Nông dân xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, Hải Dương tranh thủ nguồn nước làm đất để gieo cấy vụ lúa Đông Xuân. Ảnh Vũ Sinh - TTXVN
Ngày 2/2, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện số 03/CĐ-TCTL-QLCT về việc rút ngắn thời gian lấy nước đợt 2, phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2017-2018, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam rút ngắn thời gian lấy nước đợt 2 là 1 ngày, kết thúc lúc 24h ngày 3/2.
Đợt 3 thực hiện theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 10694/TB-BNN-TCTL ngày 26/12/2017, có thể được xem xét điều chỉnh tùy thuộc tình hình thời tiết, tiến độ gieo cấy và nhu cầu lấy nước của các địa phương.
Theo Tổng cục Thủy lợi, trong các đợt lấy nước, dòng chảy hạ du sông Hồng được duy trì đủ cho các công trình thủy lợi ở các tỉnh vùng ảnh hưởng triều lấy nước hiệu quả. Một số công trình lấy nước vùng không ảnh hưởng triều lấy nước đạt hiệu quả không cao do mực nước thấp hơn một số năm gần đây.
Do vậy, để bảo đảm nước phục vụ gieo cấy và tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện, kế hoạch lấy nước cần điều chỉnh theo hướng duy trì dòng chảy như hiện tại đủ thời gian để các địa phương vùng ảnh hưởng triều cường đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện hoàn thành sớm kế hoạch lấy nước. Đồng thời duy trì dòng chảy ở mức thấp nhưng dài ngày hơn để các trạm bơm dã chiến ở một số địa phương vận hành lấy nước.
Trước tình hình trên, Tổng cục Thủy lợi yêu cầu sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố điều chỉnh kế hoạch lấy nước phù hợp với lịch lấy nước được rút ngắn, huy động mọi phương tiện lấy nước để tiếp tục tận dụng nguồn nước từ các hồ chứa nước thủy điện; tiếp tục vận hành phương tiện để tăng cường lấy nước trong thời gian trước đợt 3 lấy nước khi điều kiện nguồn nước cho phép.
Các địa phương đang có diện tích đủ nước thấp và nhiều diện tích khó cấp nước (Hà Nội, Bắc Ninh) cần rà soát các diện tích gieo cấy khả năng bị thiếu nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến và các giải pháp bổ sung nguồn nước. Về lâu dài, cần có phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất để giảm áp lực cấp nước hoặc có giải pháp cấp nước thay thế từ nguồn nước không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
Đến 12h ngày 2/2, diện tích có nước của các địa phương đạt 418.545 ha, tương đương 68,4% diện tích gieo cấy. Những địa phương có trên 90% diện tích gieo trồng đã có nước là: Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ./.
Theo Bích Hồng/ TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn