Khái niệm về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) có thể hiểu theo cách đơn giản như chia sẻ của Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới: "Cách mạng công nghiệp lần đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".
Cách đây ít ngày, tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ 2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, việc ứng dụng thành quả của cuộc CMCN 4.0 vào sản xuất nông nghiệp của Việt Nam để có nền sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu, Việt Nam không đứng ngoài làn sóng này.
Ông dẫn chứng trên thế giới, nông nghiệp 4.0 đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Tại Mỹ, Brazil, Argentina, nông nghiệp 4.0 đã giúp nước này giảm tới 50% giá thành sản xuất ngô và đỗ tương.
Tại Nhật Bản, chỉ với 2 triệu dân làm nông nghiệp (chiếm 1,5%) trong tổng số 127 triệu dân, canh tác trên 1,5 triệu ha đất nông nghiệp nhưng không phải nhập khẩu gạo mà còn xuất khẩu thịt bò và một số rau quả.
Tại Malaysia, quốc gia ở ASEAN, đã ứng dụng nông nghiệp thông minh, có thể giúp nông dân trồng ớt tăng thu nhập hơn gấp đôi (+129%). Philippines, một nước đang phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn ngô mỗi năm từ 5-10 năm trước, thì năm 2017 tuyên bố đạt hơn 8 triệu tấn ngô, trong khi nhu cầu chỉ cần 5,6 triệu tấn, chủ yếu nhờ tăng sử dụng giống ngô lai và công nghệ tưới bằng năng lượng mặt trời...
Tất cả đều là những con số hấp dẫn và là những tấm gương đầy thuyết phục, nhưng học tập được họ quả là không hề dễ dàng.
Hẳn mọi người còn nhớ đã từ nhiều năm nay, nông nghiệp Việt Nam đã triển khai mô hình liên kết “4 nhà”, bao gồm Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông. Ở đây có sự phân công rất mạch lạc, từ việc Nhà nước tạo môi trường pháp lý đến việc khuyến khích nhà doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm; nhà khoa học thì nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng những tiến bộ mới nhất để nâng cao năng suất lao động; nhà nông thì sản xuất theo đơn đặt hàng…
Tuy nhiên, hàng hóa nông sản Việt Nam vẫn long đong vất vả mỗi khi thị trường trái nắng trở trời.
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn - vấn đề phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam còn gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, về đất đai, trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần diện tích lớn và thời hạn sử dụng đất lâu dài để thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo đồng bộ của sản phẩm trên diện rộng và nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, đất sản xuất đang thuộc quyền sử dụng của hàng chục triệu người dân, mỗi hộ một diện tích nhỏ, manh mún và không đồng đều.
Hoặc như về vấn đề tuổi thọ chính sách. Điều quan trọng, nhà đầu tư không chỉ trông vào những chính sách ưu đãi Nhà nước dành cho họ, mà còn quan tâm đến tuổi thọ của các chính sách lâu dài và nằm trong quy hoạch rõ ràng, ổn định. Bởi lẽ, trên thực tế, mặc dù Nhà nước đã ban hành không ít chính sách khuyến khích đầu tư vào phát triển nông nghiệp nhưng chính sách vừa được ban hành thì đã thay đổi điều này khiến cho doanh nghiệp gặp không ít khó khăn…
Một điều đáng mừng là hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã bắt tay vào lĩnh vực này. Ngoài Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai và Tập đoàn Vingroup đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho nông nghiêp thì gần đây nhất, đại gia ngành thép Hòa Phát cũng đã có những kế hoạch khổng lồ cho cuộc chinh phục lĩnh vực thức ăn chăn nuôi…
Hy vọng đây sẽ là “đội quân tiên phong”, có đủ lòng tự tôn dân tộc và tiềm lực tài chính, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, trả giá để tìm được con đường ngắn nhất cho nông nghiệp Việt Nam trên con đường chinh phục cuộc CMCN 4.0 này.
Tại Hội thảo “Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã “lỡ nhịp” cả 3 cuộc CMCN trước đây và nhấn mạnh: “Cơ hội của Việt Nam ở cuộc CMCN lần thứ 4 này là rất lớn”. Ông khẳng định: “Nhờ CMCN 4.0 mà lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp. Đây chính là cơ hội cho sự phát triển bao trùm”. |
Nguyễn Long Vân/ Petrotimes
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn