Người dân xóm Chanh Trên, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) chăm sóc rau màu vụ đông.
Đưa chúng tôi đi thăm mô hình trồng bưởi đỏ tại xóm Chiềng 1, đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trong những năm qua, việc sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là trồng trọt trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xã đã thực hiện tốt việc dồn điền, đổi thửa, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; từng bước quy hoạch vùng sản xuất tập trung để có sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Xã đã phát triển được một số cây trồng như mía tím, củ đậu, khoai tây, dưa chuột và các loại rau, đậu. Hiệu quả kinh tế ước đạt từ 80 - 200 triệu đồng /ha. Các giống lúa có năng suất cao được trồng thử nghiệm và nhân rộng. Đến nay, diện tích gieo trồng hàng năm của xã đạt từ 750 - 800 ha lúa và khoảng 300 ha cây màu. Thu nhập từ trồng trọt ngày càng tăng lên.
Tuy nhiên, phát triển trồng trọt ở Vĩnh Đồng đã bộc lộ một số hạn chế như: tự phát theo phong trào, thiếu bền vững, việc đổi mới phương thức trong sản xuất nông nghiệp còn chậm. Chưa có loại cây trồng cho thu nhập cao. Các mô hình sản xuất hiệu quả chưa được nhân rộng, còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nội đồng còn là đường đất, nhỏ hẹp nên không đáp ứng được yêu cầu đi lại, vận chuyển nông sản….
Trước thực tế đó, cuối năm 2014, Đảng ủy xã Vĩnh Đồng đã ban hành Nghị quyết số 15 về “phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn xã Vĩnh Đồng”. Trong đó, tập trung vào mục tiêu khai thác, tận dụng tiềm năng, lợi thế đối với các sản phẩm trồng trọt có ưu thế cạnh tranh để mở rộng diện tích như: cam, bưởi đỏ, bưởi da xanh, chanh không hạt, nhãn, mít Thái, hồng xiêm, thanh long, các loại rau củ quả… Đồng thời, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh sản xuất, tập trung quy mô theo hình thức tận dụng vườn nhà, gò đồi, đất bưa bãi, tiến hành liên kết giữa các hộ để lập các trang trại phù hợp với điều kiện đất đai chật hẹp ở xã, thực hiện sản xuất và chế biến sản phẩm an toàn.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: Xã cũng đã quy hoạch cụ thể các vùng trồng cây ăn quả và vùng trồng rau đậu, củ quả. Cụ thể như trồng các loại cây ăn quả sẽ được triển khai bằng cách xóa vườn tạp, tận dụng đất gò đồi, bưa bãi tại các xóm Chiềng 1, Chiềng 2, Chiềng 3, Chiềng 4, Chiềng 5, Rù 1, Cốc, Chanh trên… Tiếp tục dồn điền, đổi thửa, trồng củ đậu, khoai và dưa các loại từ xóm Chiềng 1 đến Chiềng 5. Lặc lày và khoai tây trồng tại xóm Rù 1, Rù 2, Cốc. Ngô, mướp đắng, rau trồng tại xóm Sống Dưới, Sống Trên, Chanh Cả, Chanh Trên. Mô hình trồng rau an toàn sẽ tập trung triển khai tại xóm Nà Vọc, Nà Mười, Đồng Vườn, Nà Báy, Đồng Khú. Xã cũng đã tích cực tập huấn kỹ thuật trồng trọt cho nhân dân; vận động nhân dân ứng dụng KH -KT vào sản xuất, thực hiện thâm canh, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm...
Thực tế sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết s? 15, đến nay, xã đã mở rộng diện tích cây ăn quả lên hơn 6 ha và diện tích rau củ quả gần 120 ha, trong đó có 20 ha rau an toàn. Cây trồng chủ lực là 40 ha khoai tây, 20 ha dưa các loại, 20 ha bí các loại, 10 ha củ đậu, gần 5 ha lặc lày, Vùng sản xuất tập trung dần được hình thành. Đầu ra cho sản phẩm bước đầu có tín hiệu vui khi chợ nông sản với diện tích 0, 5 ha chuẩn bị được khởi công tại Nà Giòi.
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa cũng được Vĩnh Đồng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đây cũng là giải pháp chính đang được xã thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt mức 18 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 10%, xã đạt chuẩn NTM.
Theo Báo Hòa Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn