Nông dân đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền (Ảnh minh họa) |
Thành phần Đoàn giám sát gồm đại diện Hội ND tỉnh, Ban Dân vận tỉnh ủy, UBMTTQ tỉnh, Sở NNPTNT, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Thọ.
Qua báo cáo cho thấy, các ngân hàng tập trung nguồn vốn của đơn vị cho vay trên địa bàn tỉnh, văn bản được triển khai đến 60-70% người dân. Việc thành lập Ban Chỉ đạo vay vốn cấp xã được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh.
Việc cho vay của Agribank đã đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, giúp nhiều nông dân có cơ hội phát triển sản xuất, hạn chế tình trạng vay vốn qua trung gian và cho vay nặng lãi.
Nhiều hộ gia đình, kể cả các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của Agribank theo cơ chế ưu đãi đã vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Cho vay theo Nghị định 55,116 thủ tục, hồ sơ vay vốn của khách hàng đã giảm đi rất nhiều so với các loại cho vay thông thường khác.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập, do đó Đoàn giám sát đề nghị: Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Thọ cần tham mưu tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng chương trình hoặc kế hoạch thực hiện Nghị định 55,116, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn…Xem xét, nâng cao mức cho vay, thời gian cho vay đối với các món vay không đảm bảo bằng tài sản; tăng cường cải thiện, tăng tỷ trọng cho vay đối với hợp tác xã, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo mô hình liên kết…
Thực hiện sự chỉ đạo của Hội ND tỉnh, 13/13 Hội ND huyện,thị, thành đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giám sát theo đúng qui định. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cán bộ, hội viên, nông dân giám sát thường xuyên, kịp thời phản ánh với tổ chức Hội, các cơ quan chức năng và thông tin qua Đường dây nóng của Trung ương Hội NDVN.
Hội ND các huyện, thị, thành đã tổ chức được 17 cuộc giám sát. Nội dung giám sát chủ yếu việc kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ nông dân phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sử dụng nguồn vốn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện quy trình tổ chức nhận ủy thác cho vay, quản lý sử dụng vốn vay Ngân hàng CSXH, Quỹ HTND…
Hội ND các xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát và phối hợp giám sát được 256 cuộc. Nội dung chủ yếu giám sát việc thu, chi các loại phí, quỹ, nguồn vận động xã hội hóa; việc xây dựng cơ sở hạ tầng; làm đường giao thông nông thôn…
Về công tác phản biện, Hội ND cấp huyện, xã phối hợp với UBMTTQ tổ chức được 216 cuộc với hình thức tổ chức Hội nghị và gửi lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Các cấp Hội cũng phối hợp tổ chức trên 200 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Qua các Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, người dân được phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng, từ đó từng bước hạn chế những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở.