Xã Quỳnh Nghĩa hiện có 183 chiếc tàu thuyền với tổng công suất hơn 76.000CV. Trong đó, tàu có công suất trên 700 CV là 44 chiếc. Từ đầu năm 2017, ngư dân địa phương đã tích cực vươn khơi bám biển, khai thác nguồn lợi hải sản.
Với lực lượng tàu thuyền công suất lớn, máy móc hiện đại cùng những kinh nghiệm dày dạn trong đánh bắt đã giúp ngư dân Quỳnh Nghĩa có nhiều chuyến biển bội thu với nhiều loại hải sản có giá trị xuất khẩu cao. 7 tháng đầu năm 2017, toàn xã đã khai thác được hơn 7.000 tấn hải sản, giá trị đạt hơn 60 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, Quỳnh Nghĩa cũng là địa phương triển khai sớm chính sách đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ; xã hiện có 2 phương tiện đóng theo nghị định 67 đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao và sắp tới sẽ hạ thủy thêm gần chục phương tiện nữa.
Xã Quỳnh Nghĩa có 183 chiếc tàu thuyền; hiện có 2 phương tiện đóng theo Nghị định 67 đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Nhung |
Theo ngư dân Bùi Văn Tam - một trong những chủ tàu 67 của xã Quỳnh Nghĩa cho biết, tàu có công suất lớn, máy khỏe, ngư lưới cụ mới nên có thể vươn khơi khai thác ở các ngư trường xa hơn như Hoàng Sa, Trường Sa, Bạch Long Vĩ, Vịnh Bắc Bộ… Vì thế mà sản lượng thường đạt cao hơn.
Từ đầu năm đến nay, ngư dân chủ yếu trúng đậm cá hố, mực, cá bạc má… Hải sản đánh bắt về được các thương lái thu mua ngay tại bến, sau đó phân loại chuyển tới các kho đông lạnh và các chợ.
Bà con ngư dân có vốn lại tiếp tục chuẩn bị ngư lưới cụ, xăng dầu, đá lạnh để vươn khơi chuyến biển mới. Việc đưa tàu 67 vào hoạt động với những chuyến biển được mùa đã góp phần làm khởi sắc kinh tế biển địa phương, từ đó giúp ngư dân Quỳnh Nghĩa có thêm động lực vươn khơi bám biển.
Không chỉ xã Quỳnh Nghĩa, các xã Sơn Hải, Quỳnh Long, Tiến Thủy…, đội tàu 67 cũng đang ngày càng lớn mạnh. Để đáp ứng nhu cầu đóng mới phương tiện của ngư dân, các cơ sở đóng tàu trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng được đầu tư hiện đại.
Từ đầu năm đến nay, ngư dân Quỳnh Lưu chủ yếu trúng đậm cá hố, mực, cá bạc má… Hải sản đánh bắt về được các thương lái thu mua ngay tại bến, sau đó phân loại chuyển tới các kho đông lạnh và các chợ. Ảnh: Lê Nhung |
Tại xã Quỳnh Thọ hiện có 8 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền hoạt động sản xuất tập trung tại làng nghề Thọ Đồng. Trung bình mỗi năm, các cơ sở đóng mới khoảng 30 tàu công suất xa bờ, sửa chữa nâng cấp gần 300 phương tiện tàu cũ cho bà con ngư dân. Tổng số lao động mà làng nghề thu hút mỗi năm trên 120 người, với mức thu nhập gần 100 triệu đồng/người /năm. Doanh thu của làng nghề đạt gần 100 tỷ đồng, lợi nhuận thu về xấp xỉ 10 tỷ đồng/năm.
"Từ khi triển khai Nghị định 67, các cơ sở đóng tàu Quỳnh Thọ đã đóng mới hơn chục phương tiện, công suất từ 890 - 1.000 CV. Có thể nói, Nghị định 67 không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân trực tiếp tham gia đánh bắt trên biển mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động làm nghề đóng tàu như chúng tôi" - ông Nguyễn Văn Xang, chủ cơ sở đóng tàu Tiến Xang cho biết.
Hiện nay, huyện Quỳnh Lưu có 1.265 tàu thuyền, trong đó có 700 tàu có công suất từ 90 CV trở lên; chiếm 50% lượng đánh bắt toàn tỉnh.
Thực hiện đóng tàu theo Nghị định 67 của chính phủ, Quỳnh Lưu đã triển khai thực hiện được 45 dự án, trong đó có 37 dự án đã được ngân hàng ký hợp đồng tín dụng, gồm 32 tàu vỏ gỗ và 4 tàu vỏ sắt, đã giải ngân được hơn 262 tỷ đồng
Quỳnh Lưu hiện có 1.265 tàu thuyền; riêng trong 7 tháng đầu năm, sản lượng khai thác đạt gần 43.400 tấn, bằng 61% kế hoạch năm, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Ảnh: Lê Nhung |
Theo ông Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu: Tính đến thời điểm này, Quỳnh Lưu đã có 35 tàu đi vào hoạt động và khai thác đạt hiệu quả, trung bình mỗi chuyến biển tàu 67 khai thác đạt từ 20 - 30 tấn hải sản có giá trị hàng trăm triệu đồng.
Riêng trong 7 tháng đầu năm, sản lượng khai thác đạt gần 43.400 tấn, bằng 61% kế hoạch năm, tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Tác giả bài viết: Lê Nhung
Nguồn tin: www.baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn