Bỏ phố về làm “trợ thủ” nông dân
Xưởng cơ khí Thành Đạt của Phi Anh Đệ nằm giữa vùng chuyên canh mía trù phú ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, Phú Yên. Cơ xưởng được anh đầu tư trang bị khá đầy đủ các loại máy công cụ, như: Hàn, tiện, khoan, phay, mài, dập kim loại,… Bên cạnh đó là hàng dãy dài các loại máy nông nghiệp đang được sản xuất theo đơn đặt hàng, chủ yếu là các loại máy cơ giới phục vụ thiết thực cho nông dân chuyên canh cây mía, từ cày bò cải tiến đến các loại máy cày ngầm, trồng, xới cỏ, bón phân, thu hoạch, băm rác mía…
Anh Phi Anh Đệ và chiếc máy băm rác mía. Ảnh: Hùng Phiên
Tài năng và tâm huyết của anh Đệ đã được cộng đồng nông dân làm mía quý trọng, đánh giá rất cao. Anh là một nhân tố thầm lặng góp phần nâng cao lợi nhuận của người dân vùng chuyên canh mía. Nhờ anh Đệ, công việc làm mía ở nhiều khu vực đã bớt nhọc nhằn, thu nhập tăng thấy rõ”. Ông Sô Minh Nghĩa - |
Chiều muộn nhưng vẫn còn nhiều người đến xem máy, đặt hàng. Đệ nhễ nhại mồ hôi, vừa làm vừa chỉ đạo nhân công và tiếp khách. “Tôi có máu “tọc mạch, độ chế” từ nhỏ. Vốn quê Bắc Ninh, gia đình khó khăn nên mới đến lớp 5, tôi đã phải nghỉ học để theo cha mẹ di cư vào vùng mía này. Lớn lên giữa đất mía, tôi thấy bà con làm lụng vất vả quá, nên cứ nung nấu, tìm tòi “độ, chế” phương tiện máy móc để công việc làm mía đỡ lao lực, tăng năng suất, thu nhập cho bà con” - Đệ nói.
Năm 2000, Đệ khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh làm công nhân và theo học nghề cơ khí tại một số xưởng tư nhân. Thấy anh sáng dạ được việc, có ông chủ muốn giữ lại để làm tại doanh nghiệp, trả lương hậu. Thế nhưng anh nhận thấy “đất” của mình chính là vùng mía Phú Yên. Bởi tiềm năng đất mía đang còn rất lớn, nhiều bà con có nhu cầu thay đổi công cụ sản xuất để tăng lợi nhuận,… Chính một số nhà máy đường cũng đang muốn đầu tư trang bị máy móc cho nông dân trong vùng nguyên liệu, thế nhưng giá thành các loại máy ngoại nhập lại khá cao, khó thể mua sắm đại trà.
Về lại Sơn Nguyên, Đệ mở tiệm cơ khí nhỏ để sửa chữa nông cụ cho người dân trong vùng. Thế rồi, bắt trúng nhu cầu của người trồng mía, “việc dạy việc”, anh cứ thế mày mò nghiên cứu đáp ứng hầu hết các đơn đặt hàng của bà con nông dân, các nhà máy chế biến đường tại Phú Yên và nhiều tỉnh lân cận.
Từ hiệu cơ khí nhỏ ban đầu, đến nay Đệ xây dựng được Xưởng cơ khí công nông nghiệp Thành Đạt, có quy mô lớn nhất trong vùng. Bên cạnh đó, vợ anh phụ trách cửa hàng chuyên cung ứng phụ tùng cơ giới, máy móc, vật tư nông nghiệp. Riêng xưởng cơ khí Thành Đạt hiện có 5 công nhân được trả lương trên 5 triệu đồng/người/tháng và hàng năm có từ 1 - 2 thanh niên theo học nghề. Phi Anh Đệ đã thực sự thành đạt khi gắn bó, sẻ chia lợi ích với người nông dân trồng mía.
Những “chinh phục” ngoạn mục
Anh Phí Anh Đệ chăm sóc hoa lan sau giờ làm ở xưởng cơ khí. Ảnh: H.P
“Sáng chế đầu tay của tôi chính là chiếc cày bò cải tiến. Mặt hàng này bán chạy trong nhiều năm qua” - anh Đệ cười cho hay. Cơ duyên là trong một lần hàn cái cày bò bị gãy cho một người trong xã, ông này than phiền về cái cày bò đất lật lên không đều, tốn nhiều công sức. Trong khi tại nhiều thửa đất, việc cày bò là công đoạn quan trọng trong khâu làm đất, xuống giống mía. Sẵn “máu độ chế”, Đệ tháo tung chiếc cày của gia đình ra xem xét, tính toán.
“Sau khi nghiên cứu kỹ, tôi thay đổi hình dáng của lưỡi cày, gia công thêm vài chi tiết, thiết kế lại bắp cày. Khi đem ra ruộng cày thử, thấy lưỡi cày ăn sâu xuống đất, đất lật lên đều tăm tắp, nhiều bà con rất ưng ý, nhất là việc cày đất núi đồi. Chiếc cày bò cải tiến này hiện có giá 420.000 đồng/bộ. Tôi đã sản xuất và bán hàng trăm bộ cho bà con trồng mía” - anh nói.
Tiếp đó, anh nhận thấy người dân địa phương luôn phải bỏ công sức rất lớn cho việc làm cỏ mía và bón phân. Anh nảy ý mày mò thiết kế chiếc máy gộp cả hai công đoạn này. Và rồi, chiếc máy cày ngầm vừa làm cỏ và bón phân cho mía đã ra đời ngoạn mục.
Ông Võ Tấn Khoa (nông dân trồng mía ở Ea Chà Rang, Sơn Hòa) cho biết: “Tôi đã sắm chiếc máy cày ngầm từ xưởng của Đệ và đã giảm được tối đa công lao động, tiết kiệm chi phí làm cỏ, bón phân cho mía. Máy này thao tác đơn giản, giúp vừa bỏ phân và làm cỏ mía trên 2ha/ngày. Còn trước đây, khâu làm cỏ và bón phân cho 2ha mía phải mất cả chục công lao động trong 3 ngày. Ngoài làm mía đất nhà, tôi còn tranh thủ đưa máy làm dịch vụ, kiếm thu nhập đều đặn”.
Nhà nông hài lòng
Một trong những sáng chế tốn nhiều tâm huyết của Đệ là chiếc máy trồng mía. Đệ phải dành hơn hai tháng để tìm hiểu sách báo, internet, rồi lắp ráp, sửa đi sửa lại. Chiếc máy trồng mía ra đời hoàn thiện, anh và bà con rất vui, tổ chức ăn mừng. Với máy này, chỉ cần có một người lái máy cày, hai người ngồi trên thân máy bỏ cây mía giống vào guồng, máy tự động cắt hom, xới đất và lấp vùi hom mía giống.
Về chiếc máy này, theo ông Trần Châu (nông dân trồng mía ở Sơn Nguyên), nếu trồng mía bằng máy của anh Đệ thì chi phí khoảng 4 triệu đồng/ha, tiết kiệm hơn 2 triệu đồng/ha so với trồng thủ công. Hơn nữa, khi trồng mía bằng máy, hom cắt tới đâu thì được trồng và lấp ngay nên cả hom và đất không bị khô, giúp nảy mầm tốt hơn. Ông Châu đã sắm máy trồng mía được 2 năm, vừa trồng mía cho gia đình, vừa làm dịch vụ.
Ông Châu và nhiều khách hàng cũng đánh giá cao nhiều loại máy cơ khí nông nghiệp khác do Thành Đạt sản xuất. Ví như, máy băm rác mía sau thu hoạch; giúp đất tăng dinh dưỡng mà khỏi phải đốt rác mía gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy lan. Rồi máy cày chạy bằng động cơ Honda, máy phun thuốc, xới cỏ, thu hoạch mía...
“Các loại máy của anh Đệ sáng chế khá gọn nhẹ, vận chuyển dễ dàng, áp dụng hiệu quả cho việc trồng mía vùng gò đồi. Cơ giới hóa hợp lý đã giúp giảm chi phí nhân công, vật tư, tăng lợi nhuận trong canh tác mía. Đặc biệt, giá máy công cụ của Thành Đạt đều thấp máy ngoại nhập từ 4 - 20 triệu đồng/máy, tùy loại. Sử dụng máy mua ở đây còn được anh Đệ hướng dẫn chi tiết, bảo hành, sửa chữa tận tình. Nói chung, nông dân thì thấy giá cả vừa túi, lợi nhuận cụ thể mới bỏ tiền đầu tư máy móc cơ giới” - ông Trần Châu nói thêm.
Theo Hùng Phiên/Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn