PGS.TS Phan Thị Vân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I. (Ảnh: Tùng Đinh).
Phải mất rất nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ để có thể viết lên được bản “chương trình hành động” để trình bày trước tập thể cán bộ chủ chốt trong ngày bỏ phiếu tín nhiệm bổ nhiệm chức danh Viện trưởng.
Trong đó, những điểm chính trong nhiệm kỳ được nhấn mạnh là kiện toàn bộ máy tổ chức, tinh nhuệ hóa đội ngũ nhân sự, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, chuẩn hóa mọi hoạt động, phòng thí nghiệm và nâng cao đời sống cho cán bộ.
Sau này, nghĩ lại tôi thấy việc trăn trở đó, việc vạch ra được những mục tiêu rõ ràng đó ngay từ ban đầu là rất hữu ích, bởi vì nó như là kim chỉ nam để mình hành động. Ngoài ra nó cũng chính là các tiêu chí cụ thể để đánh giá và lượng hóa được mức độ thành công trong nhiệm kỳ công tác của mình.
"Là phụ nữ lại cũng nhạy cảm cho nên tôi rất khó khăn khi ra quyết định cho nghỉ việc một ai đó. Có nhiều trường hợp tôi còn không dám nhìn họ lúc chia tay" (Ảnh: Tùng Đinh) |
Đối với kiện toàn bộ máy tổ chức, đó là việc khó nhất nhưng cũng là dễ bắt đầu nhất. Trước đây, Viện có 415 cán bộ, trong khi đó chỉ tiêu lương do Bộ đề ra cho Viện là 125 suất.
Tôi làm việc với các phó viện trưởng, các trưởng đơn vị và thảo luận rằng: “Chúng ta chỉ có 125 suất lương mà tới 415 người thì không thể nào gánh được. Khi mà Nhà nước, Bộ NN-PTNT đưa cho chúng ta 125 suất lương là phải có lý do. Nếu phình to như thế này thì phải có rất nhiều việc mà tại thời điểm này chúng ta đang chưa có nhiều việc. Chúng ta phải tinh giản để có được đội ngũ cán bộ tinh nhuệ và phù hợp với công việc”.
Có nhiều cách để giảm số lượng người, nhưng cách tốt nhất là dựa vào vị trí việc làm, nhiệm vụ và sự nhiệt huyết của họ với mục tiêu cuối cùng là tìm người phù hợp, không phải phù hợp với lãnh đạo mà phù hợp với công việc và sự phát triển của Viện. Có người đang làm ở đây nhưng lại phù hợp với việc kinh doanh ở bên ngoài hay với những công việc khác hơn….
Chúng tôi chia thành những phương án khác nhau như với đối tượng này thì trưởng các đơn vị có thể vận động, đối với những đối tượng kia thì trực tiếp lãnh đạo Viện vận động. Quan trọng là phải đảm bảo được quyền lợi cho họ khi nghỉ việc, đúng theo qui định.
Chẳng hạn có trường hợp cán bộ nghỉ việc thì do bảo hiểm trả, có trường hợp lại do Viện trả. Trong Viện lại phân chia ra, đối với những đối tượng như thế này thì đơn vị cấp dưới trả, đối với những đối tượng như thế kia thì Viện trả. Thú thực, lúc đó kinh phí của chúng tôi không có nhiều nên thành ra rất cân nhắc.
Có nhiều người khi nói với tôi về chuyện phải nghỉ việc đã khóc nhưng đều đồng ý bởi chính họ cũng hiểu được rằng họ chưa đủ trình độ, nhiệt huyết hoặc chưa phù hợp với công việc đang được giao. Người trẻ, người mới thì dễ bơ vơ còn người trung tuổi rồi thì không biết công việc tiếp theo sẽ làm gì. Tuy nhiên khi nghe phân tích, họ mới vỡ ra rằng: “Tôi đã làm bấy nhiêu năm nhưng nói chuyện với cô mới tự thấy mình cũng không phù hợp với công việc này lắm!”. Cho đến bây giờ những người đó đều đã có những công việc phù hợp và thỉnh thoảng vẫn tương tác với Viện.
Các kỹ thuật viên của Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và chuyển giao công nghệ thủy sản thực hiện quá trình tuyển chọn cá bố mẹ. |
Hiện tại, đang có nhiều công ty về thủy sản có xu hướng mở rộng ra phía Bắc, tiếp cận với một vài cán bộ có năng lực của Viện. Một vài người rụt rè lên trình bày về chuyện xin đi nhưng tôi đều lặp lại câu nói của ai đó mà mình cảm thấy rất hợp là: “Mình không thể nào chọn được nơi sinh ra nhưng hoàn toàn có thể quyết định nơi làm việc và sinh sống”. Họp tổng kết năm giữa toàn bộ cán bộ Viện tôi vẫn bảo: “Những ai cảm thấy không phù hợp thì hãy tìm cho mình một con đường khác bởi chỉ khi làm những việc mà phù hợp thì mới phát triển được. Viện hoàn toàn ủng hộ. Cho dù bạn làm ở đâu miễn là bạn làm tốt thì bạn đều đang đóng góp cho sự phát triển của ngành, của đất nước”.
Khi mà tập thể Viện đi theo hướng tinh nhuệ thì có nhiều cái trước đây phù hợp nhưng giờ trở thành không phù hợp nữa và như vậy có nghĩa là cán bộ cần phải nâng cao năng lực, không thể có chuyện không biết đến công nghệ dù chỉ là một công nhân phục vụ nghiên cứu đi chăng nữa.
Những con cá cái được kỹ thuật viện tuyển chọn kỹ càng về kích thước, khả năng sinh sản. |
Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chỉ còn 184 người, có nghĩa là đã giảm 231 người mà quá trình tinh giản đó không hề có một đơn kiện nào. Đã có rất nhiều người giờ không còn làm ở Viện nhưng lại là cầu nối Viện và các doanh nghiệp họ làm, tạo nên mối quan hệ tốt đẹp và nhiều ý tưởng hợp tác ra đời.
Cái thứ hai mà chúng tôi thực hiện là xây dựng bộ quy chế. Tại sao lại phải cần quy chế? Bởi vì chúng ta là con người, có thể thích việc này mà không thích việc kia, cho rằng việc này là đúng mà việc kia chưa đúng, việc này nên làm mà việc kia không nên làm. Là lãnh đạo càng không nên để những điều đó chi phối.
Chỉ ví dụ một việc đơn giản là nâng lương trước thời hạn. Nâng lương trước thời hạn cho một người có bài viết được đăng trên tạp chí quốc tế nhưng người ở ngoài ao cá suốt ngày không biết viết bài thì sao? Do đó, tất cả đều phải được quy chế hóa, các quy chế không rườm rà và phải được xây dựng bởi chính tập thể cán bộ trực tiếp bị chi phối bởi các quy chế đó.
Tổ soạn thảo quy chế lấy ý kiến của toàn bộ cán bộ, kể cả là người lao công để làm sao tốt nhất cho hoạt động của Viện, cuối cùng mới định ra 13 bộ quy chế cho tất cả các lĩnh vực hoạt động của Viện, mỗi năm được chỉnh sửa bổ sung lại 1 lần và được ký lại vào đầu năm. Mọi hoạt động, mọi đánh giá của Viện cứ theo quy chế mà áp dụng, vừa nhanh, dễ mà vừa có sự đồng thuận cao.
Trước đây, Viện ngoài việc có các phòng chức năng, còn có các phòng chuyên môn và cùng với các trung tâm, phân viện. Muốn phát triển một cách năng động phải thay đổi bởi các phòng chuyên môn khi có một ý tưởng, nghiên cứu hay hợp tác dù là lớn hay nhỏ đều phải xin ý kiến lãnh đạo Viện do không có con dấu, tài khoản riêng.
Các mẫu trứng được thu ngay tại ao, những con cái có trứng to, tròn, chắc sẽ được lựa chọn. |
Vì thế chúng tôi mới định hướng rằng tất cả những gì liên quan đến chuyên môn phải chuyển thành trung tâm để tránh chồng chéo, giảm bớt các thủ tục hành chính và có sự chủ động trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ khi chỉ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Viện, trước pháp luật. Năm 2015 chúng tôi đã thuyết phục được Bộ NN-PTNT cho phép thay đổi lại tổ chức của Viện, theo đó chỉ có 3 phòng chức năng là tổ chức hành chính, kế hoạch tài chính và khoa học hợp tác quốc tế và đào tạo, còn lại tất cả các phòng chuyên môn đều trở thành trung tâm và phân viện.
Qua quá trình đó, việc quản lý cũng dễ hơn rất nhiều bởi trước đây trung tâm hay phòng chuyên môn đều dính đến chuyên môn nhưng khác nhau ở chỗ một bên có thể tự làm việc được còn một bên bất cứ công to việc nhỏ đều phải xin ý kiến qua các bước trưởng phòng, phòng chức năng rồi lãnh đạo Viện.
Khi chuyển sang thành trung tâm, tự nhiên các đơn vị này năng động hẳn lên, làm rất tốt các công việc được giao. Chúng tôi rất vui vì lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã lắng nghe và chấp nhận ý tưởng về một Viện không có phòng chuyên môn là vì thế.
Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, do đó trong công việc cần phải được chuẩn hóa đến hết mức có thể. Tất nhiên là trên cuộc đời này chẳng có cái gì có thể chuẩn hóa được 100% nhưng hãy cố gắng chuẩn hóa được càng nhiều càng dễ thực hiện. Muốn chuẩn hóa được phải đi theo các tiêu chuẩn, các chứng chỉ trong nước và quốc tế công nhận như ISO 17025 chẳng hạn.
Muốn các kết quả nghiên cứu của mình được thế giới công nhận và muốn được khách hàng sử dụng dịch vụ phân tích thì các phòng thí nghiệm cần phải được vận hành theo theo tiêu chuẩn của quốc tế.
Phần lớn mọi người đều cho rằng rất khó để phát triển nuôi trồng thủy sản ở miền Bắc do mùa đông thường rất lạnh. Điều đó có phần đúng, nhưng câu hỏi đặt ra là nhiều nước có nhiệt độ lạnh hơn chúng ta nhưng vẫn phát triển rất tốt cùng đối tượng nuôi với chúng ta, ví dụ như cá rô phi ở Trung Quốc chẳng hạn. Trước đây, rô phi chỉ nuôi ao nhưng giờ ở miền Bắc đã phát triển nuôi quy mô công nghiệp trong lòng hồ chứa, hay con cá chép và các loài cá đặc sản đang rất được quan tâm, phát triển. Hoặc như các loài cá nước lạnh như cá hồi vân, cá tầm, cá hồi trắng đang được phát triển và đã thay đổi sinh kế của người dân, đặc biệt là các dân tộc ít người và thay đổi nền ẩm thực miền núi. Giờ đây người ta nói, nếu lên Sapa mà chưa ăn cá hồi vân thì coi như là chưa lên đến Sapa. Điều quan trọng, theo tôi là phải làm chủ được công nghệ, chọn đối tượng nuôi phù hợp. (PGS.TS Phan Thị Vân) |
Chuẩn hóa đầu tiên của chúng tôi là cơ sở vật chất.
Trước đây khi ở nhà cũ, các phòng thí nghiệm bị xuống cấp do được xây dựng cách đây hơn 50 năm nên chưa đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Viện đã xin xây dựng dự án từ đầu những năm 2000 nhưng cách đây vài ba năm mới thành hiện thực.
Hiện nay chúng tôi đã có phòng thí nghiệm mới khang trang với các phòng đạt chứng chỉ ISO 17025 phiên bản mới nhất 2017. Được làm việc trong một phòng thí nghiệm khang trang, hiện đại, tinh thần của cán bộ cũng phấn chấn hẳn lên.
Bốn thứ cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, kiện toàn bộ máy, quy chế chỉ là “phần cứng” mà thôi. Có tất cả những thứ đấy nhưng dùng vào việc gì?
Giai đoạn đó đề tài rất ít, nhiều khi chính tôi cũng thấy nản. Năm 2014 tiền từ ngân sách nhà nước, tài trợ nước ngoài và sản xuất kinh doanh của Viện rất thấp.
Tập thể lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt đã cố gắng tìm hướng đi mới và những cánh cửa mới đó đã bước đầu mở ra cho Viện. Đến nay kinh phí hàng năm cho Viện đã tăng gấp đôi.
Cách tiếp cận của chúng tôi là đi sâu vào nghiên cứu mà có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, phần nghiên cứu cơ bản vẫn duy trì nhưng là làm tiền đề cho các nghiên cứu mà có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Những nghiên cứu mà có thể đáp ứng theo nhu cầu xã hội, song song với đó, nâng cao hợp tác quốc tế.
Khi nguồn vốn ODA gần như bị ngừng do Việt Nam đã không thuộc những nước thu nhập thấp nữa thì chúng tôi tìm các kênh hợp tác nước ngoài theo hướng đối tác nghiên cứu, chuyên gia chuyển giao công nghệ...
Sau khi tuyển chọn, cá bố mẹ sẽ được phối giống, cá con được nuôi trong các bể chuyên dụng. |
Một đối tượng thú vị là con rươi. Rươi được coi như là sinh vật chỉ thị môi trường, xử lý và cải tạo chất đất rất tốt. Việc nuôi rươi sẽ làm cho môi trường đất tốt lên chứ không bị suy thoái đi như nuôi nhiều đối tượng khác. Ngoài làm thức ăn cho người thì chúng tôi còn hướng đến làm thức ăn cho tôm bố mẹ thay cho 1 thức ăn tươi sống phải thu hoạch ngoài tự nhiên. Viện là đơn vị đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm rươi. Đã mở ra một ngành nghề mới đó là: Nuôi rươi có chủ động trong việc cải tạo, thả giống, quản lý, chăm sóc đến thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Sản lượng nuôi đã tăng 2 - 3 lần so với cách nuôi truyền thống. |
Đề tài nghiên cứu, không phải cứ để mãi ở trong ngăn kéo mà phải đưa vào thực tiễn. Ví dụ như phần nuôi biển, chúng tôi có mô hình nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp hiện đại đầu tiên ở Việt Nam trong vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) sản lượng 150 - 200 tấn/năm, do Na Uy và World Bank tài trợ. Mô hình mãi cũng chỉ là mô hình nếu như không biết cách mở rộng.
Viện đã mời nhiều đoàn trong nước, ngoài nước đến tham quan, sau đó có nhiều đối tác đặt vấn đề xin được chuyển giao công nghệ này.
Chúng tôi đã chuyển giao thành công cho 1 doanh nghiệp Việt Nam và cách đây không lâu chúng tôi đã ký hợp đồng chuyển giao cho một công ty ở Quảng Ninh và sắp tới có thể là một công ty rất lớn của Việt Nam bởi họ còn muốn đàm phán thêm. Về phía nước ngoài cũng có một công ty ở Myanmar và một công ty ở Camphuchia cũng đang thương lượng.
Đối với việc gia hóa tôm sú bố mẹ sạch bệnh, chúng tôi hợp tác với công ty nước ngoài. Trước đây để sản xuất thành công 1 con tôm sú bố mẹ từ tôm PL 15 cần mất 12 tháng, nay đã rút xuống còn 9 tháng và tỷ lệ thành công trên 70%.
Năm 2017 Viện nhận được giải thưởng Thủy sản vàng Việt Nam cho việc lần đầu tiên sinh sản thành công cá Nhụ ở Việt Nam. Mở ra một khả năng mới cho nghề nuôi cá biển chất lượng cao vì cá Nhụ thuộc trong 4 loài cá biển ngon nhất ở Việt Nam theo như người xưa đánh giá là “Chim, Thu, Nhụ, Đé”.
Có những ý tưởng mới nghe qua tưởng rằng “điên rồ” như chuyển giao công thức thức ăn công ty đa quốc gia, 100% vốn nước ngoài? Vì sao? Vì những công ty đó có các phòng nghiên cứu và phát triển R&D cực kỳ tốt, họ được đầu tư bài bản, quy tụ những nhà nghiên cứu dinh dưỡng hàng đầu thế giới.
Khi tôi đặt vấn đề với những chuyên gia về dinh dưỡng của Viện: “Chúng ta nên làm các công thức thức ăn. Bởi mình là người gần gũi với con tôm, con cá nhất, hiểu tập tính của nó nhất và mình cũng được đào tạo rất bài bản về dinh dưỡng”.
Họ trả lời: “Mình làm thì làm được nhưng có đưa ra sản xuất được đâu hả chị?”. Tôi vừa cười vừa động viên rằng: “Việc xây dựng công thức thức ăn là của các em còn việc đưa nó ra sản xuất là việc của chị”.
Thế rồi tôi tiếp cận với công ty De Heus và mời họ theo dõi những thí nghiệm của chúng tôi và họ thấy công thức thức ăn của Viện tốt nên nhận chuyển giao với giá rất cao. Nhận chuyển giao công nghệ cũng là cách họ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc thay vì tự nghiên cứu. Nhưng quan trọng nhất là họ tin vào kết quả nghiên cứu của chúng tôi.
PGS.TS Phan Thị Vân. (Ảnh: Tùng Đinh) Trưởng thành hơn từ những góp ý chân thànhHồi còn làm Giám đốc Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh miền Bắc, cứ cuối năm tôi lại tổ chức góp ý cho lãnh đạo gồm giám đốc, phó giám đốc, chánh văn phòng và phụ trách kế toán. Lời góp ý không được nói trực tiếp mà đánh máy, không ký tên rồi bỏ vào hòm thư để không ai biết là ai và ai cũng phải bỏ. Năm đầu tiên, tôi đề nghị mọi người đánh máy ra 5 điều tốt, 5 điều chưa tốt của lãnh đạo. Khi mở ra, nói thật tôi choáng vì có những điều mình thấy rất nhỏ nhưng đối với họ lại quan trọng như khi nộp báo cáo qua USB để tôi copy vào máy nhưng sau đó tôi quên trả họ cũng nhắc qua góp ý. Bởi thế mà bây giờ tôi mượn cái USB hay cái bút của ai dùng xong đều nhớ trả ngay. Sang năm thứ hai, góp ý rút xuống còn 3 điều, không nói về điều tốt nữa mà chỉ nói về những thứ chưa hài lòng. Thực hiện như thế trong chỉ một năm sau chúng tôi thấy mọi thứ thay đổi hẳn, kể cả chính mình. Về sau tôi vẫn thường nói với mọi người rằng: “Đừng ngại bị góp ý, chỉ có điều mình cần nhìn nhận những điều góp ý đó theo hướng tích cực. Như vậy sẽ rất tốt cho công việc và bản thân mình.” |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn