Năm 2018, Thái Thụy đề ra mục tiêu có thêm 9 xã cán đích NTM, từng bước thực hiện mục tiêu huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2019.
Để thực hiện mục tiêu, ngay từ đầu năm, huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM, tập trung thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo XDNTM đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo đó, huyện chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, kèm theo là đăng ký chi tiết, cụ thể từng nội dung phần việc; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, lấy dân làm gốc, là chủ thể trong XDNTM, với phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, kết hợp huy động các nguồn lực từ con em xa quê, doanh nghiệp ủng hộ. Các xã thực hiện rà soát lại toàn bộ các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới. Đồng thời xây dựng kế hoạch, lộ trình thời gian, phân công, phân nhiệm cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn; sử dụng hiệu quả, đúng quy định nguồn vốn được phân bổ trong xây dựng các công trình cũng như việc hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất.
Ngoài nguồn lực từ Nhà nước hỗ trợ theo quy định, Thái Thụy cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí; từng xã phải xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung thực hiện. Đối với những xã đạt chuẩn, phấn đấu XDNTM kiểu mẫu, phải bảo đảm chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. Những xã khó khăn, tập trung nâng cấp hạ tầng thiết yếu và thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước cải thiện cuộc sống người dân.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Sau 7 năm triển khai XDNTM, vượt qua nhiều khó khăn, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực của nhân dân, Thái Thụy đã có 32/47 xã được tỉnh Thái Bình công nhận đạt chuẩn NTM (đạt trên 68%).
Theo thống kê năm 2017, tổng vốn đầu tư cho Chương trình XDNTM của huyện đạt trên 3.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 860 tỷ đồng, nguồn huy động xã hội hóa hơn 2.000 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp cùng các dự án lồng ghép và vốn khác hơn 682 tỷ đồng, cùng hàng nghìn mét vuông đất, hàng chục nghìn ngày công lao động do nhân dân tình nguyện đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi, các thiết chế văn hóa...
Bên cạnh đó, Thái Thụy đẩy mạnh xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả, đi kèm với những chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ, cùng sự hưởng ứng mạnh mẽ tích cực của người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, tổ chức sản xuất theo hướng công nghệ cao… Toàn huyện xây dựng được 19 cánh đồng lớn tại 16 xã với diện tích lên đến 1.000 ha; 20 xã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi; ứng dụng khoa học công nghệ, thâm canh cây trồng giống mới năng suất, giá trị cao.
Từ dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất mà chăn nuôi quy mô trang trại tập trung dần thay thế cho hình thức nhỏ lẻ trong khu dân cư; nuôi trồng thủy sản phát triển, 34ha nuôi tôm thâm canh công nghệ cao đã mở ra triển vọng cho nghề nuôi tôm ở các xã ven sông, ven biển.
Nhằm thu hút đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế nông thôn ổn định, bền vững, Thái Thụy đã thành lập 7 cụm công nghiệp, trong đó tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh như: chế biến thủy hải sản, may mặc, chế biến gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp. Huyện hiện có 528 doanh nghiệp (2 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), sản xuất kinh doanh các lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp; giải quyết việc làm cho 41.929 lao động trên địa bàn, qua đó góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người lên 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,82%.
Hành trình về đích
Về Thái Dương, xã đăng ký về đích NTM trong năm 2018, Chủ tịch UBND xã, ông Bùi Văn Bảy, bày tỏ: Thái Dương là một trong những xã thuần nông, nguồn lực XDNTM rất khó khăn. Nhận được chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện và sự quan tâm trực tiếp chỉ đạo, bám sát cơ sở từ phía lãnh đạo trong thực hiện XDNTM, bên cạnh đó là sự vào cuộc của nhân dân, sự ủng hộ của con em xa quê, của các doanh nghiệp, xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM.
Nếu như năm 2010, khi chưa thực hiện XDNTM, kinh tế của xã chậm phát triển, nhỏ lẻ, manh mún, hệ thống bờ vùng, bờ thửa không được đầu tư củng cố thường xuyên, việc đưa máy móc, cơ giới vào sản xuất rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao… thì nay, thu nhập bình quân của xã ước đạt trên 37 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo (xét theo tiêu chuẩn đa chiều) giảm chỉ còn 0,8%. Chương trình XDNTM đã thổi vào địa phương luồng gió mới, người dân đã nhìn thấy “cái được” của mình nên càng thêm tin vào sự lãnh đạo, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, càng quyết tâm phấn đấu cùng với Đảng bộ, chính quyền xã cán đích NTM theo đúng lộ trình đề ra.
Cũng như hầu hết các xã trên địa bàn, Thái Thuần được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017. Ông Lưu Tiến Chinh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp và dân hưởng thụ”, qua 7 năm thực hiện XDNTM, từ chỗ thu nhập bình quân đầu người ước đạt 10,8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở mức 14,9%, số hộ có kinh tế giàu và khá còn thấp, ruộng đất manh mún (5,4 thửa ruộng/hộ)…, thì nay, bình quân chỉ còn 1,7 thửa/hộ, bên cạnh đó xã còn quy hoạch được 3 vùng sản xuất hàng hóa, thu nhập bình quân ước đạt trên 37 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,48%.
Thụy An là lá cờ đầu trong XDNTM, thành viên của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hoàn thành XDNTM năm 2014; xã đầu tiên của huyện thực hiện kéo điện năm 1989, thực hiện đường cao áp “thắp sáng vùng quê” năm 1999 , thực hiện nước sạch nông thôn (tuy là xã nhỏ nhưng Thụy An có tới 2 nhà máy nước sạch)… Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thụy An là xã nội đồng, xa trung tâm huyện, lại biệt lập với các xã khác, giá trị nông nghiệp trên toàn địa bàn chiếm tới hơn 80% trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nên xã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 32,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,9%. Kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp đã giúp Thụy An tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, đặc biệt là tiêu chí phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập.
Có thể thấy, đường đến chuẩn NTM của huyện Thái Thụy năm 2019 với mục tiêu: “Sản xuất phải thực sự phát triển, cuộc sống nhân dân sung túc, diện mạo nông thôn sạch sẽ, thôn xã văn minh, quản lý dân chủ” đang dần hiện hữu.
Tác giả bài viết: Kiều Thủy
Nguồn tin: kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn