Khách du lịch trải nghiệm công việc nhà nông tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, thị xã Hội An.
Là đất nước với hơn 70% số dân sống ở nông thôn, sở hữu nền sản xuất sinh thái nông nghiệp có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, Việt Nam có lợi thế lớn để phát triển DLNN. Ðây là hai ngành có mối quan hệ hữu cơ. Tiềm năng nông nghiệp gắn với những cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả, làng nghề truyền thống, trang trại, miệt vườn… trải dài từ bắc vào nam chính là cơ sở tiền đề để thúc đẩy du lịch. Và ở chiều ngược lại, phát triển du lịch dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng làm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nông dân, qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống nông thôn. TS Ngô Kiều Oanh, Giám đốc Trang trại Ðồng quê Ba Vì khẳng định: Lượng khách quan tâm tới DLNN sẽ ngày càng lớn bởi trong guồng quay đô thị hóa, một không gian sống thực và thoáng đạt mang tính đồng quê với cộng đồng nông nghiệp làng xã ấm cúng luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách ở mọi lứa tuổi. Thời gian qua, tại nhiều địa phương, các tổ chức, cá nhân đã bắt tay vào đầu tư, khai thác DLNN. Một số tua điển hình đã trở thành thương hiệu thu hút du khách như: tua du lịch mùa lúa chín ở làng cổ Ðường Lâm (Hà Nội), thăm mô hình làng quê Yên Ðức (Quảng Ninh), tham quan làng tranh dân gian Ðông Hồ (Bắc Ninh), nông trường Mộc Châu (Sơn La), làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam), hay du lịch miệt vườn, chợ nổi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long… Tuy nhiên, xét trên tổng thể, những khu vực có đủ khả năng khai thác DLNN một cách chuyên nghiệp ở nước ta không nhiều. Vụ trưởng Lữ hành - Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương cho rằng: Hầu hết các hoạt động DLNN vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, trùng lặp; sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn và chưa được chú trọng về thương hiệu. Bà con nông dân vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp mà chưa có đủ các kỹ năng phục vụ du lịch. Phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản mà chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ khác. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm DLNN cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nhiều nơi thậm chí không có nhà vệ sinh. Thêm nữa, tính liên kết giữa điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành còn hạn chế, dẫn tới khả năng thu hút khách không cao. Ðây là những thách thức mà DLNN bắt buộc phải vượt qua nếu muốn loại hình trải nghiệm này sẽ trở thành "con gà đẻ trứng vàng" cho ngành du lịch và nông nghiệp. Tại Hội thảo "Ðịnh hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường" do Tổng cục Du lịch phối hợp Báo Nông thôn ngày nay tổ chức vừa diễn ra cuối tháng 3-2018, nhiều chuyên gia đã "hiến kế" để DLNN khởi sắc. Theo Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, du lịch và nông nghiệp cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để du lịch có thể khai thác những giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm DLNN mang tính đặc thù, hấp dẫn, từ đó có phương thức tiếp thị, quảng bá, xúc tiến hiệu quả. Trước sức ép về đô thị hóa, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, việc phát triển sản phẩm DLNN trên nền tảng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao cần được xác định sẽ là hướng đi chủ đạo. Ðể tránh các sản phẩm đơn điệu trùng lặp, các địa phương cần xác định được sản phẩm cốt lõi có tính khác biệt, khai thác các yếu tố điểm nhấn mang tính đặc trưng gắn với khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống bằng các dịch vụ nhỏ gọn nhưng tinh tế, chuyên nghiệp, thân thiện, phù hợp quy mô nông nghiệp nhỏ của Việt Nam. Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, về mặt chính sách, ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp triển khai xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng việc hỗ trợ tiếp cận vốn, công nghệ, đầu tư hạ tầng, bồi dưỡng tập huấn nhân lực; xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn, xếp hạng, gắn sao cho các sản phẩm DLNN chất lượng cao; đầu tư mẫu mã, công nghệ để đưa sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn, chất lượng sản xuất ở địa phương thành hàng hóa phục vụ khách du lịch. Về quản lý điểm đến phải bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia, nhất là với người dân - chủ thể của hoạt động DLNN. Quy chế quản lý điểm đến cần được ban hành và giám sát thực hiện trên cơ sở cam kết thỏa thuận thực hiện giữa các bên về bảo đảm chất lượng dịch vụ, giá cả. Bên cạnh đó, điều đặc biệt quan trọng trong phát triển DLNN là phải bảo đảm tính liên kết chặt chẽ giữa các thành phần liên quan. Ðại diện Công ty Fiditour khẳng định: Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa bốn bên, bao gồm Tổng cục Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị lữ hành và các nhà cung cấp dịch vụ. Ðặc biệt, các cơ quan quản lý cần thành lập ban chuyên trách hỗ trợ và tư vấn cho bà con nông dân về định hướng phát triển sản phẩm, xu thế tiêu dùng, đào tạo kỹ năng… để đưa nông nghiệp thành sản phẩm du lịch. TS Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Thị trường du lịch-Tổng cục Du lịch đưa ra gợi ý: Cuốn sách "Cẩm nang thực tiễn phát triển du lịch nông thôn Việt Nam" do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện là tài liệu tham khảo bổ ích cho phát triển DLNN ở nước ta. Ngoài các kênh bán hàng truyền thống, việc truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cũng là những kênh hiệu quả trong thu hút khách du lịch. Ðây đều là những giải pháp cần được thực hiện đồng bộ trong một lộ trình dài hơi dựa trên xây dựng chiến lược bài bản; có thế mới tạo nên động lực mạnh mẽ để DLNN Việt Nam bứt phá.
|
VIỆT ANH/nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn