Ông Nguyễn Huy Tuyên (thôn Trung Trạm, Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) là một chủ trang trại chăn nuôi lợn thịt với quy mô thường xuyên trên 200 con. Mỗi lần tái đàn, tăng quy mô sản xuất, ngoài số tiền bán được từ lứa lợn trước thì lúc cần thiết ông vẫn thường “gõ cửa” vay vốn tại Ngân hàng No&PTNT rồi trả nợ dần trong lần xuất đàn tiếp theo. Thế nhưng, gần một năm nay, giá lợn “bèo bọt”, vì thế, ông bà chỉ cầm chừng để duy trì chuồng trại.
Ông Tuyên cho biết: “Lứa trước, may mà “đon” kịp nên giá bán ra có thấp hơn nhưng không “rớt thảm” như một số người chăn nuôi trong vùng. Từ đó đến nay, tôi chỉ duy trì số lợn con từ nái của gia đình chứ hạn chế tăng đàn vì giá lợn hơi vẫn còn rất thấp”.
Tình trạng như trang trại của ông Tuyên khá phổ biến trên toàn tỉnh. Trong số 372 HTX, tổ hợp tác chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ - đối tượng “màu mỡ” cho các ngân hàng “kích” nguồn vốn tín dụng thì hiện nay, quy mô đàn vật nuôi giảm xuống còn 50% so với thời điểm tháng 10/2016. Có 75 HTX, tổ hợp tác và ít nhất cả trăm hộ dân đang dừng nuôi vô thời hạn.
Nông nghiệp, nông thôn gặp khó, đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ - xây dựng cũng chẳng “khá khẩm” hơn. Anh Nguyễn Đ.T - giám đốc một doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hà Tĩnh cho biết: “Nhiều công trình mà công ty thi công xong cả năm trời vẫn chưa thanh toán được vì chủ đầu tư thiếu vốn, trong khi đó, hiện nay, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản bị “cắt” nên những DN nhỏ và vừa như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nợ phát sinh nợ, các ngân hàng gần như đều rất e dè cho vay đối với những DN trong lĩnh vực xây dựng như chúng tôi”.
Chăn nuôi lợn cầm chừng cũng khiến cho nguồn vốn vay thuộc lĩnh vực ưu tiên giảm sút.
Trên địa bàn thành phố, DN vừa và nhỏ có khoảng 1.000, song nhiều ngân hàng cho rằng, DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cả. Vì thế, kể cả trong bối cảnh khó khăn về tăng trưởng tín dụng và cho vay DN nhỏ và vừa là lĩnh vực ưu tiên thì một số ngân hàng vẫn “thẳng thừng” từ chối đầu tư nguồn vốn cho đối tượng DN xây dựng.
Theo nhận định của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, dư nợ quý I đạt 33.300 tỷ đồng, tuy tỷ lệ tăng 0,62% so với đầu năm nhưng vẫn ở mức thấp. Nhất là đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, tỷ trọng cho vay chiếm đến hơn 51% tổng dư nợ lại có tăng trưởng âm. Nguyên nhân chính vẫn là do nền kinh tế phục hồi chậm, các hoạt động SXKD gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Khánh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hà Tĩnh (Vietinbank) cho hay: Mặt bằng lãi suất của Vietinbank vẫn duy trì ổn định, không tăng lên từ cuối tháng 2016 đến nay. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn chi nhánh đạt khoảng 5%. Trên thực tế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt là những tác động tiêu cực về giá cả nông sản giảm, ảnh hưởng sau sự cố môi trường… khiến nhu cầu đầu tư, tiêu dùng và xuất nhập khẩu giảm sút đã ảnh hưởng đến việc hấp thụ vốn ngân hàng”. Thế nhưng, so với các ngân hàng khác trên địa bàn thì mức tăng trưởng của Vietinbank, cùng với Agribank, BIDV và ACB vẫn nằm vào “top” tăng trưởng khá trong những tháng đầu năm.
Tất nhiên, biểu đồ tín dụng đầu năm cũng phù hợp với quy luật tăng trưởng, quý I cũng là thời điểm trùng với dịp tết Nguyên đán, thường khách hàng thanh toán hợp đồng cũ mà chưa phát sinh hợp đồng vay vốn mới do chưa triển khai các chương trình, dự án mới.
Đến thời điểm hiện tại, các chính sách về hỗ trợ lãi suất chỉ Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất nông nghiệp còn hiệu lực giải ngân, trong khi đó, Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND về ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh 2017-2018 lại đang trong thời gian chờ chỉ đạo của UBND tỉnh. Đó là những lý do cộng hưởng khiến nguồn vốn ra nền kinh tế chưa lớn
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn