Tham dự Lễ ra mắt có bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, nhiều bộ, ngành cùng đông đảo lãnh đạo các hợp tác xã thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) được thành lập theo Luật Hợp tác xã Việt Nam nhằm thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn Việt Nam. Mục tiêu của Liên hiệp là liên kết các hợp tác xã sản xuất - chế biến nông sản an toàn trên toàn quốc, nhằm xây dựng thương hiệu “nông sản an toàn Việt Nam đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước”. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị bền vững cho sản phẩm nông sản Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế hợp tác trong thời kỳ hội nhập.
Phát biểu tại Lễ ra mắt, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam cho biết, với trên 2 vạn hợp tác xã, 30 vạn tổ hợp tác, tạo công ăn việc làm cho trên 30 triệu lao động, nhưng kinh tế hợp tác vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng và lợi thế. Các đơn vị chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, rời rạc, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và các yếu tố khách quan và chủ quan. Chưa xây dựng được phương án sản xuất phù hợp, hiệu quả, dẫn đến các xã viên thường xuyên gặp phải các rủi ro như được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Ngoài ra, một số đơn vị chạy theo lợi nhuận sản xuất, các sản phẩm kém chất lượng, tồn dư các hoá chất độc hại,… làm ảnh hưởng lớn đến uy tín chung của sản phẩm nông sản Việt Nam, làm mất lòng tin của người tiêu dùng…
Với thực tế đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã chỉ đạo thành lập Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam. Sự kiện này nhằm xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam, sớm khẳng định thương hiệu “nông sản an toàn Việt Nam” đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước phù hợp với nền kinh tế hội nhập. Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, các hợp tác xã có tiêu chí thông suốt là đồng nhất một loại giống, đồng nhất một công nghệ, đồng nhất một sản phẩm, vừa tập trung, vừa phân tán để hướng tới một nền kinh tế hợp tác xã ngày càng phát triển nhanh, mạnh và bền vững với quy mô hàng hoá lớn.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, trong năm 2016, Liên hiệp sẽ triển khai từ 50 đến 100 cửa hàng, siêu thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, và trong các năm từ 2017 trở đí, sẽ triển khai xây dựng tại các tỉnh, thành phố trong toàn quốc theo mô hình các trung tâm thu mua và phân phối nông sản an toàn Việt Nam. Đồng thời, tích cực tìm kiếm các thị trường nước ngoài để xuất khẩu các sản phẩm nông sản an toàn.
Phát biểu tại Lễ ra mắt Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam, bà Hồ Thị Kim Thoa nhận định, tuy chỉ là bước đầu thí điểm, nhưng việc thành lập Liên hiệp là kịp thời, đúng hướng theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc xây dựng chuỗi siêu thị cung ứng nông sản an toàn là rất cần thiết, góp phần quan trọng đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các nhà sản xuất cần giữ chữ tín để tạo ra sản phẩm nông sản an toàn cũng như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy mở rộng chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn. Bà Hồ Thị Kim Thoa cũng bày tỏ các cơ quan tuyền thông cần tích cực đưa thông tin nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất nông sản an toàn cũng như người tiêu dùng sử dụng nông sản an toàn trong cuộc sống hàng ngày…
Cũng trong chiều nay, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã khai trương thí điểm siêu thị giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn Việt Nam tại địa chỉ số 14 Mạc Thái Tông, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội.