh hoạt thông tin và truyền thông cộng đồng lên 10-20 lượt người/mỗi ngày (gấp 2 đến 5 lần so với hiện tại); Tất cả các điểm cung cấp thông tin cộng đồng có đường truyền được kết nối internet và được trang bị 04 bộ máy vi tính để bàn truy cập internet; Hỗ trợ mức lương bình quân của nhân viên làm việc tại Trung tâm thông tin cộng đồng từ 1 đến 1,5 triệu đồng người/ điểm/tháng.
“Đề án sẽ được triển khai thành 02 giai đoạn, với tổng kinh phí thực hiện gần 17 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2014-2015 sẽ ưu tiên đầu tư điểm BĐVHX thành Điểm cung cấp thông tin cộng đồng cho 44 xã nông thôn mới tại các khu vực vùng sâu, vùng xa , đặc biệt khó khăn; Giai đoạn 2 từ 2016 -2020 sẽ tiếp tục triển khai tại các xã còn lại trên địa bàn tỉnh”, bà Quyên nhấn mạnh.
Lê Chi
Nguồn ictnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn