Hiện nay, đã có nhiều nơi thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng đem lại hiệu quả tốt. Xã Ba Trại, huyện Ba Vì với những vườn chè an toàn, không gian thoáng đãng, trong lành, cây trái xanh mát cũng đang từng bước thực hiện mô hình này, hứa hẹn sẽ là điểm du lịch trải nghiệm lý tưởng trong tương lai gần.
Các em học sinh trải nghiệm thực tế tại vườn chè Ba Trại. |
Cách làm sáng tạo
Một ngày cuối tuần, đến Ba Trại, chúng tôi hòa cùng một đoàn học sinh trên con đường bê tông rộng rãi đến tận vườn chè VietGAP của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Ba Trại (HTX Ba Trại). Cảm nhận đầu tiên là không khí trong lành của vùng núi nằm ở phía Tây huyện Ba Vì. Dọc hai bên đường, lớp lớp những vạt đồi nhấp nhô một màu xanh mướt của những vườn chè, cây trái, thu hút ánh mắt háo hức được khám phá của các em học sinh.
Cũng như các đoàn khác, hôm nay, hàng trăm học sinh của trường Tiểu học Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) đến Ba Trại thực hiện chương trình học ngoại khóa. Tại đây, các em sẽ được hướng dẫn viên là các xã viên của HTX trực tiếp giới thiệu về làng nghề chè. Đoàn sẽ đi thăm và trải nghiệm thực tế các công đoạn từ trồng, chăm bón, thu hái, chế biến đến pha trà. Đặc biệt, các em sẽ được nghe các làn điệu dân ca, xem những bộ trang phục độc đáo của người Mường.
Mô hình du lịch cộng đồng ở Ba Trại không chỉ hướng tới đối tượng là học sinh mà còn đại đa số người dân. Bởi qua các hoạt động, giúp du khách gần gũi với thiên nhiên, rèn luyện kỹ năng sống và có thêm kiến thức về sản xuất nông nghiệp đơn giản nhưng mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Em Nguyễn Lan Anh - học sinh trường Tiểu học Đống Đa chia sẻ: “Qua trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất, thu hái chè, em mới thấy hết được sự vất vả của các bác nông dân”.
Từ năm 2017, HTX Ba Trại bắt đầu triển khai phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Theo đó, HTX thực hiện liên kết với các công ty du lịch trong vùng như Đầm Long, Long Việt, Trang trại Đồng quê... tổ chức đưa đoàn vào tham quan, trải nghiệm với mức phí là từ 20.000 – 25.000 đồng/người. Cùng với việc tăng thêm thu nhập cho người dân, phát triển du lịch cũng giúp cho xã viên HTX nhận thức được việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, đây cũng là dịp để quảng bá thương hiệu chè Ba Trại đến người tiêu dùng theo hướng trực tiếp và gần gũi nhất.
Giám đốc HTX Ba Trại Bùi Ngọc Kiên cho biết: “Dựa vào thế mạnh của địa phương, chúng tôi đã phối hợp với các khu du lịch, trường học tổ chức các tour du lịch sinh thái. Sau một thời gian thực hiện đã nhận được sự quan tâm tích cực của du khách. Để đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng cao của ngành du lịch, thời gian tới, HTX sẽ tổ chức theo hình thức quy mô hơn, chia riêng từng vùng dành cho khách tham quan và trải nghiệm, triển khai thêm các gian hàng để kết hợp giới thiệu sản phẩm”.
Một vườn chè tại xã ba Trại |
Mô hình cần được nhân rộng Nhắc tới Ba Vì là nhắc đến các vùng sinh thái của 7 xã miền núi với thác nước, núi non, vườn đồi, hồ Suối Hai, các di tích đình, đền hay văn hóa các dân tộc Mường, Dao... Đó là nền tảng để du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng ở Ba Vì phát triển mạnh, thu hút được số lượng lớn du khách tới thăm. Chỉ tính riêng năm 2017, huyện Ba Vì đã đón gần 2,7 triệu lượt khách, đạt doanh thu 276 tỷ đồng. Việc phát triển du lịch cộng đồng ở xã Ba Trại sẽ góp phần khơi dậy những tiềm năng phát triển du lịch ở các địa phương khác trong huyện. Đồng thời, đem lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, tiêu thụ hàng hóa, nông sản, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân.
Là xã miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Ba Vì, xã Ba Trại có hệ thống giao thông phát triển đồng bộ. Hiện xã đã cứng hóa 18/18km đường giao thông trục xã, bê tông hóa được 100% đường liên thôn, trục thôn đáp ứng được việc đi lại thuận tiện. Chè là loại cây trồng chiến lược về phát triển kinh tế của địa phương với 40ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Toàn xã hiện có gần 3.000 hộ dân trồng chè chiếm 80% dân số, có 9 làng nghề chế biến chè búp khô đã được công nhận.
Ba Trại xác định phát triển cây chè gắn với việc phát triển du lịch sinh thái sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Khi phát triển mô hình này, người dân sẽ trực tiếp tham gia và thu lợi. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên và văn hóa truyền thống.
Chủ tịch UBND xã Ba Trại Nguyễn Đức Dần chia sẻ, mô hình du lịch cộng đồng ở Ba Trại đã góp phần tích cực cải thiện đời sống của người dân. Hoạt động này cũng là một trong những hình thức quảng bá thương hiệu chè Ba Trại đến với người tiêu dùng. Địa phương đang định hướng cho HTX quy hoạch cụ thể hơn để phục vụ nhu cầu của khách tham quan. “Chúng tôi rất mong chính quyền các cấp, DN, các nhà đầu tư quan tâm hơn nữa tới địa phương và xây dựng chuỗi liên kết để phát triển du lịch sinh thái theo hướng an toàn, bền vững, giúp nông dân vươn lên làm giàu” - ông Dần nói.
Trong thời gian tới, huyện Ba Vì tiếp tục đầu tư nâng cấp các sản phẩm đã có, xây dựng các sản phẩm mới. Đặc biệt, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng ở các xã Ba Trại, Vân Hòa, Ba Vì, Cổ Đô… Đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển các dự án lớn về du lịch, hình thành hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí... cao cấp ở các khu vực sườn Tây núi Ba Vì, khu du lịch Hồ Suối Hai... Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện, tạo ra các tour du lịch khép kín, tạo mới các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng |
Du khách có nhu cầu trải nghiệm thực tế tại khu du lịch sinh thái làng nghề sản xuất chế biến chè xã Ba Trại có thể liện hệ với ông Bùi Ngọc Kiên – Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Ba Trại, địa chỉ thôn 5 xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội theo số điện thoại: 0963.253.386. |
Theo Kinh tế đô thị