Sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hữu cơ duy trì và tăng cường khả năng tái sản xuất của các loại tài nguyên đất, nước, cây trồng, vật nuôi…
Tại diễn dàn hợp tác Việt Nam - Nhật Bản về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp lần thứ 2, do Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao (AHTP) tổ chức, các đối tác Nhật Bản đã giới thiệu những mô hình công nghệ mới, hiện đại, giúp nâng cao giá trị sản phẩm nhờ năng suất và chất lượng vượt trội.
Công nghệ cao hướng đến bền vững
Đại diện Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cho biết, tuy việc cơ giới hóa trong nông nghiệp có bước phát triển khá nhanh nhưng mức độ trang bị động lực cơ giới hóa mới đạt mức trung bình, thấp hơn nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…
Theo AHTP, sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hữu cơ nhằm thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng cơ bản của các thế hệ hiện tại, tương lai về số lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp; duy trì và tăng cường khả năng tái sản xuất của các loại tài nguyên đất, nước, cây trồng, vật nuôi…
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản mang đến những công nghệ mới nhất, hướng đến việc phát triển nền nông nghiệp bền vững. Công ty Fuji Consulting Japan giới thiệu máy công nghệ hòa tan Fine Bubble và phân bón DNAZ - 1.
Dưa lưới áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt sẽ cho năng suất cao. Máy công nghệ hòa tan Fine Bubble giúp hòa tan oxy và giảm khí độc trong nước, được áp dụng trong nông nghiệp, giúp chất lượng sản phẩm cao hơn. Công ty đang thí điểm mô hình nuôi tôm ở Gò Công, cho hiệu quả cao. Nếu xài máy quạt thổi oxy thì phải dùng 8 giờ, còn sử dụng máy hòa tan chỉ cần 2 giờ, có thể giữ oxy trong 6 giờ, nên tiết kiệm điện năng tiêu thụ.
Đồng thời, giảm được khí độc, nâng chất lượng con tôm. Cùng nuôi trong 105 ngày, tôm nuôi ở ao dùng máy hòa tan có trọng lượng lớn hơn tôm nuôi ở ao dùng quạt thổi. Còn phân hữu cơ DNAZ - 1 giúp sự phát triển của cây tốt hơn và có thể bón cho vùng đất nhiễm phèn, mặn, đất khô cằn...
Được nhiều người quan tâm nhất là máy cầm tay kiểm tra chất lượng cho kết quả nhanh của một đơn vị khác. Hiện nay, để có kết quả xét nghiệm có virus hay không, bà con lấy mẫu kiểm tra và gửi đến đơn vị xét nghiệm, phải mất vài ngày mới có kết quả, nên khi phát hiện virus gây bệnh thì đã quá trễ. Máy xét nghiệm các nơi đều cồng kềnh, không thể mang đến nơi sản xuất, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa.
Trong khi đó, với tính năng cầm tay, nhỏ gọn, thiết bị này cho kết quả gần như tức thời. Tuy nhiên, đại diện DN Nhật Bản cho biết đang thiếu cơ sơ dữ liệu của từng loại sâu bệnh, nên muốn hợp tác với các trang trại để tạo ra cơ sở dữ liệu virus, trước khi đưa ra thị trường Việt Nam.
Nhiều DN Nhật Bản khác cũng mang đến công nghệ hiện đại được đánh giá cao, như hệ thống quản lý nông nghiệp công nghệ cao giúp quản lý được năng suất, chất lượng, nguồn gốc thực phẩm sạch; sản lượng và giá thành; thông tin hỗ trợ cho việc sản xuất; nguồn dữ liệu cho việc phân tích thống kê.
Cần “đầu tàu” thí điểm
Theo ông Ngô Quang Thọ, Giám đốc Công ty Trồng trọt nông sản giá trị cao Pure Organic, những thông tin của diễn đàn khá hấp dẫn đối với người làm nông nghiệp, AHTP nên quảng bá rộng rãi hơn để nhiều người biết đến, tránh tình trạng người đến có khi không cần, người cần lại không biết.
Tại diễn đàn, một DN Nhật Bản cho biết đã được tổ chức Mỹ công nhận sản phẩm đạt chất lượng hữu cơ dù nằm trong khu dân cư. DN này cải tạo đất, chôn giá thể xuống và kiểm soát được nguồn nước. Trong khi theo quy định, vùng đất trồng nông nghiệp hữu cơ phải cách ly khu dân cư, không gần khu công nghiệp, chưa canh tác…
Đáp ứng những điều kiện này chỉ có vùng xa, vùng núi, trong khi phần lớn DN Việt ít khả năng đầu tư do khó khăn về vốn. “Nếu như Nhật Bản làm được thì Việt Nam cũng làm được, điều quan trọng là phải có một đơn vị nhà nước đứng ra làm, để cho tổ chức quốc tế công nhận đánh giá. AHTP nên tiên phong thực hiện để thu hút. Nếu chỉ giới thiệu mà không có DN nào hợp tác, diễn đàn dễ bị nhàm chán”, ông Thọ khẳng định.
Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Việt - Úc nhận xét, diễn dàn này thực sự hữu ích, nhưng tổ chức 2 năm/lần thì quá lâu. Hàng năm, AHTP nên đánh giá, xem lại việc kết nối có hiệu quả không, có bao nhiêu DN triển khai được mô hình áp dụng thì mới nhân rộng được để khỏi manh mún. Tuy có nhiều điểm lợi ích, nhưng đầu tư khoa học - công nghệ phải tốn chi phí lớn, cần phải nắm rõ tác dụng, hiệu quả của sản phẩm.
Cho nên, AHTP cần là “đầu tàu” đứng ra thí điểm các công nghệ này, mọi người tham quan, học hỏi để còn “liệu cơm gắp mắm”. Bởi nông dân không thể bỏ ra số tiền không nhỏ để đầu tư, khi chưa thấy được hiệu quả từ thực tế. Song song đó, AHTP cũng là kênh trung tâm liên hệ với các đối tác và quảng cáo rộng rãi hơn.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý AHTP, diễn đàn ngày càng thu hút đông đảo nông dân, DN tham gia, chứng tỏ vấn đề nông nghiệp công nghệ cao đang được chú trọng. AHTP sẽ làm trung gian nếu các bên muốn hợp tác, diễn đàn chỉ mang tính chất giới thiệu và kết nối. Đối với các đối tác nước ngoài thì phải còn nhiều buổi thảo luận, đơn vị nào quan tâm thì AHTP sẽ tổ chức để các bên gặp nhau.
Theo Thạc sĩ Từ Minh Thiện, Phó ban Quản lý AHTP, nếu tăng cường hợp tác thương mại giữa 2 nước mà không tăng cường chuyển giao công nghệ (điều mà nền nông nghiệp Việt Nam còn khiếm khuyết) thì sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Vì vậy, tự do hóa thương mại song phương với Nhật Bản (JBTA) giúp lưu chuyển hàng hóa hai nước theo hướng tích cực, nhưng chưa cân xứng. Những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, vệ sinh thực phẩm của Nhật, cùng với sự cạnh tranh từ các nước, là thách thức lớn với các DN Việt khi muốn thâm nhập sâu thị trường này.
THANH HẢI/SGGP