Thành viên 5 tỉnh tham gia FFF tham quan xưởng chế biến gỗ của THT Mạy Phấn, Ba Bể |
Nổi bật và đáng ghi nhận là THT Mạy Phấn, xã Chu Hương, huyện Ba Bể, Bắc Cạn.Từ một phụ nữ nông thôn nhút nhát, nhờ sự động viên của FFF, chị Hoàng Thị Mai đã mạnh dạn theo học các lớp tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất, tìm kiếm thị trường, tiếp thị sản phẩm.
Năm 2015, trở về từ các lớp tập huấn, tham quan, chị Mai đã mạnh dạn đầu tư vốn và kêu gọi các thành viên khác trong tổ tham gia để mua máy bóc tách gỗ với giá thành 500 triệu đồng. Giờ đây, các thành viên được FFF tập huấn kiến thức đã biết đo, tính toán trữ lượng gỗ, không còn bán “quạ” với giá rẻ cho thương lái.
Năm 2016, xưởng sản xuất gỗ được thành lập với 16 thành viên. Mọi thứ còn rất mới mẻ và đầy khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ tận tình của Ban Quản lý FFF, sự cố gắng, nỗ lực của chị Mai và các thành viên khác nên dần dần xưởng đã tạo công ăn việc làm cho 21 thành viên, với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng/người. Nhiều lao động nữ quá 60 tuổi vẫn được tạo công ăn việc làm tại Xưởng.
Các đại biểu nghe chị Đinh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Luỹ chia sẻ kinh nghiệm |
Chị Vũ Lê Y Voan, cố vấn cao cấp của FFF cho biết, để THT được cấp Giấy phép kinh doanh chế biến gỗ, Ban Quản lý FFF đã phải làm việc với chính quyền, ngành chuyên môn để có THT có Giấy phép kinh doanh..
“FFF đối với tôi như một ngôi trường lớn, giờ tôi có thể mạnh dạn nói trước đám đông, tôi như được sinh ra, lớn lên từ FFF”- Chị Mai xúc động chia sẻ.
Rời THT Mạy Phấn, chúng tôi tiếp tục tham quan HTX Nhung Luỹ xã Yến Dương, huyện Ba Bể. HTX gồm 10 thành viên chính thức và 20 thành viên liên kết.
Chị Đinh Thị Tuyết Nhung, giám đốc HTX cho biết, sản phẩm của HTX chủ yếu từ nông sản, đặc sản địa phương như: Miến, gạo nếp, lạp xườn, sản phẩm từ chuối, thảo dược, nấm… Một số mặt hàng của HTX đã ký kết bán tại 17 siêu thị Big C miền Bắc; HTX cũng có gian hàng giới thiệu sản phẩm tại TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc.
Tham gia FFF giúp lãnh đạo HTX nâng cao kiến thức quản lý, kinh doanh, kết nối thị trường để tiêu thụ sản phẩm.
Trẻ trung, năng động, nhiệt tình nên chị Ma Thị Ninh được các thành viên HTX Yến Dương, huyện Ba Bể bầu làm Giám đốc. HTX được thành lập từ năm 2018 với 6 thành viên, nay đã tăng lên 30 thành viên. Sản phẩm của HTX được bán trong cửa hàng OCOP và bán lẻ trên Internet. Năm 2019, HTX mở thêm hai gian hàng bán và giới thiệu sản phẩm.
Đoàn tiếp tục tham quan và thưởng thức văn nghệ tại HTX Yến Dương |
Chị Ma Thị Ninh chia sẻ, ngoài việc gìn giữ, giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản địa phương, HTX của chị còn bảo tồn và phát huy văn hoá bản địa thông qua việc thành lập tổ văn nghệ, phát triển văn hoá du lịch tại địa phương.
Nhờ FFF mà hội viên, nông dân tại nhiều nơi đã có cái nhìn đúng đắn về sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ và khai thác sản phẩm từ rừng; kinh doanh hiệu quả. Quan trọng hơn FFF đã gắn bó các thành viên tại nhiều địa phương để cũng nhau học tập, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau phát triển bền vững và đem lại hiệu quả cao.