Bài 1: Gian nan lập hợp tác xã kiểu mới
Socodevi là tổ chức phi lợi nhuận Canada. Thông qua các tổ chức thành viên, họ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng nông nghiệp cho sự phát triển HTX nông nghiệp bền vững tại 5 tỉnh của Việt Nam: Sóc Trăng, Bến Tre, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đây được xem là mô chình chuẩn quốc tế, cần được nhân rộng ra toàn quốc.
Dưới cái nắng tháng 4 chói chang ở tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Hải Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) hợp tác xã Evergreen, tỉnh Ninh Thuận phóng chiếc xe máy đến vườn nho của các thành viên HTX thu mua. Thấy vậy, tôi hỏi:
- Tại sao ông Phó Chủ tịch HĐQT không ở nhà điều hành, mà cứ phải ra đồng cắt nho cực thế này?
- Mô hình HTX kiểu cũ, ông chủ nhiệm, phó chủ nhiệm HTX giống như “vua con”. Mô hình HTX kiểu mới, mình là ông chủ, mình phải đi làm, kinh doanh thật, dân họ mới tin, mới vào HTX.
Lấy nhu cầu của nông dân làm trọng tâm
Bà Nguyễn Thị Luật, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Văn Hải, thành phố (TP) Phan Rang - Tháp Chàm, nhớ lại, nói:
- Lúc đầu đi vận động thành lập HTX rất trầy trật. Nông dân sợ vào HTX phải đóng góp vật chất, tài chính như ngày xưa, có người còn bảo: “Vào để nuôi béo mấy ông Ban chủ nhiệm”!
- Thời bao cấp chưa có luật, bây giờ có Luật HTX quy định rõ rồi mà? Tôi hỏi.
Ông Nguyễn Tấn Tài, trước đây làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Văn Hải (hiện nay là phường) thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, nên hiểu ngọn ngành mô hình HTX cũ và mới. Ông bảo:
- Trước đây, các xã viên vào HTX phải đóng góp trâu, bò, cày cuốc,... nó trở thành tài sản của HTX. Mọi xã viên làm việc theo hiệu lệnh kẻng, ăn chia công điểm... Cuối năm lời, lỗ như thế nào, ông chủ nhiệm HTX đều “vô can”. Mô hình HTX mới, mỗi thành viên khi tham gia HTX đều phải có vườn nho. Nho của ai người đó giữ, tự quyết định về chất lượng, sản lượng và bán mua.
Phía Canada đang giúp chúng tôi phát triển HTX, điểm mấu chốt là dựa trên nhu cầu của người nông dân, đặt lợi ích của người nông dân làm trọng tâm cho mọi hướng đi. HĐQT của HTX không được kiêm nhiệm chức giám đốc điều hành và kinh doanh. Ông giám đốc HTX là người đi làm thuê cho người nông dân. Vì lẽ đó, cả HĐQT và giám đốc HTX đều lo ra đồng làm, vác sản phẩm đi bán. Muốn phát triển HTX lớn mạnh, cần có ông giám đốc giỏi, có tâm với nông dân, có tầm nhìn rộng lớn, có kế sách phát triển thị trường tốt.
- Lương của HĐQT và giám đốc HTX ai cao hơn? - Tôi hỏi vấn đề tế nhị.
- Giám đốc HTX được trả lương theo hiệu suất công việc (hiện nay, HTX Evergreen Ninh Thuận đang được dự án Canada trả lương giám đốc và bộ phận giúp việc), còn HĐQT không có lương, phụ cấp gì cả. 3 năm nay, tôi có tiếng Phó Chủ tịch HĐQT, nhưng không có đồng lương nào. Đi làm suốt ngày, nhiều khi hết tiền điện thoại, về nhà mở miệng xin bà xã 50.000 đồng nạp cạc, bà ấy la rầy quá trời. Đêm nằm nghĩ, tại sao mấy ông bà Tây ở đâu xa tít cũng tìm đến làng mình giúp đỡ HTX phát triển? Nghĩ vậy mà đi làm suốt, không nặng nề tiền lương.
Theo ông Tấn, hiện nay, HTX Evergreen đã có 41 thành viên, còn rất nhiều hộ trồng nho trong vùng chưa hiểu mô hình HTX kiểu mới, đang “nhòm ngó” HTX có “ăn nên làm ra” mới vào tham gia HTX.
Tạo ra chuỗi giá trị
Mục đích của Socodevi giúp nâng cao năng lực của người nông dân trong sản xuất và tạo ra được chuỗi giá trị sản phẩm, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Phương châm hoạt động của HĐQT là “3 cùng” với nông dân: cùng làm - cùng bán - cùng quản lý. Cách hỗ trợ của các chuyên gia Canada cũng khác với Việt Nam. Các buổi tập huấn, trao đổi kiến thức cho nông dân chỉ có 10 - 25 người tại vườn nho hoặc tại HTX.
Họ khuyến khích cả hai vợ chồng cùng tham dự, nông dân luôn được động viên tự đứng lên nói ra nhiều kiến thức trong thực tiễn và kinh nghiệm trồng trọt tại địa phương. Qua đó tạo ra sự tương tác cao và nhiều người học tập lẫn nhau, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng vào ruộng vườn - Ông Đào Minh Cường, thành viên của Ban dự án Socodevi tại Ninh Thuận, tóm lược.
Hôm chúng tôi đi theo mấy anh ở HTX đến vườn nho của thành viên Nguyễn Văn Thời thu mua, thấy những chùm nho trái to, căng mọng, không có một tì vết, mọi người đều đánh giá có đến 90% trái xếp vào hạng loại 1. Ông Thời cho biết, trước đó đã áp dụng phương pháp canh tác mới từ những buổi tập huấn của HTX, đồng thời dùng bao giấy đặc chủng bao bọc các chùm nho (HTX hỗ trợ) để chống côn trùng cắn. Ước tính vườn của ông doanh thu khoảng 50 triệu đồng. Vụ tới dự kiến sản lượng sẽ tăng lên gấp đôi. Khi đồng ý bán nho cho HTX, cả hai vợ chồng ông cùng ký vào hợp đồng. Theo các nghiên cứu đối với lĩnh vực nông nghiệp, người phụ nữ trong gia đình quyết định 80% sự thành công.
Vấn đề then chốt nhất của HĐQT và giám đốc HTX là có kế hoạch giải quyết tốt đầu ra sản phẩm và có nhiều phương án, dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên HTX. Socodevi đang hoàn tất thủ tục để giúp HTX Evergreen, tỉnh Ninh Thuận 3,5 tỉ đồng nguồn vốn lưu động. “HTX phải làm việc và lấy sản phẩm trực tiếp từ nhà máy sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... về cung ứng cho các thành viên HTX theo phương thức trả chậm, đến vụ thu hoạch nho mới trả tiền. Để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, ngoài mở thị trường ra nhiều tỉnh, thành bán nho trái tươi, HTX đầu tư máy sấy nho khô và công nghệ làm rượu nho, để chủ động thu mua nho với giá tốt vào mùa mưa. Người nông dân thực sự làm chủ cả khâu canh tác, chế biến và thị trường, tăng giá thành trên diện tích canh tác” - Ông Cường bổ sung thông tin.
Theo Hải Luận/ Biên Phòng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn