Kết quả chưa như mong muốn
Phấn đấu giảm bình quân 3-4%/năm tỷ lệ hộ nghèo DTTS.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, qua 5 năm thực hiện chương trình quốc gia giảm nghèo, ngân sách đã dành 172 nghìn tỷ đồng cho giảm nghèo, trong đó có 33 nghìn tỷ cho các huyện đặc biệt khó khăn. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm (các huyện nghèo giảm trên 4%/năm), đến cuối năm 2015 còn dưới 4,5%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đại biểu, mặc dù công tác xóa đói giảm nghèo thời gian qua đã đạt được những thành tích lớn, song kết quả giảm nghèo chưa thực sự đồng bộ, khoảng cách giàu nghèo còn lớn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (28%).
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, thu nhập bình quân trong đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 50%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn dưới 5%. Đặc biệt, có một số huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 60-70%, cá biệt có một số xã tỷ lệ hộ nghèo lên đến 80% - ĐBQH tỉnh Lai Châu Chu Lé Chừ (Chu Lê Chinh) dẫn chứng.
Cùng quan điểm trên, ĐBQH tỉnh Kon Tum - Y Mửi lo ngại: Cùng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thì đời sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng miền trong cả nước lại không đều nhau và khoảng cách giàu, nghèo đang ngày càng tăng dần. Một bộ phận dân cư có đời sống rất thấp, chủ yếu tập trung ở nông thôn, nhất là nông thôn miền núi nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Đặc biệt tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS theo tiêu chí chuẩn nghèo hiện tại rất cao, có nơi chiếm 90% trong tổng số hộ nghèo. Thời gian tới nếu áp dụng tiêu chí chuẩn nghèo mới thì tỷ lệ sẽ còn cao hơn.
Trong Báo cáo của Chính phủ đã nêu những thành tựu quan trọng về thực nghiệm an sinh xã hội rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, trong các năm qua, hàng năm Chính phủ đều phải xuất hàng ngàn tấn gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên Đán, giáp hạt và hỗ trợ vùng khó khăn. Vấn đề trên cho thấy công tác giảm nghèo chưa bền vững và việc phân phối thành quả của phát triển kinh tế không đồng đều, phần lớn đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn.
Cần có chính sách giảm nghèo đặc thù
Những con số trong Báo cáo cho thấy, mặc dù đã có sự vào cuộc của Chính phủ, các cấp, ngành nhưng mục tiêu giảm nghèo bền vững dường như vẫn chưa đạt được. Một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; tạo được sự đồng thuận cao, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và huy động được các bộ, ngành, các cấp tham gia nhưng hiệu quả lại chưa được như mong muốn. Câu hỏi đặt ra là, có phải chính sách triển khai về giảm nghèo chưa thực sự đến được với người dân hay chúng ta vẫn còn thiếu nguồn lực để triển khai hiệu quả?
“Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo nhưng chưa có những giải pháp căn cơ cụ thể và nguồn lực có hạn. Chính quyền cơ sở nói riêng và hệ thống chính trị nói chung ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo. Nhiều hộ nghèo còn có tư tưởng ỷ lại trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước”, ĐBQH tỉnh Hải Dương Lê Đình Khanh lý giải.
Do đó, để công tác giảm nghèo thực sự bền vững, đại biểu Y Mửi kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành một chính sách tổng thể, đồng bộ, rõ cơ chế, phù hợp với đặc điểm từng vùng Tây Bắc, Tây Nam, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, biên giới, hải đảo, đồng thời bố trí đủ và kịp thời nguồn lực để thực hiện vì hiện tại chúng ta có nhiều chế độ, chính sách cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng rất manh mún, trùng lắp, thiếu đồng bộ, thiếu nguồn lực, chưa tạo động lực tốt cho sự phát triển.
Cùng với đó, cần đổi mới phương thức và cách làm của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo. Chống bình quân bao cấp để sao cho một số hộ không còn cảm thấy may mắn, phấn khởi khi được đứng trong danh sách hộ nghèo.
Đồng quan điểm này, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận để khuyến khích sự chủ động tự vươn lên của người dân là yếu tố quan trọng. Giảm bớt tư tưởng ỷ lại của người nghèo. Để làm được điều đó, chính sách giảm nghèo cần giảm bớt hỗ trợ trợ cấp cho không và hỗ trợ gắn với các điều kiện cụ thể. Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, chú trọng hình thức đào tạo có chứng chỉ tay nghề kết hợp với công tác đào tạo khuyến nông. Chính sách giảm nghèo cần có những ưu tiên trọng tâm, trọng điểm, tập trung cả nguồn lực về tài chính, nhân lực cho những vùng lõi nghèo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng biên giới đặc biệt khó khăn.
Có thể nói, giảm nghèo và tiến tới giảm nghèo bền vững là mục tiêu phấn đấu của chúng ta trong thời gian tới. Điều này, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, bộ, ngành trong thực hiện lồng ghép các chính sách, trong đó, một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu chính là nguồn vốn đầu tư hợp lý cho chương trình hỗ trợ giảm nghèo.
Phương Linh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn