Đặc biệt, hình thành các chuỗi liên kết RAT có sự tham gia của người sản xuất, sơ chế - chế biến- phân phối, kinh doanh - tiêu thụ. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về sản xuất và tiêu thụ RAT. Phát triển các chợ đầu mối gắn với các vùng sản xuất lớn. Cần duy trì và xây dựng một số chợ quy mô nhỏ để thuận tiện cho việc tiêu thụ RAT ở các vùng sản xuất lớn nằm xa chợ đầu mối.
Chính sách thu hút doanh nghiệp và một số mô hình thành công
Nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghiệ cao được ban hành nhằm thu hút các “đầu tàu” đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất - nhập khẩu, được cấp đất và miễn tiền sử dụng đất, được miễn, giảm thuế sử dụng đất đai, được ưu đãi về tín dụng, được cấp toàn bộ hoặc một phần kinh phí cho các dự án khoa học và công nghệ, được đầu tư một phần hoặc toàn bộ trang thiết bị phục vụ nghiên cứu chuyển giao công nghệ (Điều 12, Luật Công nghệ cao).
Hiện, có một số đơn vị đã thành công với mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn như Vingroup. Năm 2016, hệ thống nhà kính VinEco Tam Đảo do Vingroup đầu tư có diện tích 4,5ha, sử dụng công nghệ sản xuất rau mầm Microgreen được cung cấp duy nhất bởi công ty Teshuva Agricultural Projects (TAP) đến từ Israel.
Nhờ hệ thống nhà kính trồng rau mầm, trồng rau bằng phương pháp thủy canh, VinEco không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu rau sạch trong nước mà còn hướng tới mang thương hiệu nông sản sạch Việt gia nhập thị trường quốc tế. Hiện nay, tập đoàn đã và đang mở rộng diện tích gieo trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế.
Thành công trong mô hình trồng rau công nghệ cao phải kể đến Công ty TNHH Đà Lạt GAP, với hơn 15ha đất canh tác được trang bị hệ thống nhà kính hiện đại. Phương thức canh tác tiên tiến, áp dụng phương pháp trồng cây trên giá thể, bón phân, tưới nước được cài đặt qua hệ thống tự động. Hệ thống này sẽ kiểm soát lượng phân bón, pH, nước tưới cho từng giai đoạn của cây trồng và ở các khu vực khác nhau. Đây là công nghệ mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tiện lợi trong canh tác. Công việc ươm giống đã được cơ giới hóa từ khâu xây giá thể, nhồi giá thể vào vỉ, rửa vỉ và gieo hạt bằng máy… nên năng suất lao động tăng gấp 5-7 lần so với làm thủ công.
Công ty đã xây dựng quy trình trồng cà chua vô hạn, có thân dài trên 15m, năng suất trên 300 tấn/ha (gấp 5 lần phương pháp canh tác bình thường). Xây dựng hoàn chỉnh quy trình trồng ớt sừng ngọt (Bull’s horn Capsicum) trên giá thể, năng suất 200 tấn/ha (sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản)…
Nghiên cứu sản xuất và cung cấp giống rau sạch bệnh
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao TBKT Nông nghiệp (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam - Viện KHKTNNMN), trong nghề trồng rau từ xưa đến nay, với phương thức sản xuất nhỏ, tự sản tự tiêu, việc ươm cây giống hầu hết do các hộ gia đình tự làm. Rất ít nơi có người chuyên sản xuất cây giống bán cho người khác, nếu có, thường là hộ gia đình có nguồn hạt giống tốt, ươm bán cây con thay vì bán hạt giống để “độc quyền”. Khi tự ươm lấy cây giống, chất lượng cây giống tuỳ thuộc trình độ mỗi hộ và thường thì chất lượng không tốt. Một nhược điểm nữa của việc tư ươm giống là hay bị lỡ kế hoạch, có thể do trục trặc khi gieo: cây mọc ít, bị mưa hay sâu bệnh làm chết một phần hay toàn bộ cây giống.
Tại Lâm Đồng, nghề ươm cây giống đã hình thành và phát triển từ lâu, nhất là trong khoảng mươi năm gần đây, khi nhà màng xuất hiện, cho phép có thể chủ động sản xuất cây giống quanh năm, không sợ mưa bão. Lâm Đồng hiện có khoảng 200 trại ươm giống rau hoa cung cấp cho khoảng 30.000ha gieo trồng rau hàng năm.
Các loại rau được ươm sẵn gồm cà chua, cà tím, ớt, bắp cải, su hào, cải xanh, cải thảo, xà lách và hành. Từ năm 2003 đến nay, Viện KHKTNNMN đã huấn luyện kỹ thuật và tư vấn cho nông dân xây dựng trại phù hợp cho việc ươm, ghép cây cà chua. Hiện đã có 70 trại vừa ươm cây rau khác, vừa ghép cà chua.
Với người sản xuất rau thương phẩm, không phải lo gieo ươm, chỉ cần đặt mua nên hoàn toàn chủ động thời vụ, số lượng và chất lượng cây giống. Cây giống đảm bảo: đồng đều, sạch bệnh... Với người ươm cây giống, để có chất lượng cây giống tốt, cần đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, có lao động, kỹ thuật và kinh nghiệm. Ví dụ, đầu tư xây dựng một trại giống 2.000m2, cần khoảng 700-800 triệu đồng, 10 công nhân, mỗi năm có thể lãi 200 triệu đồng. Một trại như vậy có thể phục vụ cho khoảng 60-70ha gieo trồng. Với một vùng chuyên canh rau, việc phân công, hợp tác, người ươm giống và người trồng trọt sẽ hỗ trợ nhau, cả 2 đều có lợi. Đây là mô hình tổ chức rất đáng học tập.
Hiện nay, Viện KHKTNN miền Nam đang chuyển giao kỹ thuật xây dựng trại ươm cây giống, ghép cây rau tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, An Giang, Trà Vinh và TP.Hồ Chí Minh với diện tích vườn ươm khoảng 10ha và trên 250 hộ gieo ươm (trung bình 2.000m2/hộ).