Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.
Đâu là lý do khiến Bộ NNPTNT tổ chức riêng hội nghị chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cho nhóm quả vải, nhãn, thưa Bộ trưởng?
- Rau quả đang là một trong những lợi thế của Việt Nam trong tổ chức sản xuất và xuất khẩu nông sản, trong đó quả chiếm tới 60-70% tổng giá trị xuất khẩu. Ví dụ, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 3,5 tỷ USD thì nhóm quả đã chiếm 3 tỷ USD. Điều đó cho thấy tiềm năng xuất khẩu rau quả nói chung, đặc biệt là các loại quả là rất lớn. Ở phía Bắc, nhãn, vải chiếm đến 30% tổng diện tích cây ăn quả, mang lại giá trị và thu nhập cao cho nông dân.
Năm nay, thời tiết cực kỳ thuận lợi cho phân hóa mầm hoa họ nhãn, vải khi từ tháng 12.2017 đến tháng 2.2018 nền nhiệt độ thấp liên tục qua 9 đợt. Do đó, vải, nhãn ra hoa rất rộ và tập trung. Những ngày đầu tháng 3 độ ẩm không khí vừa phải, vì vậy tỷ lệ đậu quả của vải, nhãn cao chưa từng thấy trong nhiều năm gần đây.
Để đảm bảo chủ động trong quá trình chăm sóc cũng như tiêu thụ, Bộ NNPTNT đã phối hợp với 5 tỉnh trọng điểm, các thành phần kinh tế, kể cả các tỉnh biên giới để tổ chức phối hợp, họp bàn ngay từ bây giờ để có các giải pháp đồng bộ hướng đến mục tiêu được mùa được giá.
Năm nay, dự báo nhãn vải được mùa lớn. Ảnh: T.L
Xin Bộ trưởng cho biết một số giải pháp trọng tâm từ nay đến khi thu hoạch rộ vải, nhãn để đảm bảo một niên vụ được mùa được giá?
- Từ nay đến lúc thu hoạch có hai nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, tập trung chăm sóc, quản lý thật tốt. Năm nay tỷ lệ đậu quả cao, bà con phải quản lý sạch, bón sạch, đặc biệt quản lý chặt dư lượng chất hóa học, bón theo hướng hữu cơ, đảm bảo quy trình tưới để tỷ lệ đậu quả ở mức cao nhất.
Chúng ta mở được thị trường thì phải tìm mọi cách để giữ vững. Muốn làm được như thế, chúng ta phải đảm bảo thực hiện thật nghiêm túc toàn bộ chuỗi quy trình để đảm bảo không chỉ có sản phẩm sạch, chất lượng mà giá thành, thời lượng phải đúng với phương cách của quá trình hội nhập...”. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường |
Thứ hai, có các biện pháp chủ động để phòng ngừa bất thuận thiên tai. Từ trận mưa đá ngày 14.4 vừa qua cho thấy, nếu không có biện pháp chủ động thì từ được mùa có thể mất mùa ngay tức khắc.
Khi vào vụ, chúng ta hết sức chủ động lên kịch bản tổ chức thị trường. Bộ NNPTNT cùng Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các địa phương chủ động kịch bản, làm sớm hơn, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, mời các thành phần kinh tế cùng vào cuộc chung tay tiêu thụ nhãn, vải. Năm nay chúng ta chú ý tới cả hai thị trường, nội địa và xuất khẩu.
Trong đó, thị trường trong nước là số một, phải đảm bảo sản phẩm tươi ngon, phân phối nhanh nhất, có tổ chức, trật tự, không bị ép giá, không bị lãng phí vì dồn ứ tại một thời điểm.
Về vấn đề xuất khẩu, chúng ta chú ý tới hai loại thị trường, một là thị trường có nhu cầu giá trị cao như châu Âu, châu Úc. Đây là những thị trường chúng ta cần duy trì. Vẫn biết sẽ khó mở rộng xuất khẩu với sản lượng lớn sang thị trường này do khâu vận chuyển, kiểm soát của chúng ta chưa đủ năng lực, nhưng vẫn phải xác định đây là thị trường cần duy trì.
Đối với thị trường Trung Quốc cần hết sức lưu ý, vì đây là thị trường lớn và có những thay đổi về chính sách nhập khẩu từ tháng 4.2018 (yêu cầu truy xuất nguồn gốc với hàng hóa, nông sản nhập khẩu) nên chúng ta phải cố gắng đáp ứng tốt yêu cầu của họ từ mẫu mã đến chất lượng sản phẩm.
Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương muốn bàn sâu với các địa phương, đặc biệt là tỉnh Lạng Sơn làm việc với phía bạn để bắt nhịp tốt với sự thay đổi trong công tác quản lý giám định chất lượng của nước bạn.
Bên cạnh tập trung xuất khẩu quả tươi, chúng ta có định hướng như thế nào trong chế biến sâu nhằm đa dạng sản phẩm và giảm áp lực mùa vụ, thưa Bộ trưởng?
- Đúng là về lâu dài cần đòi hỏi cách làm căn cơ hơn, chúng ta cần rà soát để tổ chức sản xuất theo chuỗi. Trước hết, ở công đoạn sản xuất, nghiên cứu cho ra các giống tốt phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng. Bên cạnh đó, phải áp dụng các quy trình, VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn quy chuẩn theo từng nhóm thị trường cần phải làm ngay từ đầu. Áp dụng sản xuất theo chuỗi, gắn vùng nguyên liệu với công tác chế biến, chứ không thể bán tươi mãi được. Vừa tổ chức bán tươi, vừa chủ động xây dựng nhà máy để chế biến sâu.
Năm nay, chúng ta sẽ xây dựng thêm từ 7-8 nhà máy chế biến hiện đại, cùng với 145 cơ sở cũ, chắc chắn năng lực chế biến sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Trong sản xuất chuỗi, khâu cuối cùng là tổ chức thị trường, đây là khâu quyết định. Chúng ta mở được thị trường thì phải tìm mọi cách để giữ vững. Muốn làm được như thế, chúng ta phải đảm bảo thực hiện thật nghiêm túc toàn bộ chuỗi quy trình để đảm bảo không chỉ có sản phẩm sạch, chất lượng mà giá thành, thời lượng phải đúng với phương cách của quá trình hội nhập, hướng đến một nền sản xuất văn minh, văn hóa giao dịch thương mại hiện đại.
Xin cảm ơn Bộ trưởng
Theo Đình Thắng/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn