Làng nghề hương thẻ Tây Lân
Đến nhà anh Lê Văn Việt – một trong những gia đình có nhiều năm làm nghề hương ở đây chia sẻ: Nghề làm hương yêu cầu cẩn thận trong từng công đoạn nhưng không vất vả như làm nông nghiệp lại cho thu nhập khá. Bởi nghề này tranh thủ được nguồn lao động nhàn rỗi trong gia đình, mọi người ai cũng có thể tham gia, người lớn thì đảm nhận khâu pha trộn bột và làm hương, trẻ em và người già thì xe hương và gói hương, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Trước đây, người dân làng nghề thường làm hương thủ công theo phương pháp se hoặc nhúng bột lên tăm hương mất nhiều thời gian và công sức. Bây giờ thì hầu như gia đình nào cũng đầu tư máy móc, thiết bị từ khâu nhào bột hương đến làm hương nên mất ít sức lao động, sản phẩm làm ra nhanh hơn, nhiều hơn trước, có những hôm làm được 10.000 búp, đáp ứng kịp thời thị trường tiêu thụ.
Việc làm hương bằng máy cho hiệu quả cao hơn làm thủ công
Ông Lê Văn Nam – Trưởng làng nghề Tây Lân cho biết: Trước khi được công nhận là làng nghề thì có nhiều gia đình làm nhưng hiện nay chỉ còn 14 hộ gia đình trong xóm tham gia. Nghề hương cũng có những bí mật về nguyên liệu và cách pha chế để tạo nên mùi thơm đặc trưng cho thương hiệu của mỗi gia đình. Làng nghề chúng tôi đã có từ lâu, chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng nên sản phẩm của làng làm ra đã được nhiều thị trường đặt mua, đáp ứng đủ nhu cầu trong huyện, trong tỉnh và sang cả nước bạn Lào. Hiện nay, mỗi gia đình làm nghề hương thu nhập bình quân từ 80 – 100 triệu đồng/năm, nhiều gia đình đã mua ô tô phục vụ việc vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. Việc người dân trong làng có nguồn thu nhập ổn định từ làng nghề đã tạo điều kiện cho địa phương trong việc vận động bà con xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Để hỗ trợ làng nghề phát triển, đầu năm 2014, Quỹ Trung ương Hội nông dân hỗ trợ cho các hộ gia đình vay vốn với tổng số tiền là 350 triệu đồng; Quỹ khuyến nông liên minh HTX cũng hỗ trợ kinh phí làm 3km đường giao thông nông thôn giúp bà con trong làng dễ dàng lưu thông hàng hóa. Vừa qua, huyện Nghi Lộc cũng đã tổ chức hội thảo với sự tham gia của 21 làng nghề để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, định hướng việc phát triển cho từng làng nghề.
Công đoạn đóng gói chuẩn bị đưa sản phẩm đi tiêu thụ
Theo ông Lê Văn Nam, tất cả các hộ gia đình tham gia làng nghề đều có những định hướng riêng cho mình. Với gia đình tôi, trong thời gian tới sẽ cố gắng nắm bắt thị trường tiêu thụ, đáp ứng chất lượng, mẫu mã, giá cả phù hợp. Để giữ vững và phát triển làng nghề cho hiệu quả, người dân làng nghề mong muốn tỉnh, huyện tiếp tục hỗ trợ cho làng nghề, nhất là có các biện pháp hỗ trợ làng nghề đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm, không ảnh hưởng đến đời sống người dân ở nơi đây.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn