Đến nay, các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người dân. Cụ thể:
Thị xã đã đưa các giống lúa mới vào sản xuất tại chỗ giúp nông dân chủ động về số lượng, chủng loại giống cho các vụ tiếp theo và giảm bớt kinh phí đầu tư trong sản xuất trên một đơn vị diện tích. Việc sản xuất giống lúa tại chỗ cũng giúp thay thế các giống lúa địa phương có hiện tượng thoái hóa, kém chất lượng. Vụ đông xuân 2018-2019, thị xã tiếp tục đưa các giống lúa chất lượng vào sản xuất tại chỗ như: HT1, P6, PC6…, năng suất lúa bình quân 57,8 tạ/ha; có địa phương đạt 60 tạ/ha.
Cũng trong vụ đông xuân 2018-2019, Phòng Kinh tế thị xã phối hợp với UBND xã Quảng Minh thực hiện mô hình chuyển đổi trồng khoai, lạc, tỏi trên đất cát pha và nhiễm mặn tại thôn Cồn Nâm và thôn Minh Tiến. Diện tích chuyển đổi khoảng 17 ha với trên 90 hộ tham gia. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, thời tiết thuận lợi, tỏi tươi cho năng suất bình quân 90,5 kg/sào, giá thu mua bình quân 45.000 đồng/kg, thu về khoảng 4,07 triệu đồng/sào, tương đương 81,5 triệu đồng/ha. Các cây khoai, lạc trồng xen với tỏi cũng mang lại giá trị kinh tế cao, đạt bình quân khoảng 2,4 triệu đồng/sào, tương đương 47,5 triệu đồng/ha. Tính chung, kết quả mô hình chuyển đổi trồng khoai, lạc, tỏi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trên 120 triệu đồng/ha.
Tại các xã: Quảng Lộc, Quảng Thủy, Quảng Hòa và Quảng Sơn, Phòng Kinh tế đã phối hợp thực hiện mô hình cá lúa trên các diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả; thực hiện mô hình trồng khoai xen ngô ở phường Quảng Phúc; rau, hoa ở phường Quảng Long và rau màu ở xã Quảng Sơn.
Các mô hình thực hiện cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Các mô hình tỏi Quảng Minh, rau, hoa Quảng Long là cơ sở để phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND TX. Ba Đồn cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi cây trồng, năm 2019, Phòng Kinh tế thị xã đã chủ trì phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã hướng dẫn các địa phương rà soát, chọn đối tượng cây trồng, khu vực chuyển đổi thích hợp.
Bên cạnh đó, Phòng cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra công tác chuyển đổi của các địa phương, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; phối hợp với các địa phương tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm chuyển đổi. Để khuyến khích người dân tham gia chuyển đổi, thị xã đã kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ với định mức 4 triệu đồng/ha cho năm đầu.
Kết quả, vụ đông xuân 2018-2019, toàn thị xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt khoảng 117,3 ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi được duy trì sản xuất là 86,61 ha; diện tích chuyển đổi mới là hơn 30,7 ha.
Để tiếp tục triển khai các mô hình hiệu quả, thời gian tới, UBND thị xã chỉ đạo sẽ tăng cường và phát huy hiệu quả công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thông qua nhiều hình thức, thị xã sẽ hỗ trợ nông dân tiếp cận với các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn và bền vững.
Phòng Kinh tế hướng dẫn, tuyên truyền và vận động nông dân sản xuất mô hình rau quả sạch theo hướng VietGap, bảo đảm chất lượng nông sản sạch, tăng giá trị kinh tế và an toàn cho người tiêu dùng.
Thùy Trang/ Khuyennongvn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn