Công an TP.Hồ Chí Minh tiêu hủy phân bón giả, kém chất lượng.
Số vụ vi phạm có chiều hướng gia tăng
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), mỗi năm nước ta tiêu thụ 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó phân bón vô cơ chiếm tới 90% nhu cầu, phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác chiếm phần còn lại.
Dù quan trọng và cần thiết như vậy, nhưng trong thời gian qua, việc quản lý thị trường phân bón trong nước còn lỏng lẻo, bất cập khiến tình hình phân bón giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc... xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Trong năm 2016, các cơ quan hữu quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ liên tiếp có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón, phát hiện có đến 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.
Theo con số thống kê, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam mất đi 2 - 2,5 tỉ USD.
Theo ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, có một thực tế là, số vụ vi phạm sản xuất kinh doanh phân bón giả năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2015, các ngành chức năng phát hiện trên 4.000 vụ vi phạm thì năm 2016 là trên 5.000 vụ, trong đó nhiều vụ còn chưa được giải quyết bởi pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở.
Trong khi đó, ông Hồ Quang Thái, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, doanh nghiệp thường lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật về tổng chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả, kém chất lượng. Thực tế cho thấy, Nghị định 202 có hiệu lực từ 1/2/2014, nhưng đến thời điểm này, Bộ Công Thương vẫn chưa có văn bản chính thức về chất chính trong phân bón, dẫn đến mỗi cơ quan có cách hiểu và giải thích khác nhau, gây khó khăn trong công tác thanh, kiểm tra, làm hạn chế hiệu quả thi hành công vụ của các lực lượng chức năng. Tổ chức hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, kém chất lượng thường bí mật từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ… Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đăng ký sản xuất nhiều loại khác nhau, khi bị phát hiện loại phân bón này là giả, kém chất lượng thì sẵn sàng thay thế loại phân bón khác và thường lợi dụng trình độ nhận thức của bà con nông dân chưa cao, ham mua đồ rẻ để quảng bá, bán hàng kém chất lượng.
Hệ lụy khó lường
Việt Nam là nước nông nghiệp, ngành trồng trọt có vị trí rất quan trọng. Để nâng cao năng suất cây trồng, người nông dân phải bón phân - cung cấp thức ăn cho cây. Nhưng nếu bón phân kém chất lượng, phân giả thì hậu quả là rất lớn.
Theo ông Nghiêm Quang Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), việc sản xuất kinh doanh phân bón giả có 3 tác động lớn. Thứ nhất là, làm giảm năng suất cây trồng, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Thứ hai là, ngoài hàm lượng dinh dưỡng, trong phân bón giả, kém chất lượng còn có các hợp chất độc hại mà cây trồng không thể hấp thu được, gây thoái hóa đất, ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng. Thứ ba là phân bón giả, kém chất lượng gây rối loạn thị trường, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN), đặc biệt ảnh hưởng tới các DN làm ăn chân chính.
Ông Vũ Xuân Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát Hóa chất Lâm Thao, chia sẻ: “DN chúng tôi hiện lo ngại vấn đề phân bón nhái hơn là phân bón giả. Hàm lượng chất dinh dưỡng trong các sản phẩm phân bón nhái này rất ít, các DN này còn nhập nhèm trong công bố hàm lượng, trong mẫu mã bao bì, lừa bịp người dân và cơ quan quản lý. Với nhiều cơ chế và cách luồn lách, các DN làm hàng nhái ưu đãi cao cho đại lý, dẫn đến các đại lý lại hướng người dân mua những phân bón nhái này. Vì vậy, chúng ta phải xác định rõ được những phân bón nào là nhái và kém chất lượng, muốn vậy phải có bộ quy chuẩn”.
Giải pháp nào xóa bỏ vấn nạn phân bón giả?
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, điểm tồn tại lớn nhất hiện này cần phải nói là lợi ích nhóm. Nếu vi phạm phân bón giả mà chỉ phạt hành chính thì sẽ làm hỏng ngành phân bón Việt Nam. Do đó cần thiết phải xử lý theo pháp luật và quy trách nhiệm.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản lý quỹ chống hàng giả Việt Nam, cho rằng: Thực trạng luật của chúng ta hiện còn lỏng lẻo ngay từ ban đầu, Nghị định 202/2013/NĐ-CP quản lý phân bón đã không đủ để quản lý, việc phân bổ giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và PTNTgiữa phân vô cơ và hữu cơ cũng chồng chéo và thiếu chặt chẽ. Chúng ta cũng đang nhập nhèm giữa xử lý hành chính hay hình sự với sản xuất phân bón giả. Đây là kẽ hở để các nhóm lợi ích bảo kê các nhóm sản xuất hàng giả. Ví dụ như trường hợp vụ phân bón giả Thuận Phong, trải qua chỉ đạo của 2 thủ tướng, 7 bộ, đơn vị này vẫn chỉ bị xử phạt hành chính. Do đó, đề nghị Chính phủ có quy định rõ: Sản xuất hàng giả phải xử lý hình sự, không xử lý hành chính.
“Qua nhiều lần tôi tham gia cùng lực lượng chức năng xuống địa bàn, thấy báo động vấn đề đạo đức người thực thi luật ở địa phương, bởi nếu đạo đức công chức mà thấp thì mọi chính sách của Chính phủ đều phá sản. Cụ thể, khi đi cùng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, chúng tôi gặp một điều lạ lùng, khi phía trên là các lực lượng kiểm tra đang họp thì xuống địa phương các chủ DN có trong danh sách bị kiểm tra đã trốn hết. Vậy ai là người báo cho DN?”, ông Hùng nêu một thực tế.
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh - Đoàn Luật sư Hà Nội: Trước đây, lĩnh vực phân bón vô cơ do Bộ Công Thương quản lý, Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác. Việc hai bộ cùng quản lý lĩnh vực phân bón đã nảy sinh nhiều bất cập, chồng chéo trong quản lý.
Do vậy, tháng 11/2016, Hiệp hội Phân bón Việt Nam có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, giao việc quản lý ngành phân bón cho một bộ.
Để thực hiện Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 có quy định Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý nhà nước về phân bón và để thống nhất quản lí nhà nước về phân bón, bao gồm phân vô cơ, phân hữu cơ và phân bón khác.
Theo luật thì khi đã bị xử phạt hành chính một lần mà vẫn tái phạm thì sẽ bị khởi tố hình sự. Mức phạt hành chính hiện nay là 500 triệu đồng. Tuy vậy, với mức phạt này mà sau đó DN vẫn thực hiện được các hành vi đó để kiếm lợi nhuận thì có nhiều DN cũng muốn mỗi năm phạt 1 - 2 lần.
“Tôi cho rằng, vấn nạn phân bón giả xảy ra có một phần trách nhiệm không nhỏ từ các DN phân bón lớn làm ăn chân chính. Chúng ta chỉ mới đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ chứ vấn đề thực thi nhãn hiệu, thương hiệu đó trên thị trường lại chưa được tốt”, ông Truyền nói.
Theo ông Hồ Quang Thái, Thuận Phong là một trong những vụ điển hình minh chứng cho việc các cơ quan quản lý đang có nhiều vấn đề. Là người theo dõi từ đầu, tôi nhận thấy, chính vì cơ chế chính sách của chúng ta chưa chặt chẽ nên doanh nghiệp mới có cơ hội lợi dụng kẽ hở để sản xuất, kinh doanh gian dối. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng (đơn vị quản lý trực tiếp) lại thờ ơ, không vào cuộc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vi phạm ngày càng lộng hành. Trong việc nhập khẩu phân bón, Thuận Phong có nhập khẩu 7 loại thì 5 loại là phân bón lá chứ không phải rễ, thế nhưng khi đưa ra thị trường, doanh nghiệp lại nói là có thể sử dụng thay phân bón lá. Như vậy, doanh nghiệp đã cố ý làm sai và được các cơ quan chức năng tiếp tay!
Chúng tôi đang kiến nghị Bộ Công thương làm rõ những vấn đề này. Để xảy ra thực trạng trên là do văn bản quy phạm pháp luật đang bất cập, cơ quan chức năng nhà nước còn vô cảm. Tôi cho rằng, chúng ta nên tập trung điều chỉnh, bổ sung lại Nghị định 202 vì có nhiều bất cập. Nghị định này đã có hiệu lực được hơn 3 năm nhưng định nghĩa về các chất chính trong phân bón vô cơ chưa đầy đủ.
Ngoài ra, các bộ, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp PTNT phải chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành bộ quy chuẩn về phân bón Việt Nam, đồng thời quy định rõ các lần giám định cần thiết. Đặc biệt, chúng ta cần phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp với cán bộ tại tất cả các cơ quan quản lý nhà nước. Cán bộ phải kiểm tra, thẩm định, xác minh chính xác các điều kiện của doanh nghiệp cần có mới được cấp phép.
Với các trung tâm kiểm nghiệm, thẩm định, cần có máy móc hiện đại, bám vào quy chuẩn nhà nước ban hành để chứng nhận. Ngoài ra, nên tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón để kịp thời phát hiện những hành vi kinh doanh sai trái của doanh nghiệp.
Về việc xây dựng chế tài, ông Nghiêm Quang Tuấn cho biết, cuối tháng 3/2017, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lí phân bón.
Tháng 6/2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thành dự thảo để trình Thủ tướng. Trong công tác quản lý phân bón, thời gian qua, việc quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đáp ứng được tình hình phân bón trong khi tình trạng phân bón phát triển ồ ạt, thiếu định hướng, quy chuẩn hợp quy nhiều, chế tài mỏng chưa kiểm soát được phân bón lưu thông trên thị trường.
“Ngoài 3 giải pháp của ông Hồ Quang Thái, tôi xin bổ sung thêm 2 giải pháp. Thứ nhất, cơ quan địa phương cần vào cuộc. Nếu UBND các tỉnh, thành đồng loạt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thì công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái sẽ càng hiệu quả. Thứ hai là, công tác tuyên truyền, cơ quan nhà nước cần phối hợp tuyên tuyền cho người nông dân phân biệt phân bón chất lượng và kém chất lượng; hỗ trợ người nông dân sử dụng phân bón an toàn hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm”, ông Tuấn nói.
Khánh nguyên/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn