Nhiều nông dân từ các xã lân cận đã tham quan học hỏi và thấy đây là mô hình có hiệu quả. Vậy là mô hình đã lan đến các xã: An Thạch, An Định, thị trấn Chí Thạnh với hơn 3.000 con bò đưa vào vỗ béo
Hầu hết các con bò đựợc đưa vào vỗ béo đều có trọng lượng thấp, bình quân 200 kg/con, tỷ lệ thịt không cao, chất lượng thịt kém, bò không còn khả năng sinh sản, bò đực không còn sử dụng cày kéo. Sau được tuyển chọn đưa vào vỗ béo, các hộ dân thực hiện tẩy nội, ngoại ký sinh trùng và chăm sóc theo theo đúng quy trình kỹ thuật. Sau 03 tháng vỗ béo, trừ hết chi phí, mỗi hộ thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/con bò. Đây là khoản thu nhập đáng kể với bà con nông dân trong huyện Tuy An.
Hộ ông Nguyễn Minh Hùng ở thôn Phú Cần, xã An Thọ nuôi vỗ béo 10 con bò. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật do cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn, cộng thêm được tham dự lớp tập huấn phòng trị bệnh cho trâu bò nên đàn bò của gia đình ông phát triẻn tốt. Bò tăng trọng trung bình 817 gam/con/ngày. Sau 03 tháng, gia đình ông xuất bán, trừ đi hết các chi phí, thu lãi gần 28 triệu đồng.
Cũng theo ông Hùng thì nuôi bò vỗ béo không quá khó. Con giống mua loại bò nhỏ, những con bò thải nên giá rẻ. Bò nuôi nhốt nên yêu cầu chuồng bò thì phải khô ráo, thoát mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Thức ăn cho bò phải đủ lượng và chất. Ngoài rơm khô, cỏ tươi, cần bổ sung thêm thức ăn công nghiệp và cho bò ăn thêm một số thức ăn chế biến như rơm ủ u-rê, cỏ ủ chua, tảng u-rê rỉ mật,… Đặc biệt phải cho bò ăn uống sạch sẽ, như gia đình ông cho bò uống nước bằng vòi uống tự động.
Anh Lê Hoàng Thành ở thôn Hội tín, xã An Thạch – một nông dân có kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo cho biết, nuôi gia súc hay gia cầm đều có rủi ro dịch bệnh và giá cả thì rất bấp bênh. Nhưng hơn 10 năm nuôi bò vỗ béo, gia đình anh chưa khi nào bị dịch bệnh, giá cả thịt bò ổn định hơn các loại động vật khác, công cũng không tốn nhiều.
Chăn nuôi bò vỗ béo tại huyện Tuy An, Phú Yên là nghề không mới nhưng vài năm trước đây mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Nhờ sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Phú yên và chính quyền địa phương, mô hình đã ngày một nhân rộng nhanh và mạnh mẽ. Chăn nuôi bò vỗ béo giúp cung cấp một lượng thịt bò có chất lượng ra thị trường; tận dụng lượng phân bò đáng kể bón cho cây trồng, nhất là cỏ phục vụ thức ăn cho bò; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân nơi đây.
Đây có thể là một giải pháp thoát nghèo cho nhiều nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tuy An.
Phan Chân Thuyên
Trạm Khuyến nông huyện Tuy An - Phú Yên/ Khuyến nông VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn