Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước trao đổi các vấn đề về chính sách và thực tiễn trong cả nước về nông nghiệp và nông thôn ĐBSCL.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững, các chuyên gia trình bày những kết quả nghiên cứu từ thực địa về tác động của quá trình biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái, đến không gian sống và sinh kế của cư dân ĐBSCL, nơi chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Và dưới góc nhìn của khoa học xã hội và nhân văn, nhiều vấn đề về giới và các cộng đồng dễ bị tổn thương cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm khi tiếp cận với nông thôn ĐBSCL trước những tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và biển đổi khí hậu. Với cách tiếp cận đa chiều, đa ngành, các chuyên gia đã đi sâu vào việc nghiên cứu các mô hình phát triển bền vững, kinh tế xanh, nông nghiệp thông minh… có thể ứng dụng tại ĐBSCL.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long phải gắn với liên kết vùng (ảnh minh họa) |
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp thì ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch và thương mại quốc tế nhưng sự phát triển trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là do hạn chế trong chất lượng nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực thấp đang là rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL và là trường hợp điển hình cho cả nước. Chính vì vậy, theo PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp phải coi phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá để thúc đẩy sự phát triển của vùng, trong đó đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết tốt vấn đề lao động và việc làm phải là giải pháp ưu tiên trong chiến lược phát triển vùng ĐBSCL.
Theo kết quả nghiên cứu hành vi lựa chọn ứng dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp bền vững của nông hộ nghiên cứu của PGS-TS Đinh Phi Hổ, các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn ứng dụng công nghệ của nông hộ gồm, vốn con người (trình độ học vấn, trình độ kiến thức nông nghiệp), diện tích đất sản xuất, vốn xã hội (tham gia vào các tổ chức – đoàn thể ở nông thôn), tiếp xúc với cán bộ khuyến nông và khả năng tiếp cận thị trường… Do đó, để thúc đẩy nông hộ lựa chọn ứng dụng các biện pháp sản xuất bền vững, ứng dụng được công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì các chính sách cần tập trung vào vốn con người và vốn xã hội. Đặc biệt, phải phát triển thị trường chợ nông thôn và cải thiện hệ thống giao thông nông thôn nhằm tạo điều kiện cho nông dân giảm chi phí tiếp cận thị trường đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.
Tại hội thảo, PGS-TS Vũ Trọng Khải cho rằng để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, trước hết, cần có những đổi mới căn bản về tư duy và hoạch định chính sách phát triển mang tính đột phá. Trong đó, cần có chính chính sách phát triển công nghiệp và đô thị đúng đắn để biến nông dân thành thị dân một cách bền vững, làm giảm dân cư và sức lao động nông nghiệp, tạo ra nguồn “cung” đất nông nghiệp cho thị trường, nhằm thúc đẩy tiến trình tích tụ và tập trung ruộng đất, tạo lập các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, đủ năng lực ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, phải có chính sách đào tạo đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, đủ năng lực quản lí các trang trại gia đình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đủ năng lực thành lập và quản lí hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã 2012. Chính sách phát triển các Hợp tác xã và doanh nghiệp đóng vai trò “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị ngành hàng ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái…
GS-TS Võ Tòng Xuân phát biểu tại hội thảo |
Tại hội thảo, GS-TS Võ Tòng Xuân và một số nhà nghiên cứu đã nhắc đến kinh nghiệm xây dựng nông nghiệp, nông thôn thành công của Hàn Quốc vào thập niên 70 dưới thời Tổng thống Park Chung Hee, theo đó muốn phát triển kinh tế nông thôn bền vững phải theo nhu cầu của thị trường, phải liên kết chuỗi, có chính sách phù hợp. GS Võ Tòng Xuân cũng nhắc đến trường hợp Nhật Bản, luật hợp tác xã thay đổi gần 50 lần để phù hợp với tình hình thực tiễn trong quá trình phát triển.
Do đó, phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL, trong đó có hợp tác xã trong điều kiện nước ta hiện nay, theo GS Võ Tòng Xuân phải nghiên cứu và phát triển theo chuỗi giá trị, theo nhu cầu của thị trường, phát triển liên ngành và đa ngành, và phải làm sao xây dựng chính sách liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. Và luật về hợp tác xã cũng nên điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, phát triển kinh tế hợp tác xã phải phù hợp với đặc thù từng vùng kinh tế mới phát huy được hiệu quả của 15.000 HTX ở nước ta hiện nay.
Đồng quan điểm với GS Võ Tòng Xuân, đa số các học giả tại hội thảo cũng nhấn mạnh chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL phải gắn với liên kết vùng, trong đó phải có sự gắn kết với phát triển kinh tế TPHCM và khu vực Đông Nam Bộ.
Theo Petrotimes
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn