ừ cuối năm 2016, đầu năm 2017 giá lợn bỗng trên toàn quốc bỗng “lao dốc không phanh” khiến nhiều hộ chăn nuôi trên cả nước đứng ngồi không yên. Những người dân chăn nuôi ở Hà Nam cũng không ngoại lệ.
Giá lợn đi xuống, không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn đang kéo theo nhiều hệ lụy khác ở các làng quê chăn nuôi. Hàng trăm hộ nuôi lợn phá sản, lâm vào cảnh nợ nần, những cuốn sổ đỏ lần lượt được đem đi cầm cố, người dân Ngọc Lũ chua xót ví von, lợn ở đây “ăn nhà”, “ăn sổ đỏ”. Nhà ít nợ mấy trăm triệu đồng, nhà nhiều nên tới hàng tỷ đồng.
Thật sự đây là một cơn “siêu bão” lịch sử chưa bao giờ xuất hiện tại nơi đây. Nhiều hộ dân đang lâm vào cảnh nợ nần, thua lỗ nặng, thậm chí nhiều người phải bỏ xứ mà đi làm ăn nơi khác để kiếm tiền trả nợ.
Sau một thời gian dài gặp khó khăn, biến động liên tục về giá lợn, hiện nay giá lợn hơi xuất chuồng đang duy trì ở mức cao, trên 50 nghìn đồng/kg và đang dần ổn định. Tuy nhiên, nguồn cung lợn thịt ra thị trường lại đang khá khan hiếm.
Hiện nay, việc tái đàn đang được người dân các địa phương trong tỉnh Hà Nam khôi phục trở lại. Hiện tổng đàn có khoảng 460 nghìn con, bằng 91,67% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, việc tái đàn vẫn đang chậm do tác động thua lỗ từ đợt giá lợn thịt giảm sâu cuối năm 2016 và 2017.
Phần lớn số lợn hiện có đều do người dân mới nhập về nuôi được 2 - 3 tháng, trong khi lợn thịt phải nuôi 5 - 6 tháng mới có thể xuất chuồng. Cùng với đó, giá lợn giống hiện nay đang ở mức cao 1,4 - 1,5 triệu đồng/con và khá khan hiếm. Tại các trang trại lợn giống quy mô như của Công ty Dabaco tại xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, cũng không có đủ nguồn cung ứng.
Bà Trần Thị Hòa, ở xóm 6, xã Ngọc Lũ cho biết: “Cuối năm 2016, đầu năm 2017, những hộ chăn nuôi lợn ở xã tôi gần như điêu đứng, lợn bán ra giá thấp, thời điểm đấy mỗi con lợn lỗ từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/con. Còn hộ tự nhân giống ở chuồng trại, họ lỗ ít nhất là 1 triệu đồng/con. Sau thời gian giá xuống, đến nay giá lợn hơi đã tiến triển, nhưng việc tái đàn cũng khá khó khăn, phần vì vốn liếng của chúng tôi cũng đã cạn, phần vì giá lợn giống cao khoảng 1,5 triệu đồng/con và cũng rất khan hiếm nên không thể phát triển ồ ạt”.
Cũng theo bà Hòa cho biết, hiện nay người chăn nuôi lợn đã bắt đầu tái đàn lại mạnh mẽ, nhưng những đàn mới phải khoảng 2 - 3 tháng nữa mới xuất chuồng vì vậy nguồn cung ứng thịt lợn ra thị trường thời gian này khan hiếm là chuyện đương nhiên.
Khan hiếm lợn thịt được thể hiện rõ nhất là tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm xã Bối Cầu (huyện Bình Lục). Số lượng lợn thịt đưa vào chợ hàng ngày chỉ từ 300 - 500 con, bằng 10 - 20% so với thời gian cao điểm trước đây. Đầu lợn giảm nhưng trọng lượng mỗi con lại khá thấp, phần lớn từ 90 - 100 kg/con. Được biết, số lượng lợn thịt giao dịch tại chợ chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và một số vùng lân cận (Nam Định, Thái Bình). Lợn có trọng lượng 120 kg/con xuất đi Hà Nội rất ít, mỗi ngày chỉ được 1 - 2 xe (70 - 100 con).
Những tay lái buôn chuyên thu mua lợn thịt để chuyển đi các tỉnh khác cho biết, vào thời điểm này, bình quân mỗi ngày chỉ mua được 1 xe số lượng 50 - 70 con. Để có được đủ số lượng những tay lái buôn này phải mua gom từ sáng đến giữa trưa mới đủ số lượng hàng.
Phía Sở NN & PTNT đã có định hướng đến người chăn nuôi, nhất là các thông tin về thị trường, quy mô đàn trên địa bàn để điều chỉnh chăn nuôi phù hợp. Cùng với đó khuyến cáo người dân không tăng trưởng nóng quy mô đàn khi giá lợn lên cao để phòng rủi ro như đã từng xảy ra năm 2016.
Tác giả bài viết: Theo Đức Văn (Báo Dân Trí)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn