Kết quả nghiên cứu thị trường cho thấy, nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại thực phẩm tươi sạch đã tác động đến cả thế giới thực và ảo, bất chấp vẫn còn hoài nghi chúng có thực sự hoàn toàn hữu cơ hoặc được canh tác bền vững và thương mại công bằng hay không.
Trên thị trường bày bán rất nhiều sản phẩm dán nhãn "hữu cơ". |
Những mối hoài nghi này đã được đưa ra tại một diễn đàn về an ninh lương thực vừa qua do tập đoàn BioThai, tổ chức có ảnh hưởng về đa dạng sinh học hàng đầu của Thái Lan và mạng lưới 30 công ty đứng ra tổ chức.
Theo nhật báo The Nation, khái niệm sản phẩm hữu cơ đã có từ hơn 20 năm qua, được coi là biểu tượng trong cuộc chiến chống lại cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp. Theo đó, thị trường của nó cũng đã được hình thành và là nền tảng để cung cấp các sản phẩm hữu cơ như là một lựa chọn thay thế.
Đặc biệt, với xu thế lối sống hiện đang thay đổi thì nhu cầu về thực phẩm sạch đang ngày một tăng nhằm đáp ứng các mô hình thương mại trực tuyến mới, kiểu như của Jack Ma là một ví dụ.
Tuy nhiên, những người theo quan điểm ủng hộ an ninh lương thực và các nhà kinh tế lại tin rằng, việc kêu gọi ngày càng tăng đối với thực phẩm tươi, sạch có thể đối diện những thách thức. Theo nhà nghiên cứu độc lập Premkamol Phukaew, hiện có rất nhiều sản phẩm được dán nhãn “hữu cơ” ở Bangkok và các tỉnh lân cận đang bày bán tràn lan và một số chủ cửa hàng đã sử dụng giải pháp công nghệ như mã QR để tăng doanh số.
Theo đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các dòng sản phẩm này vẫn chưa được kiểm soát tốt. Theo số liệu của Phòng Vệ sinh thực phẩm Bangkok được bà Premkamol đưa ra tại diễn đàn, cho thấy chỉ có 350/1.120 chợ hoặc siêu thị ở thủ đô có đủ năng lực giám sát được khâu này.
Như vậy, hiện cơ quan chức năng mới chỉ kiểm soát 30% được thị trường. Vì vậy câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền có biết điều này và có giải pháp nào để cải thiện các tình hình hay không?
Trước đó, mạng lưới BioThai đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các loại rau xanh được bán tại các chợ và phát hiện ra rằng, hơn một nửa số mẫu còn tồn dư hóa chất.
Theo bà Premkamol, nhận thức của người bán cộng với quan điểm của các chủ cơ sở kinh doanh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi thị trường theo hướng tích cực, nhất là trong bối cảnh còn thiếu vắng vai trò của chính quyền để kết nối người mua với nhà sản xuất.
Một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Oxfam tại Thái Lan cũng cho thấy, các hệ thống cửa hàng thương mại hiện đại gồm cả các siêu thị lớn và đại siêu thị hiện đã bắt đầu chuyển sang kinh doanh các sản phẩm hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo ông Theerawit Chainarongsophon, chuyên gia Oxfam, giá trị thị trường của khu vực kinh doanh này ở Thái Lan đạt 2,3 nghìn tỷ bạt vào năm 2018, dù mới ở giai đoạn sơ khai. |
BioThai cũng lưu ý rằng, hệ thống thương mại hiện nay chưa chú ý đến vấn đề công bằng thương mại. Một nghiên cứu của Oxfam International cho thấy, ít nhất 30% lợi nhuận đang thuộc về các nhà khai thác và nông dân chỉ được thụ hưởng có 14%. Tình trạng tương tự cũng đang tồn tại trong ngành công nghiệp tôm của Thái Lan, khi trên 30% thu nhập thuộc về các nhà khai thác thương mại, trong khi các nhà sản xuất được thụ hưởng quá ít.
Xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, tự nhiên không chiên rán, không chứa tạp chất có hại đang ngày một gia tăng. |
Ông Theerawit cho rằng, thương mại công bằng và an ninh lương thực rõ ràng đang là những thách thức mà các nhà sản xuất phải đối mặt khi họ tham gia vào hệ thống thương mại hiện đại, đóng vai trò nhiều hơn trong chuỗi liên kết. Mô hình bán lẻ mới của Jack Ma đang đặt ra những thách thức mới do ứng dụng công nghệ hiện đại khiến lưu lượng hàng hóa di chuyển nhanh hơn với chi phí rẻ hơn, nhưng chính nó lại khiến cho nông dân bị thiệt thòi nhiều hơn.
“Có một sự thay đổi lớn, đó là sự độc quyền và thao túng trong quá trình sản xuất và phân phối đang lộ ra những mối lo ngại mới”, Phó chủ tịch BioThai, Kingkorn Narintarakul Na Ayutthaya nói.
Nhà kinh tế độc lập Sarinee Achavanuntakul, người sáng lập công ty thúc đẩy tăng trưởng bền vững Sal Forest cho biết, nghiên cứu của bà cho thấy có nhiều thuật ngữ khác nhau được sử dụng để định nghĩa các sản phẩm hữu cơ và “thực phẩm có lợi cho sức khỏe” và giá trị thị trường của hai loại này rất khác nhau.
Nhiều mẫu rau xét nghiệm tại các chợ ở Thái Lan vẫn còn tồn dư hóa chất. |
Ví dụ, các sản phẩm hữu cơ đã tạo ra khoảng 1 tỷ bạt vào năm ngoái, trong khi thực phẩm có lợi cho sức khỏe kiếm được 170 tỷ bạt. điều này phản ánh rất rõ xu hướng tiêu dùng cũng như nhận thức của người tiêu dùng. Bà Sarinee cho rằng, thách thức lớn nhất đối với các sản phẩm và thị trường sạch hiện nay là duy trì giá trị của chúng ở mức cạnh tranh.
“Có lẽ vấn đề không phải là về thị trường xanh hay thị trường thay thế mà là cách thức tiếp thị, để làm sao chúng ta có thể khiến các nhà sản xuất nhận thức được vai trò của mình và kết nối họ theo hướng tích cực với người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp chúng tôi tập trung và định vị lại chuỗi thực phẩm hữu cơ phù hợp với xu hướng thị trường mới” bà Sarinee nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn